Cập nhật: 22/01/2010 21:59:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã và đang là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất, phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, qua một chặng đường ngắn, các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận lại lợi thế và thách thức đang đặt ra.

 

Trong một lần đi công tác nước ngoài cùng đoàn công tác của Chính phủ, người viết bài đã chứng kiến một anh bạn rất hoan hỉ khi mua được một số áo sơ mi ngoại. Không hiểu lúc ấy anh bạn của tôi có nghĩ gì đến cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” mà cả nước đang triển khai thực hiện ?

 

Một cuộc khảo sát gần đây của một tổ chức nước ngoài cho thấy, có tới 77% người tiêu dùng Việt ưa chuộng thương hiệu nước ngoài, trong khi con số trung bình này trên toàn châu Á chỉ là 40%. Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có trả lời được câu hỏi: Do đâu người Việt sính hàng ngoại ? Câu trả lời nằm trong chính nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 

Tại sao người Việt sính đồ ngoại, có lẽ lâu nay trong tiềm thức mọi người, đồ ngoại bao giờ cũng tốt hơn bởi được sản xuất bằng máy móc, công nghệ tiên tiên, điều đó đương nhiên khi chất lương sản phẩm sẽ đi kèm thương hiệu. Vì lẽ đó, hàng ngoại luôn được ưu tiên khi người tiêu dùng đi mua sắm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đó do cả một quá trình dài khi các doanh nghiệp trong nước không chủ động hội nhập, nắm bắt các công nghệ sản xuất hiện đại để phục vụ người tiêu dùng.

 

Để tâm lý sính hàng ngoại bớt đi, không còn cách nào khác cách doanh nghiệp phải trả lời các câu hỏi: Phân khúc thị trường nào mặt hàng của mình có thể “chen chân” đối với hàng ngoại; làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giảm giá thành sản xuất…có trả lời được những câu trả lời cụ thể đó, hàng Việt mới thực sự lên ngôi.

 

Để người Việt "Sính" hàng Việt chứ không phải hàng ngoại ngay trên đất của mình, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm là thước đo, là niềm tin đối với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhà sản xuất cần có đội ngũ công nhân lành nghề, trang thiết bị máy móc kỹ thuật cao… không những thế, giá thành sản phẩm cũng là một yếu tố để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào đảm bảo được các yếu tố trên mới hy vọng phần nào chiếm lĩnh thị trường hàng hoá.

 

Thực tế cho thấy, có những thương hiệu, những mặt hàng mà hàng Việt đã và đang chiếm thế thượng phong trên thị trường tiêu dùng như: quần áo Việt Tiến, may Nhà Bè, An Phước; bia Sài Gòn, Hà Nội, cà phê Trung Nguyên, bóng đèn Điện Quang, thực phẩm Vissan, nhựa Chợ Lớn, sữa Vinamilk, bánh kẹo Kinh Đô … và rất nhiều sản phẩm khác.

 

Một khi các doanh nghiệp đưa hết công sức, trí tuệ và tình cảm vào sản phẩm của mình, không lẽ gì người tiêu dùng từ chối. Việt Nam có dân số trẻ nhất khu vực, do đó sức cầu rất lớn và là thị trường tiềm năng đối với hàng tiêu dùng, nếu doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội quả là đáng tiếc.

 

Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã đi được một chặng đường, cũng là một quá trình, một liều thuốc thử để các doanh nghiệp định hình chiến lược chiếm lĩnh thị trường. Chúng ta có thể kêu gọi, khơi gợi lòng yêu nước khi đề nghị người Việt dùng hàng Việt, nhưng muốn hàng Việt được sử dụng, tiêu dùng thì trước tiên chất lượng hàng hoá phải được cải tiến, nâng cấp. Làm tốt khâu này, tự người tiêu dùng sẽ tìm đến hàng Việt, mua hàng Việt, vì trước hết là quyền lợi cho chính họ. Cuộc vận động sẽ là cơ hội, thời cơ để hàng Việt chiếm lĩnh và lên ngôi, chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng: doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ cùng chung tay ủng hộ để hàng Việt vươn lên, bứt phá./.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm