Năm 2010 được nhận định là “năm vàng” của các nước xuất khẩu gạo. Liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội?
Theo các chuyên gia kinh tế, ba vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm hướng đến nâng cao thu nhập cho nông dân, khẳng định tầm vóc mới của nông nghiệp, nông thôn. Đó là: nâng vị trí xếp hạng xuất khẩu gạo Việt Nam; nâng hình ảnh, uy tín thương hiệu gạo; nâng giá trị tăng thêm cho sản xuất lúa gạo.
Nhiều cơ hội
Hoạt động mua bán gạo trên thị trường quốc tế gia tăng sau khi có tin Philippines cần nhập trên 2 triệu tấn gạo. Indonesia có thể hủy kế hoạch xuất khẩu 2 triệu tấn gạo nếu hạn hán kéo dài. Ấn Độ có thể phải nhập 3 triệu tấn gạo vào năm 2010.
Nhu cầu và giá gạo thế giới hiện nay đang trên đà tăng có lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu. Philippines vừa mở gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo.Tổng công ty Lương thực Miền Nam trúng thầu cung ứng 150.000 tấn gạo với giá bán 480 USD/tấn.
Theo kế hoạch, Philippines tiếp tục mở thêm các gói thầu nhập khẩu là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi nhiều khả năng giá sẽ cao. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo giá gạo thế giới còn tiếp tục tăng do thị trường thế giới đang có dấu hiệu sốt gạo bởi nhu cầu tăng cao.
Theo VFA, tuy nhu cầu xuất khẩu tăng, nhưng trong nước sẽ không xảy ra đột biến giá vì Philippines đấu thầu liên tục nhưng không lấy hàng liên tục. Ấn Độ, châu Phi chưa nhập gạo vào lúc này, trong khi lượng gạo trong kho của Việt Nam hiện trên 1,4 triệu tấn. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ 3 ước chừng 1 triệu tấn gạo hàng hóa.
Tháng 1/2010, các địa phương sẽ thu hoạch lúa đông xuân và lúa mùa. Dù hợp đồng xuất khẩu có tăng mạnh nhưng sản lượng gạo trong nước không chỉ đủ, mà còn thừa để xuất khẩu trong quý 1/2010.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 221 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu năm 2009. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam được giao nhiệm vụ mua 500.000 tấn, tạm trữ đến ngày 20/1/2010. Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng từ thời điểm mua đến hết thời gian tạm trữ theo quy định.
Cơ hội nhiều, song nếu chỉ bằng lòng với việc xuất khẩu tăng về sản lượng mà không nâng cao được giá trị hạt gạo thì khả năng Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chắc còn xa. Niềm mong ước có được lợi nhuận xứng đáng công sức lao động của nông dân cũng chưa thỏa.
Xưa nay, tập quán sản xuất của các hộ nông dân vẫn là sản xuất nhỏ, lúa gạo sản xuất miễn sao đạt năng suất cao mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm. Đặc biệt trong khâu xử lý sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, vẫn chưa đầu tư sản xuất tập trung theo vùng từng loại giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Đó là một trong những nguyên nhân làm gạo Việt Nam thua kém gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có được giải pháp tốt khắc phục hạn chế đó.
Đột phá từ đâu?
Để giải quyết bài toán này, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) đã xây dựng một lực lượng có kinh nghiệm nhận biết, chế biến, phân loại gạo... Đồng thời, công ty cũng hình thành mạng lưới thu mua và tiêu thụ lúa, gạo trong nông dân qua các phương thức: mua lúa gạo trực tiếp của nông dân thông qua các xí nghiệp, các kho của Tigifood tại các vùng trọng điểm của tỉnh. Qua đó, Tigifood sẽ báo niêm yết giá mua từng thời điểm để người dân có thể tham khảo và quyết định việc bán lúa của mình.
Hoặc thành lập các tổ thu mua lưu động trực tiếp mua lúa tại rẫy của nông dân trong thời gian thu hoạch rộ để đưa về kho phơi, sấy. Xây dựng những vệ tinh là các DN tư nhân, hợp tác xã có chức năng xay xát lúa gạo trong tỉnh đã có quan hệ cung ứng lúa gạo cho Tigifood từ nhiều năm trước đứng ra thu mua lúa trong nông dân rồi bán lại cho Tigifood.
Các giải pháp thu mua lúa gạo của Tigifood đã tạo điều kiện cho nông dân an tâm gắn bó với ruộng đồng và là “cầu nối” - đồng hành giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Hàng năm, Tigifood thu mua khoảng 250.000–300.000 tấn gạo các loại.
Nhờ mạng lưới tổ chức hợp lý, vừa chủ động nguồn kinh doanh, vừa đảm bảo tồn trữ gối đầu, Tigifood đã đưa ra một lượng lớn gạo để bán lẻ cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần cùng với cả nước bình ổn được giá gạo khi có hiện tượng sốt “ảo”.
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng. Muốn tạo được thương hiệu cho gạo Việt Nam thì chất lượng gạo phải đồng đều, thuần chủng. Hiện nay, nông dân đã trồng nhiều giống lúa chất lượng cao, nhưng khi thu mua, thương lái cũng như doanh nghiệp để các loại chung với nhau. Khi xuất khẩu, các nước thường tình giá theo tỷ lệ tấm, không có giá riêng. Thái Lan lại chọn một số giống lúa đặc sản trồng để xuất khẩu riêng, tuy sản lượng thấp nhưng bù lại họ xuất được giá cao, tạo được tiếng gạo Thái ngon.
Thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới hầu như chưa có để có thể tạo cạnh tranh về giá. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng nhìn nhận gạo Việt Nam vẫn thua Thái Lan trong khâu chế biến. Nông dân chỉ mong bán được giá cao, nhưng vì khâu thu mua, tồn trữ, chế biến không làm tốt nên gạo Việt Nam còn đứng thứ hạng sau. Vì vậy, cần phải có kho chứa để mua lúa gạo của dân; doanh nghiệp phải có lượng gạo trong kho ít nhất bằng 50% lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu.
Theo Thanh Niên Online