Như đã thành lệ, vào thời điểm giáp tết như hiện nay, hàng hóa cứ đồng loạt đua nhau tăng giá. Mặc dù trước đó các ban ngành đã thành lập quỹ bình ổn giá, cũng như chuẩn bị hàng hóa dồi dào cho nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Qua khảo sát thị trường, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm đang trên đà tăng giá từ 5 - 20%. Giá thịt lợn, thịt gà, thịt bò tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Giá bia cũng tăng thêm 10.000 - 15.000 đồng/két. Vissan đã áp dụng giá mới cho 13 mặt hàng đồ nguội, 7 mặt hàng giò và 13 mặt hàng đồ hộp, với mức giá tăng khoảng 500 - 5.000 đồng/hộp hoặc gói... Giá dầu thực vật tăng 20% nhưng các doanh nghiệp sẽ cố gắng điều chỉnh, tiết kiệm chi phí sản xuất để giá thành không bị đội lên quá cao, giá bán chỉ nhích lên khoảng 5 đến 10% so với Tết năm ngoái.
Theo Bộ Công Thương, thị trường Tết Nguyên đán 2010 sẽ diễn ra sôi động trên cả nước với nhu cầu mua sắm dự kiến tăng từ 20 - 40% so với bình thường. Do tác động của một số yếu tố như nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu một số loại hàng tăng cao nên giá một số mặt hàng thực phẩm sẽ có xu hướng tăng trong dịp Tết. Các nguyên liệu bánh kẹo tiếp tục tăng, trong đó giá đường tăng hơn hai lần so cùng kỳ; nha làm nguyên liệu chính sản xuất kẹo tăng 20% so tháng 11/2009.
Trước tình hình giá cả tăng, nhiều người tiêu dùng đã nhanh chóng tìm cho mình một giải pháp đó là găm các mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng của thời tiết như mỳ chính, mộc nhĩ, nấm hương, măng, miến các loại.
Mặc dù vậy qua khảo sát tại các siêu thị giá cả vẫn ổn định và có nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng. Càng gần đến những ngày Tết, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn lại có dịp xả hàng cuối năm để kích cầu tiêu dùng.
Tại thị trường Hà Nội, theo dự báo của Sở Công thương Hà Nội dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết sẽ tăng cao hơn các tháng trong năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Canh Dần 2010 tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm. Nếu như bán lẻ hàng hóa các tháng trong năm bình quân đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/tháng thì tháng Tết ước khoảng 12.000 tỷ đồng/tháng. Sở Công thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị nắm bắt tình hình thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Sở Công thương Hà Nội cho biết, để bình ổn thị trường giá cả trong dịp Tết Nguyên đán năm 2010, ngay từ những ngày đầu tháng 10/2009, ngành Công thương, thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hoá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Năm nay, thành phố ứng trước 250 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thương mại Hà Nội để thu mua, dự trữ các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn giá của thị trường trong dịp Tết. Nhờ vậy, nhiều đơn vị đã chủ động khai thác nguồn hàng, đặc biệt là các loại thực phẩm thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản đông lạnh, rau củ quả, thực phẩm chế biến và dầu ăn. Ngoài ra các doanh nghiệp ngành thương mại Hà Nội cũng đã chuẩn bị một lượng hàng hóa khá lớn. Trong đó Công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên sẽ dự trữ 650 tấn gạo các loại; 630 tấn thịt gia súc, gia cầm; 840 tấn thực phẩm chế biến các loại; 338 tấn thuỷ hải sản; 26,6 triệu quả trứng gia cầm với tổng giá trị khoảng 400 tỷ đồng. Ngoài ra các trung tâm thương mại, siêu thị Metro, Big C, Intimex, Fivimart, Citimart dự trữ đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền trên 1.000 tỷ đồng, đảm bảo lượng hàng cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2010.
Mới đây Bộ Tài chính đang cân nhắc các phương án bình ổn giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, trong đó có việc hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp lớn cung ứng hàng hóa ra thị trường với giá ưu đãi. Các phương án đang được xây dựng theo hướng tăng nguồn cung cho thị trường, dùng tiền ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định giá bán trong dịp Tết Canh Dần. Bộ cũng đề xuất phương án giao cho các địa phương sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp dự trữ hàng Tết cung ứng đủ cho thị trường.
Các địa phương sẽ chủ động chọn lựa doanh nghiệp chiếm thị phần lớn được vay vốn ngân sách không lãi để ký hợp đồng với các đầu mối cung ứng hàng hóa. Trên cơ sở các khoản vay ưu đãi, ngân sách hỗ trợ, doanh nghiệp thực hiện việc cung ứng hàng hóa với giá ưu đãi, thấp hơn giá thị trường. Trong điều kiện ngân sách địa phương gặp khó khăn, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sử dụng tiền ngân sách Trung ương phân bổ trong năm 2010 để hỗ trợ.
Tính đến thời điểm này, các đơn vị kinh doanh thương mại chưa có số liệu chính thức về tình hình giá cả trước dịp Tết, nhưng theo nhận định chung, giá cả sẽ nhích lên nhất là thời điểm giáp tết như hiện nay. Nhưng người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen mua sắm của mình, không nên tích lũy quá nhiều hàng hóa trong dịp Tết, rất dễ dẫn đến cảnh, hàng không thiếu song dễ bị tạo nguy cơ khan hiếm giả, đẩy giá lên cao. Và thành phố đã tạm ứng vốn với lãi suất 0% thì cũng nên mua sắm tại các siêu thị vì giá ở đây sẽ không bị đẩy lên quá cao như tại các chợ.
Theo Báo điện tử ĐCSVN