Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn. Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2010, thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng trên 20%. Trong đó, xu hướng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, qua online, điện thoại... sẽ tăng nhanh, chiếm 25% tổng doanh thu bán lẻ trong năm 2010.
Thị trường bán lẻ sẽ bùng nổ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009 tăng 18,6% so với năm trước. Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong năm 2009, thị trường Việt Nam vẫn duy trì vị trí hàng đầu thế giới nhờ sức mua ngày càng được cải thiện, cơ cấu tiêu dùng trẻ và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 thế giới. Hiện ngành bán lẻ Việt Nam đã đóng góp trên 15% vào GDP hàng năm, tạo việc làm cho hơn 5,4 triệu lao động. Trong năm 2010, dự báo quy mô thị trường sẽ còn tăng do thu nhập của người tiêu dùng tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen về niềm tin người tiêu dùng toàn cầu trong năm 2009 cũng đã cho thấy: Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới, tăng 5 hạng kể từ tháng 3/2009. Đây cũng là lần đầu tiên niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam tăng trở lại sau 6 lần giảm liên tiếp từ tháng 3/2007. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng nước ta đã tăng từ 85 điểm trong tháng 4/2009 lên 109 điểm trong tháng 10/2009. Điều này cho thấy người tiêu dùng đã và đang có ưu ái nhiều hơn cho thị trường nội địa.
Trao đổi với báo chí tại diễn đàn “Thị trường phân phối- bán lẻ Việt Nam: Tiềm năng hợp tác và phát triển vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích…) hiện mới chiếm khoảng 20% trong hệ thống phân phối nhưng sang năm 2010 chắc chắn thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các kênh bán lẻ hiện đại này bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hoá...
Cũng theo bà Loan, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng hội nhập và dành ít thời gian hơn cho việc đi chợ và mua sắm. Vì vậy họ sẽ theo xu hướng hiện đại, mặc dù thói quen mua đồ ăn tươi hằng ngày sẽ còn kéo dài trong một số bộ phận người dân Việt.
Nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường
Kinh doanh siêu thị đang phát triển rất nhanh, nhiều chuyên gia dự báo trong vài năm tới, các “đại gia” ngoại sẽ ồ ạt nhảy vào nước ta sau một thời gian thăm dò. Hiện, trên thị trường bán lẻ đã có tên tuổi của nhiều thương hiệu “ngoại” lớn như: Parkson, BigC, Metro, KFC, Lotterie…
Một thực tế cho thấy, hiện các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ vào Việt Nam bao giờ họ cũng có được những vị trí kinh doanh đắc địa, trong khi doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với họ. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên nhân của điều này là do các nhà đầu tư nước ngoài có thể trả giá cao cho những vị trí trung tâm, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế tài chính còn yếu nên khó có thể cạnh tranh được.
Nhìn thấy sức ép cạnh tranh từ các “đại gia” ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng đã tìm mọi giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều thương hiệu bán lẻ nội đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng như: Hapro, Sài Gòn co.op, Satra, Phú Thái, Nguyễn Kim…
Tuy nhiên, để cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường, không để các doanh nghiệp nước ngoài lấn át, nhiều chuyên gia cho cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần thay đổi tư duy quản lý, đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để tạo sức mạnh và tiềm lực về tài chính từ đó mới tạo được uy tín và sức cạnh tranh lâu dài.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước nên lưu ý tiên phong mở các kênh bán lẻ hiện đại ở thị trường nông thôn. Bởi đây là thị trường rất tiềm năng với dân số chiếm phần đông trong xã hội, nhu cầu lại khá lớn. Thực tế việc bán hàng về khu vực nông thôn đạt được hiệu quả khả quan đã được chứng minh rất rõ trong thời gian qua khi Bộ Chính trị phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hành Việt Nam”. Tiềm lực tiêu thụ hàng hóa của người dân khu vực nông thôn còn rất lớn, nếu doanh nghiệp trong nước không nhanh chân giành lấy thị trường nông thôn, khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến thì chác chắn sẽ rất khó khăn để doanh nghiệp nội có thể cạnh tranh.
Theo Báo điện tử ĐCSVN