So với tháng 1/2010 chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2010 tăng 1,69%, tính chung 2 tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,35%.
Như vậy, với việc CPI tháng 2 tăng mạnh, cộng với giá xăng vừa tăng vào ngày 21/2 và giá điện dự kiến sẽ tăng vào tháng 3, nhiều người lo ngại, việc khống chế CPI cả năm 2010 ở mức dưới 7% như đã đề ra được cho ra rất khó thực hiện.
Để đạt mục tiêu điều hành chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng không quá 7%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hiện ngành Tài chính đã và đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2010.
Theo đó, về chính sách giá, ngành Tài chính sẽ thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điều hành giá phù hợp tín hiệu của thị trường thế giới, tránh các hiện tượng giá tăng cao ở mức bất hợp lý; không thả nổi giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự tác động tự do, tự phát của giá thị trường thế giới mà cần có những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thích hợp với từng giai đoạn.
Trong điều hành giá, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn việc kiểm soát giá hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất thường
Tiếp tục mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách. Nghiên cứu để từng bước chuyển từ hình thức trợ giá, trợ cước sang đầu tư trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận về thuế, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá, đấu tranh chống mọi hiện tượng đầu cơ nâng giá bất hợp lý…
Đối với chính sách tiền tệ: Điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng. Ứng phó có hiệu quả với các biến động của các luồng vốn; giữ ổn định cán cân thanh toán tổng thể và mức dự trữ ngoại hối cần thiết. Tăng cường thanh tra, giám sát và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Về chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 xuống dưới 6,2%. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội. Thực hiện các biện pháp phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất hợp lý
Về chính sách xuất, nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng có lợi thế so sánh, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và sử dụng nhiều lao động. Kiểm soát nhập khẩu thông qua việc rà soát cơ cấu lại danh mục, các mặt hàng nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu, nhất là các hàng hóa tiêu dùng xa xỉ chưa thiết yếu (ô tô, xe máy, rượu, hóa mỹ phẩm…).
Cùng với các biện pháp trên, ngành Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh phát triển đồng bộ các thị trường. Tập trung hoàn thiện thể chế cạnh tranh, kiểm soát độc quyền; thể chế thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường công nghệ và một số dịch vụ công cơ bản. Tăng cường công tác giám sát, xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, nâng cao tính minh bạch của thị trường; đẩy mạnh hơn công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội để cùng chung sức phấn đấu thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã đề ra./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN