Không khí xuân đã về mang theo niềm vui mới và hi vọng mới. Nhiều doanh nghiệp trong nước đang cùng chung một mục tiêu là có thể phát triển được sản phẩm tại thị trường trong nước - một thị trường được đánh giá có tiềm năng lớn mà bấy lâu chúng ta chưa chú trọng.
Theo nhận định của các nhà đầu tư, trong năm 2010, nếu Nhà nước có những chính sách tốt hơn, thị trường nội địa sẽ là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp.
Nhìn lại một năm sôi động của thị trường nội địa
Mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới tác động khiến cho kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn, nhưng đánh giá thị trường nội địa Việt Nam năm 2009 vẫn phát triển khá sôi động.
Trong cái khó lại ló cái khôn, khi mà nền kinh tế khủng hoảng những hợp đồng xuất khẩu thưa dần thì nhiều doanh nghiệp đã tìm ra cho mình một lối thoát để vượt qua khó khăn. Theo thống kê, trong khi xuất khẩu tăng trưởng âm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội năm 2009 vẫn đạt khoảng 1.197,5 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008. Thị trường nội địa Việt Nam năm 2009 luôn duy trì được xu hướng tăng giá trị tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội khoảng 2%/tháng, về cuối năm tăng cao khoảng 5%/tháng. Thương mại trong nước năm 2009 sôi động đã đóng vai trò “điểm tựa” giúp cho sản xuất trong nước được duy trì và dần phục hồi đà tăng trưởng, góp phần tích cực làm tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô.
Có thể thấy, mặt bằng giá trong năm 2009 cũng khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2009 tăng khoảng 6,88% so với tháng 12/2008, thấp hơn các năm trước. Nếu như các năm 2007, 2008 có những tháng CPI lên xuống bất thường (năm 2007 tăng vọt về cuối năm, 2008 tăng đỉnh cao giữa năm rồi giảm âm 2 tháng cuối năm), thì năm 2009 biến động không nhiều, CPI ổn định liên tục từ tháng 4 cho đến hết năm. Cân đối cung cầu các mặt hàng được đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của xã hội, không xảy ra sốt hàng, sốt giá.
Được biết, trong năm 2009, Chính phủ đã dành khoảng 50 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa. Ngoài ra, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các gói kích thích kinh tế thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành áp dụng nhiều giải pháp khai thác và chiếm lĩnh trở lại thị trường nội địa; triển khai các đợt khuyến mại, các đợt đưa hàng về nông thôn, tổ chức các hội chợ, triển lãm; nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới hiện đại và chuyên nghiệp…
Bên cạnh đó, không thể không kể đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có những hiệu quả tác động lớn đối với người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là một nguyên nhân để hàng hóa của các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đến người tiêu dùng.
Năm mới cơ hội mới để phát triển thị trường nội địa
Trong năm mới, bên cạnh những khó khăn của dư âm khủng hoảng kinh tế khiến cho cạnh tranh quốc tế vẫn còn gay gắt làm hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn nhưng cũng chính nhờ vậy đã tạo nên cơ hội để phát triển thị trường nội địa cho các doanh nghiệp. Việc chiếm lĩnh thị trường nội địa có nhiều lợi thế bởi doanh nghiệp dễ hiểu thị trường, tập quán, văn hoá tiêu dùng của người Việt; chi phí vận tải, phân phối, tiếp thị thấp… Tuy nhiên, những thế mạnh ấy dường như vẫn chưa được khai thác nhiều bởi hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa tuy đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa thật cao.
Năm 2010, theo kế hoạch mục tiêu tăng trưởng 22% tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội so với năm 2009 theo các ban ngành liên quan sẽ phải đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường nội địa, đồng thời tạo các điều kiện về cơ sở hạ tầng vật chất cần thiết cho hệ thống phân phối giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình “Xúc tiến thương mại nội địa” và lấy nội dung này làm trọng tâm tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để làm được điều đó cần phải có sự liên kết hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ giữa Chính phủ với các nhà sản xuất, các kênh phân phối và người tiêu dùng; cần thực hiện việc điều tra, khảo sát thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những thông tin về người tiêu dùng (tâm lý, tập quán mua sắm, ưu điểm… của hàng Việt Nam), về thị phần của hàng Việt Nam, hiện trạng hệ thống phân phối và năng lực kinh doanh (số lượng, quy mô, loại hình, phân bổ, xu hướng phát triển) của các doanh nghiệp...
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có 3 ưu thế lớn khi tiếp cận thị trường nội địa đó là: am hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt; có thể lựa chọn nhiều phương thức tổ chức thị trường phù hợp với khả năng và lợi thế của doanh nghiệp (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…); dễ dàng thiết lập mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối với nhau. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể hình thành kênh lưu thông ổn định, tạo ra sức mạnh thị trường.
Thiết nghĩ, với thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam ít bị phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới. Thị trường nội địa sẽ là nơi để doanh nghiệp “tập dượt” trong cạnh tranh, là điểm tựa để vươn ra thị trường thế giới. Vì muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, trước hết phải cạnh tranh được trên thị trường nội địa.
Báo điện tử ĐCSVN