Cùng với đất nước bước vào xuân mới, Xuân Canh Dần 2010, các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta đang khẩn trương, tích cực chuẩn bị Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020 trình Đại hội XI của Đảng - Đại hội đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Xu thế chung của kinh tế toàn cầu
Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế không chỉ bắt nguồn từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội nước ta những năm qua, mà còn là đòi hỏi của xu thế tái cấu trúc nền kinh tế - đang trở thành yêu cầu cấp thiết của toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua là cơn chấn động trầm trọng nhất về thể chế tài chính và cơ cấu kinh tế kể từ những năm 30 của thế kỷ XX. Sự đổ vỡ của hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng chính là sự đổ vỡ của hệ thống Bretton Woods và mô hình kinh tế tự do kiểu Mỹ. Tình hình đó đòi hỏi các nền kinh tế trên thế giới phải xem xét cải tổ các định chế tài chính toàn cầu, như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính, tín dụng của các nền kinh tế mạnh, đặc biệt là Mỹ và các nước EU.
Sự mất cân đối giữa kinh tế thực với kinh tế tiền tệ, tài chính (kinh tế ảo), giữa tiết kiệm và tiêu dùng, giữa xuất khẩu và nhập khẩu… buộc không chỉ Mỹ và Trung Quốc…, mà còn nhiều nước khác phải tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hoà, cân bằng hơn, quan tâm nhiều hơn đến “xanh hoá nền kinh tế”.
Bối cảnh kinh tế thế giới nêu trên và những thách thức nội tại về sự bất ổn kinh tế vĩ mô càng đòi hỏi nước ta phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế. Đây được xem là khâu đột phá trước tiên trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Đại hội X của Đảng xác định: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi thị trường và lợi ích kinh tế là định hướng và động lực chủ yếu cho phát triển. Mô hình này đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần quan trọng để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm qua, nhưng cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết cần sớm được khắc phục.
Chẳng hạn, tăng trưởng nhanh, nhưng còn dưới mức tiềm năng; tăng trưởng liên tục, nhưng tính ổn định chưa cao; tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, ít dựa vào việc tăng năng suất lao động xã hội; tăng trưởng nhanh đi kèm với gia tăng ô nhiễm môi trường và tệ nạn xã hội…
Do vậy, cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng từng bước chuyển sang phát triển hài hoà giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước chuyển sang phát triển dựa nhiều hơn vào áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm...
Mô hình tăng trưởng mới phải khắc phục được những khiếm khuyết như tăng trưởng dựa vào khai thác và sử dụng tài nguyên, nhưng mới khai thác lợi thế so sánh, chưa tạo dựng được lợi thế cạnh tranh; động lực của tăng trưởng là các ngành gia công, chế biến, lệ thuộc vào đầu vào nhập khẩu, giá trị tăng thêm thấp và tiêu tốn ngoại tệ; tăng trưởng ngày càng dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng chất lượng công nghệ của nguồn vốn này chưa cao, chưa đóng góp được nhiều vào nâng cao chất lượng tăng trưởng; tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nhưng chủ yếu là nguyên liệu thô, hàng sơ chế và gia công…
Đổi mới cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế hiện tại là kết quả của quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua. Những khiếm khuyết và yếu kém của mô hình tăng trưởng nêu trên cũng chính là con đẻ của cơ cấu kinh tế hiện nay.
Ngoài những hạn chế và yếu kém về sử dụng các nguồn lực, cơ cấu kinh tế hiện nay chưa góp phần tích cực vào bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững liên tục và lâu dài sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng chú ý là, không chỉ các cơ cấu tổng thể theo ngành, vùng và thành phần kinh tế, mà còn một loạt cơ cấu và cân đối lớn khác chưa được cụ thể hóa, chưa được kịp thời đổi mới hoặc còn nhiều điểm bất cập, như về cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu xuất - nhập khẩu, cơ cấu vốn, cơ cấu đầu tư và các cơ cấu bộ phận cấu thành các cơ cấu lớn đó…
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên đây, trước tiên cần đổi mới cả về nhận thức, tư duy kinh tế lẫn định hướng cơ cấu chủ yếu.
Một là, cần nhận thức đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để có các chính sách, biện pháp đổi mới cụ thể phù hợp với từng loại cơ cấu chủ yếu và các cơ cấu bộ phận cấu thành nêu trên, đặc biệt là về cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu xuất - nhập khẩu, cơ cấu vốn...
Hai là, cần xác định rõ và tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội về mặt mạnh, điểm yếu, về cơ hội cũng như thách thức của nền kinh tế và đất nước trong chặng đường phát triển tiếp theo.
Trước hết, cần làm rõ hơn nữa và biết khai thác tốt hơn nữa 5 điểm mạnh cơ bản của nước ta hiện nay: (1) Chính trị ổn định, xã hội an bình, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Chính phủ có hiệu lực. (2) Nhu cầu về đầu tư và tiêu dùng đang tăng nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thị trường sắp lên tới 90 triệu dân; lao động ở thời kỳ dân số vàng. (3) Tài nguyên thiên nhiên đa dạng. (4) Nông nghiệp nhiệt đới và giàu về tài nguyên biển. (5) Có địa kinh tế thuận lợi, nằm trong khu vực phát triển năng động nhất của thế giới hiện nay.
Đồng thời, cần nhận rõ những thách thức nội tại: (1) Lao động năng suất thấp (30% qua đào tạo, 50% làm nông nghiệp và 70% sống ở nông thôn). (2) Hạ tầng kỹ thuật yếu kém. (3) Thể chế kinh tế thiếu đồng bộ, mang tính chia cắt Trung ương - địa phương quá mạnh. (4) Thị trường, đặc biệt là thị trường yếu tố sản xuất đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện. (5) Tham nhũng, lãng phí đang là vấn đề nhức nhối.
Kết quả của sự đổi mới nhận thức và tư duy kinh tế nói chung, về đổi mới cơ cấu kinh tế nói riêng, trước hết cần được soi rọi, thể hiện qua chính sách đầu tư phát triển 3 lĩnh vực kinh tế cơ bản với những nội dung quan trọng sau đây.
Đối với kinh tế nông nghiệp (gồm cả lâm nghiệp và ngư nghiệp), đi đôi với việc chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành, cần tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, chất lượng cao đối với một số sản phẩm có lợi thế như lúa gạo, cao su, cà phê, chè, tiêu, điều, thủy hải sản…
Đối với kinh tế công nghiệp, cần chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành theo hướng giảm tỷ trọng gia công chế biến từ đầu vào nhập khẩu; tăng tỷ trọng công nghiệp chế tạo (manufacturing) và công nghiệp phụ trợ, công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu. Khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả các loại tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn gắn với bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, ưu tiên phát triển tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị tăng thêm cao hơn, nhất là các ngành thâm dụng tài nguyên thông qua điều chỉnh chính sách thu hút FDI để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim, lọc hoá dầu, hoá chất cơ bản, tân dược, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của nông - lâm - thủy sản, ngành xây dựng và giao thông - vận tải… Đối với mỗi ngành hàng, mỗi sản phẩm chủ yếu, cần xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển từ 10 năm trở lên để làm căn cứ tập trung sức phát triển.
Đối với kinh tế dịch vụ, cần tập trung phát triển một số ngành chủ yếu, như sản xuất phần mềm, phù hợp với điều kiện nước ta và có khả năng xuất khẩu; dịch vụ thiết kế, tư vấn, logistics và đặc biệt là phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái và văn hóa Việt Nam; dịch vụ viễn thông (kể cả sản xuất); dịch vụ hàng không; dịch vụ hàng hải; dịch vụ xuất nhập khẩu; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Về phát triển kinh tế vùng, đồng thời với việc phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo về quy hoạch đầu tư phát triển và chia cắt, cạnh tranh giữa các tỉnh, cần ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghiệp thâm dụng vốn ở hai vùng động lực phát triển phía Bắc và phía Nam. Tập trung đầu tư phát triển vùng động lực phát triển miền Trung, thu hút cả những ngành thâm dụng lao động, tài nguyên và công nghệ cao.
Về khuyến khích các thành phần kinh tế, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển trong tất cả các ngành, nghề pháp luật không cấm, bao gồm cả các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và dịch vụ công. Đổi mới và hoàn thiện hơn nữa chính sách, biện pháp thu hút các loại hình đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu không chỉ về vốn, mà còn về thị trường, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thể hiện chủ yếu ở chỗ, Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, doanh nghiệp nhà nước phát triển trong các lĩnh vực có vị trí then chốt của nền kinh tế.
Với sự nhất trí và đồng thuận cao về nhận thức và tư duy, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, Xuân Canh Dần đang mở ra cơ hội đưa kinh tế nước ta vươn lên tầm vóc mới.
Theo báo Đầu tư điện tử