Cập nhật: 26/02/2010 21:54:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong điều kiện có sự tác động của một loạt yếu tố (tăng giá xăng dầu, điện, nước và nguyên nhiên liệu nhập khẩu…) gần như chắc chắn sẽ rất khó kiềm chế được giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức một con số.

Giá xăng tăng trong vài ngày gần đây đã bắt đầu có tác động nhất định đến thị trường hàng hoá, dịch vụ. Người dân đang lo ngại, giá cả của nhiều hàng hoá dịch vụ sẽ tiếp tục tăng theo giá xăng, giá điện… Những lo ngại này không phải không có lý khi mà giá nước sạch đã tăng vào cuối năm 2009, giá xăng tăng lần thứ 2 từ đầu năm 2010 và giá điện sẽ có đợt điều chỉnh vào ngày 1/3/2010 sắp tới.

 

Tuy nhiên, việc tăng giá xăng hay điện chưa phải là những nhân tố quan trọng nhất khiến lạm phát có thể tăng tốc trở lại, mà vấn đề chính là nền kinh tế đang đứng trước áp lực lạm phát từ sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố. Lúc này, kiểm soát lạm phát dưới 7% như Quốc hội đề ra cho năm nay trở thành bài toán khó.

 

 Theo tính toán, nếu tăng giá điện năm 2010 theo dự kiến là 6,8% thì tiền điện tăng thêm ở các ngành sản xuất khoảng trên 4.500 tỉ đồng và tỉ lệ tăng chỉ số tiêu dùng trực tiếp khoảng từ 0,17- 0,22%. Việc tăng giá xăng có tác động nhất định đến thị trường nhưng chưa quá lớn. Phân tích một cách kỹ càng hơn sẽ thấy, lạm phát đang bị cộng hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác, cả chủ quan và khách quan.

 

Về chủ quan, có thể xem thời điểm độ trễ của việc cung tiền ở mức rất cao hơn 17.000 tỷ đồng đưa vào doanh nghiệp, người dân để chi tiêu và đầu tư nhằm ngăn suy thoái kinh tế năm 2009 đã đến. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát đang quay trở lại. Mặc khác, có thể xem hệ quả của tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng ở tốc độ cao trong nhiều năm qua, đồng tiền Việt Nam đã phải giảm giá so với USD bất chấp xu hướng giảm giá của USD trên thế giới.

 

Áp lực tăng tỷ giá cũng đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải có những điều chỉnh. Việc điều chỉnh này đã làm cho chi phí nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp tăng lên, góp phần gia tăng sức ép tăng lạm phát. Thực tế là lạm phát của Việt Nam trong 3 năm 2007 – 2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ chỉ bằng khoảng 20% cùng kỳ, nhưng tỷ giá chính thức USD/VND dường như thay đổi không đáng kể trong thời gian đó, khiến VND bị định giá cao trong tương quan tỷ giá với USD.

 

Trong khi đó, về khách quan, ngay từ cuối năm 2009, giới phân tích cùng chung nhận định, kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục, nhất là các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU và nhìều nước châu Á… Kinh tế thế giới hồi phục, kéo theo giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng. Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang thúc đẩy tăng trưởng, độ mở của nền kinh tế Việt nam lớn, nhập siêu chưa khắc phục được thì chúng ta tất yếu sẽ phải đối mặt với việc “nhập khẩu lạm phát” từ thế giới.

 

Nhận định mới nhất về các nền kinh tế châu Á, giới quan sát đã chuyển từ lo ngại về suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sang lo ngại về lạm phát.

 

Một con số thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của trong tháng 1/2010 của Hàn Quốc tăng 3,1%, của Thái Lan tăng trên 4,1%, mức kỷ lục cao nhất 16 tháng vừa qua, trong khi đó Indonesia cũng tăng 3,72%.

 

Với nước ta, Ngân hàng Hong Kong - Thượng Hải (HSBC) cho rằng, áp lực lạm phát sẽ trở thành vấn đề ngày một lớn khi giá dầu và thực phẩm tăng cao và tổ chức tài chính này còn dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2010 sẽ là 8%. Còn theo Ngân hàng Standard Chartered, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ khoảng 10%.

 

Rõ ràng, trong những điều kiện có sự tác động “cộng hưởng” của một loạt yếu tố cùng chiều như vậy, gần như chắc chắn sẽ rất khó để có thể kiềm chế được giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức một con số. Và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu quan trọng nhất của năm 2010. Giờ đây bài toán khó đối với cơ quan quản lý, chính là làm sao phân tích, nhận định thị trường chuẩn xác và lựa chọn thời điểm để điều chỉnh giá cả hàng hoá và kiểm soát thị trường một cách hợp lý./.

 

 

Theo vovnews.vn.

 

Tệp đính kèm