Cập nhật: 18/03/2010 14:46:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học ngày càng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Thời gian qua, TPHCM đã thực hiện nhiều biện pháp, chương trình, đề án với mục tiêu gắn kết giữa khoa học công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Thế nhưng điều đó vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của TPHCM. Vì sao?

 

Hợp tác nhỏ lẻ 

 

Hiện TPHCM có rất nhiều chương trình đưa khoa học đến với công nghiệp như: hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập, chương trình chế tạo thiết bị với chi phí thấp thay thế nhập khẩu, cơ chế đặt hàng cho các viện - trường từ DN, đề án đổi mới công nghệ công nghiệp…

 

Tuy nhiên sự hợp tác, liên kết giữa khoa học và công nghiệp ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn rất nhỏ lẻ. Sự tác động của khoa học vào phát triển công nghiệp chưa rõ nét. Các DN phát triển vẫn chủ yếu dựa trên thâm dụng vốn và lao động đơn giản, yếu tố năng suất tổng hợp còn thấp. Từ hoạt động thực tiễn trong thời gian qua có thể nhận dạng một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

 

Thứ nhất, do nhu cầu DN hợp tác với các trường - viện chưa cao. Các DN hiện nay chủ yếu là nhỏ và vừa, quy mô và quy trình sản xuất tương đối đơn giản, khả năng tài chính rất hạn chế. Vì vậy nhiều DN khó có điều kiện và nhu cầu hợp tác với các nhà khoa học.

 

Thứ hai, chất lượng nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Thực tế cho thấy, nhiều đề tài chưa bám sát và gắn kết các nội dung nghiên cứu với nhu cầu cụ thể của DN. Về sản phẩm các công trình nghiên cứu, tính mới về khoa học cũng như ý nghĩa thực tiễn còn hạn chế, do vậy rất khó khăn trong việc chuyển giao cho DN. Một vấn đề rất quan trọng khác là thời gian nghiên cứu thường kéo dài 1-2 năm trong khi DN đòi hỏi có sản phẩm trong thời gian ngắn.

 

Thứ ba, trở ngại trong việc huy động lực lượng khoa học tham gia nghiên cứu. Có một thực tế, nhiều viện-trường rất khó khăn trong huy động các nguồn lực còn hạn chế của mình phục vụ nhu cầu đổi mới công nghiệp của DN. Nguồn lực ở đây được hiểu là nguồn lực cán bộ khoa học, cơ sở vật chất và khả năng tài chính. Rất nhiều vấn đề đã được nhận dạng, được xác định cần sự tác động của khoa học và công nghệ, tuy nhiên số nhóm nghiên cứu tham gia còn quá ít. Ngoài ra, các trường đại học chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các giảng viên hợp tác với DN. Cơ chế quản lý các đề tài nghiên cứu từ ngân sách chưa phù hợp với đặc thù của lao động trí óc, chính là rào cản trong việc huy động các nhà khoa học tham gia.

 

Cơ chế chính sách chưa “khơi thông” cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Khung pháp lý hiện nay chưa đủ mạnh để cải thiện quan hệ giữa khoa học và công nghiệp, thậm chí một số cơ chế chậm sửa đổi tạo thêm khó khăn cho mối quan hệ này.

 

Ví dụ một cán bộ giảng dạy ở trường đại học trong biên chế nhà nước không được tham gia hội đồng quản trị của một DN, như vậy sẽ không gắn kết lợi ích kinh tế giữa khoa học và công nghiệp. Cho đến nay, Nhà nước chỉ có một kênh tương tác, cơ chế đặt hàng của các DN và thực tế cho thấy cơ chế đặt hàng chưa thật sự phát huy tác dụng.

 

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhà khoa học khi hợp tác với DN trở thành vấn đề cần đặc biệt quan tâm và hiện tại đang là rào cản của sự hợp tác này.

 

Ngoài ra, về phía DN vẫn chưa quan tâm đến cơ chế đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định, giám định, định giá công nghệ… nhất là ở nhiều DN dạng cha truyền con nối, chỉ quen với thủ công, quản lý giản đơn.

 

Cầu nối nào cho khoa học và công nghiệp?

 

Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa khoa học và công nghiệp là vấn đề còn khá mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, rất cần đầu tư nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… để tìm các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện của TPHCM.

 

Cần nghiên cứu một số giải pháp để nhanh chóng đưa khoa học đến với công nghiệp phục vụ sự phát triển đất nước.

 

Cụ thể, phải có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các tổ chức liên doanh giữa DN và viện-trường. Cho phép công chức khoa học làm việc với DN tư nhân. Có chính sách hỗ trợ DN khi đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao… Bên cạnh việc nâng cao trình độ và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, nhà nước phải hỗ trợ đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong DN. Phải xem tiêu chí ứng dụng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xét duyệt, nghiệm thu các công trình khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

 

Qua hoạt động của các vườn ươm DN, sớm hình thành các DN khoa học công nghệ để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Quan trọng nhất, phải hình thành thêm các kênh tương tác giữa các viện-trường và DN theo cơ chế DN đồng đầu tư hoặc mời các DN tham gia đầu tư với nhà nước để phát triển và ứng dụng công nghệ cao.

 

Có thể khẳng định sản xuất công nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ sẽ tạo ra bước đột phá cho phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng DN và cả nền kinh tế. Chính vì vậy vấn đề quan hệ giữa khoa học và công nghiệp hiện nay rất được quan tâm nghiên cứu ở nhiều quốc gia và là vấn đề cần được quan tâm ở nước ta.

 

 

Theo báo SGGP Online

 

Tệp đính kèm