Cập nhật: 09/01/2010 17:16:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là dự báo được đưa ra sau khi Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố có phương án hỗ trợ doanh nghiệp vốn để trữ hàng, tham gia vào bình ổn giá của các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch đưa hàng về nông thôn phục vụ bà con.

Nỗ lực bình ổn giá dịp Tết

 

Sở Công thương Hà Nội cho biết, để bình ổn thị trường giá cả trong dịp Tết Nguyên đán năm 2010, ngay từ những ngày đầu tháng 10/2009, ngành Công thương, thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hoá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Năm nay, thành phố ứng trước 250 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thương mại Hà Nội để thu mua, dự trữ các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn giá của thị trường trong dịp Tết. Nhờ vậy, nhiều đơn vị đã chủ động khai thác nguồn hàng, đặc biệt là các loại thực phẩm thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản đông lạnh, rau củ quả, thực phẩm chế biến và dầu ăn. Ngoài ra các doanh nghiệp ngành thương mại Hà Nội cũng đã chuẩn bị một lượng hàng hóa khá lớn. Trong đó Công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên sẽ dự trữ 650 tấn gạo các loại; 630 tấn thịt gia súc, gia cầm; 840 tấn thực phẩm chế biến các loại; 338 tấn thuỷ hải sản; 26,6 triệu quả trứng gia cầm với tổng giá trị khoảng 400 tỷ đồng. Ngoài ra các trung tâm thương mại, siêu thị Metro, Big C, Intimex, Fivimart, Citimart dự trữ đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền trên 1.000 tỷ đồng, đảm bảo lượng hàng cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2010.

 

Mới đây Bộ Tài chính đang cân nhắc các phương án bình ổn giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, trong đó có việc hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp lớn cung ứng hàng hóa ra thị trường với giá ưu đãi. Các phương án đang được xây dựng theo hướng tăng nguồn cung cho thị trường, dùng tiền ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định giá bán trong dịp Tết Canh Dần. Bộ cũng đề xuất phương án giao cho các địa phương sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp dự trữ hàng Tết cung ứng đủ cho thị trường.

 

Các địa phương sẽ chủ động chọn lựa doanh nghiệp chiếm thị phần lớn được vay vốn nhân sách không lãi để ký hợp đồng với các đầu mối cung ứng hàng hóa. Trên cơ sở các khoản vay ưu đãi, ngân sách hỗ trợ, doanh nghiệp thực hiện việc cung ứng hàng hóa với giá ưu đãi, thấp hơn giá thị trường. Trong điều kiện ngân sách địa phương gặp khó khăn, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sử dụng tiền ngân sách Trung ương phân bổ trong năm 2010 để hỗ trợ.

 

Thị trường đã nóng dần lên

 

Vào thời điểm này trên thị trường Hà Nội, nhiều hàng hóa như dầu ăn, nước ngọt, bia…đã bắt đầu tăng giá nhẹ từ 3-5%, ngay cả những mặt hàng không được tiêu thụ thường xuyên như bánh kẹo của các hãng như Kinh đô, Tràng An, Bibica có mức tăng phổ biến từ 5-10%. Theo đại diện các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Fivimart, Metro.. cũng đã nhận được khá nhiều đơn đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Ông Trần Mạnh Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay: hệ thống siêu thị Hapro Mảt cũng đã nhận được nhiều đơn đề nghị tăng giá giá bán đối với các mặt hàng như: rau xanh, bánh kẹo, đồ uống… Đơn vị cũng đã chấp nhận mức tăng giá ở một số mặt hàng có nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh trên thị trường trong nước và thế giới thời gian qua như sữa, bánh kẹo….

 

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới tới tết Nguyên đán nhưng hiện nay một số công ty bánh kẹo đã công bố lượng hàng dự kiến sẽ tung ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, các nhà phân phối bán lẻ cũng đã dự trù được nguồn hàng cung cấp chính của mình và nhắm vào những phân khúc thị trường nào trong mùa tết này.

 

Đại diện phía Bibica cho rằng: Tết này là cơ hội để sản phẩm của họ cạnh tranh với hàng ngoại nhập vì thế Bibica dự kiến sẽ tung ra thị trường khoảng 4.500 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% so với cùng kỳ 2008, tập trung ở 150 chủng loại như bánh qui sữa, bánh Nutri – Bis Light, Hura Light, bột ngũ cốc Netsure Light, kẹo Gello, mứt Hi – Spring…

 

Hãng bánh kẹo Phạm Nguyên cũng dự kiến sẽ cung cấp khoảng 6.000 tấn bánh kẹo các loại, tăng 40% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, các sản phẩm bán ra trong dịp tết này sẽ được giữ nguyên giá so với hiện tại để tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

 

Bà Dương Thị Quỳnh Trang – Giám đốc đối ngoại BigC Việt Nam cho biết: để chuẩn bị cho lượng bánh kẹo luôn đảm bảo cân đối trong mùa Tết này, BigC đã làm việc với các nhà cung cấp bánh kẹo ngay từ đầu tháng 10/2009. Theo kế hoạch này thì các hãng như Bibica, Kinh Đô, Hải Hà, Phạm Nguyên, Lubico… sẽ là những nhà cung cấp chính cho BigC.

 

Hàng ngoại nhập của các nước như Malaysia, Singapore… chỉ chiếm 10%. Bà Trang còn khẳng định, việc giá đường trong nước tăng so với trước đây đã khiến cho giá bánh kẹo trong mùa Tết này dao động thêm, tuy nhiên sẽ không đáng kể. Phía BigC dự kiến sẽ bán tất cả 400 mặt hàng bánh kẹo các loại, tăng 30% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Những tháng cuối năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán giá của nhiều loại hàng hóa sẽ có mức tăng phổ biến là 5-10%, cá biệt sẽ có mặt hàng tăng tới 20% như gà trống, chuối xanh, hải sản… nhưng sẽ không có đột biến (tăng giá từ 1,5- 2 lần) vì hiện nay giá nhiều hàng hóa đã đứng ở mức cao.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm