Hiện ngành thương mại các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Canh Dần. Bên cạnh các khu chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm …thì những chuyến hàng Việt về nông thôn và các hội chợ Xuân sẽ tham gia phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường đang tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế việc găm hàng, tăng giá đột biến, hàng lậu, hàng giả, bán hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
*Hậu Giang: Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần trị giá khoảng 211 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với tết năm trước. Riêng siêu thị Co.op Mart Vị Thanh cũng đã cam kết bán hàng bình ổn thị trường với 8 mặt hàng thiết yếu phục vụ tết gồm: lương thực (gạo, nếp) dầu ăn, đường, rau (củ, quả các loại), thịt gia súc, gia cầm và các thực phẩm chế biến từ thịt. Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Nguyên đán, siêu thị Co.op Mart Vị Thanh cũng sẽ tổ chức ít nhất 13 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh để giới thiệu và bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp tết nhằm giúp mọi người từng bước quen dần sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất.
*Hà Tĩnh: Các doanh nghiệp (DN) ở Hà Tĩnh đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa trị giá khoảng 150 tỷ đồng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần, trong đó hàng do Việt Nam sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, phù hợp với nhu cầu và khả năng mua sắm của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn. Các DN đã đưa về khu vực nông thôn hàng ngàn tấn bánh kẹo, thực phẩm chế biến công nghiệp và nhiều quần áo trẻ em do các công ty trong nước sản xuất. Hiện giá sữa, đường và một số hàng hoá khác đã tăng từ 10 đến 20% so với cuối năm 2009. Sở Công Thương và Chi cục quản lý thị trường đang tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế việc găm hàng, tăng giá đột biến, bán hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
*Cần Thơ: Ngành thương mại Cần Thơ đang chuyển về các huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai khối lượng hàng hóa trị giá 933 tỉ đồng bao gồm lương thực, thực phẩm, hàng dệt may, đồ dùng gia đình, hàng bách hóa... Trong đó có hàng chục ngàn hộp sữa đặc, gần 200.000 lít sữa tươi, 200 tấn đường, bánh kẹo,1.800 tấn bột ngọt, xà phòng, 1,9 triệu lít bia, nước giải khát, 6.000 tấn xăng dầu…các quận, huyện sắp xếp điểm chợ Tết tập trung với trên 1.000 lô, gian hàng bán hoa kiểng, bánh mứt, dưa hấu, trái cây, rau củ... Trong thời điểm trước, trong và sau Tết Canh Dần, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ATVS thực phẩm, phòng chống cháy nổ; kiểm tra việc niêm yết giá cả và ngăn chặn kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
* Thái Nguyên: Hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công thương Thái Nguyên đang triển khai các phiên chợ "Đưa hàng sản xuất trong nước về nông thôn" phục vụ Tết Canh Dần tại các trung tâm cụm xã: Bắc Sơn (Phổ Yên), Cúc Đường (Võ Nhai), Phú Cường (Đại Từ) và Tân Khánh (Phú Bình). Đây là một trong những hoạt động cụ thể vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương tiêu dùng nội địa của Chính phủ; tạo điều kiện cho người dân vùng nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với mặt hàng sản xuất trong nước phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, có giá thấp hơn hoặc bằng với giá thị trường cùng thời điểm. Bên cạnh đó, các phiên chợ cũng là dịp để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giới thiệu hình ảnh của đơn vị mình, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường... Cùng nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán, Sở Công thương Thái Nguyên còn tổ chức Hội chợ Xuân tại trung tâm thành phố Thái Nguyên với chủ đề “Tưng bừng đón Xuân, ưu tiên dùng hàng Việt” với sự tham gia của 80 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp tết và bình ổn giá cả thị trường.
* Bạc Liêu: Ngành Công thương tỉnh Bạc Liêu chuẩn bị hơn 500 tỷ đồng hàng hóa các loại, đưa về các điểm mua bán của các công ty kinh doanh, hộ mua bán trên toàn địa bàn tỉnh, bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Công ty Cổ phần Thương nghiệp Bạc Liêu đã nhập về lượng hàng hóa các loại tăng hơn Tết năm 2009 trên 80 tỷ đồng, Công ty Lương thực Bạc Liêu chuẩn bị lượng hàng gồm gạo các loại, hàng thực phẩm công nghệ trị giá hơn 120 tỷ đồng, tăng 20% so với Tết năm trước. Phòng quản lý- kinh doanh- thị trường (Sở Công thương) cho biết: Thị trường tết đã nhộn nhịp từ đầu tháng 1 đến nay, theo đó giá một số mặt hàng công nghệ thực phẩm, hàng tươi sống cũng ''nóng'' lên từng ngày, nhưng không khan hiếm. Hàng có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
*Thừa Thiên Huế: 18 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chuẩn bị được lượng hàng hoá có giá trị gần 300 tỉ đồng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Dần, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, đậu xanh, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, bột ngọt, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản các loại... Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Big C, HTX Thương mại - Dịch vụ Thuận Thành, Coop Mark… đã đưa hàng chục tấn hàng hóa phục vụ Tết. Chi cục Quản lý thị trường Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đề ra như bình ổn thị trường hàng hóa, giá cả, góp phần khống chế, không để xảy ra các cơn sốt "ảo" về giá; đồng thời duy trì sự ổn định thị trường, tạo văn minh trong hoạt động thương mại. Trước mắt, Chi cục phối với Ban quản lý các chợ lớn trong tỉnh như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết Nguyên Đán, trong đó chú ý việc niêm yết giá, chống gian lận thương mại và buôn bán hàng giả...
*Tuyên Quang: Hiện nay, thị trường hàng hoá tết ở Tuyên Quang đã bắt đầu sôi động với nhiều mặt hàng phong phú về mẫu mã, chủng loại. Đây là thời điểm các đối tượng kinh doanh lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm lừa đảo người tiêu dùng, thu lợi nhuận bất hợp pháp. Nhận thức được mức độ nguy hiểm đó, Chi cục Quản lý thị trường Tuyên Quang đang chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc lưu thông các thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ việc nhập khẩu đến lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm không thực hiện đúng quy định về bao bì, nhãn mác, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng được xử lý kịp thời.
* Nghệ An: Để góp phần bình ổn giá cả thị trường, phục vụ nhân dân mua sắm tết được thuận lợi, tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị 80 tỷ đồng hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Trong đó, tập trung vào 10 mặt hàng thiết yếu là gạo tẻ, gạo nếp, bia rượu, bánh kẹo, dầu ăn, muối, đường kính, nước mắm.... Đồng thời, để chuẩn bị cho đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An có đủ vật chất đón tết, Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Phát triển miền núi đã tập trung huy động vốn, khai thác nguồn hàng và tổ chức vận chuyển lên vùng cao. Ngoài ra, Công ty còn lên kế hoạch tổ chức thu mua và tiêu thụ hết các mặt hàng do đồng bào dân tộc miền núi sản xuất ra như bí xanh, khoai sọ, gừng….
*Thái Bình: Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Bình Trần Thế Định, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị khá dồi dào về số lượng các mặt hàng cung cấp cho thị trường tết. Sở Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp, các nhà phân phối trên địa bàn tỉnh tổ chức bán hàng xuống các xã, gian hàng lưu động xuống các chợ để góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các loại hàng cấm (pháo, đèn trời các loại) và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
* Bình Thuận: Hiện nay, các đơn vị như Trung tâm dịch vụ miền núi, Công ty Thương mại cổ phần Bình Thuận cũng đã tạm ứng ngân sách hàng chục tỷ đồng chuẩn bị các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm và phương tiện để tổ chức bán hàng lưu động, vận chuyển cung cấp các mặt hàng thiết yếu như: đường, gạo, dầu ăn, nước mắm, thịt, bánh mứt, trà, rượu... cho các đại lý, cửa hàng ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh theo hướng hỗ trợ cước phí vận chuyển và giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm.
Đồng thời, siêu thị Coop Mart Phan Thiết (Bình Thuận) đã chuẩn bị lượng hàng hoá phong phú gồm rau quả, bánh mứt, đường sữa, thực phẩm và nước giải khát các loại... để có nguồn hàng dự phòng và phục vụ mua sắm thường xuyên cho người tiêu dùng.
*Đồng Nai: Với gần 2,5 triệu dân và hơn 300.000 người lao động ở các khu công nghiệp, Đồng Nai đã chỉ đạo các ngành, các siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã lập kế hoạch tham gia kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết căn cứ khả năng chuẩn bị tốt nguồn hàng đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Công tác tổ chức các đợt đưa hàng về bán ở nông thôn và khu vực đông công nhân cũng đã được Sở Công thương chuẩn bị triển khai, theo đó, đợt bán hàng bán đầu tiên về nông thôn và khu vực đông công nhân bắt đầu được thực hiện từ đầu tháng 2/2010.
* Hải Phòng: 5 doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của Hải Phòng đã cam kết không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. Hiện nay, các doanh nghiệp này đã đầu tư 40 tỷ đồng để mua hàng dự trữ phục vụ Tết, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo ... Các ngành chức năng thành phố tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng các chương trình khuyến mại trong dịp Tết sử dụng hàng hóa có chất lượng kém, hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lừa dối người tiêu dùng. Hiện, cơ quan quản lý thị trường đã xử lý 159 vụ vi phạm, xử phạt hơn 337 triệu đồng nộp ngân sách thành phố, điển hình là vụ 2 siêu thị Big C và Metro kinh doanh rượu và thuốc là không phép../.
Theo Báo điện tử ĐCSVN