Mục tiêu tăng trưởng xuất của năm 2010 là trên 6%, với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 14 tỷ USD thì những tháng còn lại xuất khẩu phải đạt 47 tỷ USD, tức khoảng 5,2 tỷ USD/tháng.
Một cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty và các hiệp hội ngành hàng nhằm tìm phương án hạn chế nhập siêu vừa được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 25/3.
Nhập siêu và…
Theo số liệu Bộ Công Thương công bố thì kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm đạt khoảng 14 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ước tính sơ bộ, kim ngạch nhập khẩu của cả nước là 17,5 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2009. Trong đó, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu (hàng cần nhập khẩu) tăng 35,3% và chiếm tỷ trọng 77,9% kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu có mức tăng tới 60,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu của nhóm này tăng được giải thích là do kim ngạch nhập khẩu vàng tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm 2009 (tăng 806,9%). Nếu loại trừ lượng vàng nhập khẩu thì kim ngạch nhập khẩu của nhóm này tăng 43%. Đáng chú ý, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong những tháng đầu năm cũng đã tăng thêm 33%, chiếm tỷ trọng khoảng 10,3% kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, 3 tháng qua, nhập siêu Việt Nam ước tính khoảng 3,51 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 25%.
Đây là sự tăng trưởng âm, tuy không nhiều nhưng cũng đáng quan ngại. Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính là do tình hình giá cả trên thị trường thế giới biến động. Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô năm 2010 giảm về lượng đến 50% so với cùng kỳ năm trước với lý do chính là chúng ta phải để ra một lượng dầu thô tương đối lớn phục vụ chế biến trong nước. Đây là giá trị lớn, tác động đến tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm cả nước phải chi ra hơn 200 triệu USD để nhập khẩu vàng can thiệp cho thị trường trong nước, đây là tác động rất lớn trong cán cân xuất nhập khẩu.
Hai tháng đầu năm, thị trường trong nước và thế giới chứng kiến những diễn biến hết sức phức tạp, giá cả một số mặt hàng như dầu thô, xăng dầu, các sản phẩm hóa chất và một số nguyên, nhiên vật liệu ăn theo dầu thô có sự tăng giá rất mạnh so với cùng kỳ năm 2009. Đây là điều tác động rất lớn đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, giá cả một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lại có dấu hiệu giảm. Sự suy giảm này đã tác động rất lớn đến hiệu quả xuất khẩu và sản xuất của nền kinh tế, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản. Hiện nay, giá gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, thủy sản đang có xu hướng giảm trên thị trường thế giới và tác động tới thị trường trong nước.
Một nguyên nhân khác nữa là do thời gian qua chúng ta đã thực hiện hàng loạt biện pháp để khống chế giá một số mặt hàng gây thiệt hại cho xuất khẩu. Ví dụ như với gạo, sau khi thực hiện kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn thì giá gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng tăng lên và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng nhích lên.
… bài toán tăng trưởng xuất khẩu trên 6%
Theo tính toán, với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 14 tỷ USD, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất của năm 2010 là trên 6% như Quốc hội đã thông qua thì những tháng còn lại xuất khẩu phải đạt 47 tỷ USD, tức khoảng 5,2 tỷ USD/tháng.
Bộ Công thương cho rằng, với con số ước nhập siêu của 3 tháng đầu năm là khoảng 3,51 tỷ USD thì nhiệm vụ những tháng còn lại để giữ được cán cân xuất nhập khẩu đề ra là rất khó khăn, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương.
Theo nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, “với tình hình xuất nhập khẩu những tháng đầu năm, việc thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu năm 2010 ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu, tương đương nhập siêu 12,2 tỷ USD là rất khó”.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, để giải bài toán nhập siêu, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, tập đoàn về tăng cường kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng để tăng cường bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện Bộ đang nghiên cứu một số biện pháp và phối hợp với một số bộ ngành để có những biện pháp cụ thể như: tăng cường hạn ngạch thuế quan, cấp giấy phép và kiểm soát nhập khẩu một số mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và đến một số ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, sẽ xem lại quy trình thông quan đối với một số mặt hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu; kiểm tra chất lượng và xuất xứ đối với một số mặt hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, mỹ phảm, thuốc chữa bệnh và thuốc bảo vệ thực vật… ; kiểm tra cả một số mặt hàng buôn bán qua đường tiểu ngạch.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh: Sẽ kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được bằng các biện pháp về thuế và phi thuế trong khuôn khổ pháp luật và những cam kết mà Việt Nam đã cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Công Thương cũng đã có đề nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được tiếp cận vốn thuận lợi, dễ dàng, không bị các nguồn vốn dành cho các nhu cầu khác theo lãi suất thỏa thuận nó ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, đại diện một số Vụ và các tập đoàn, tổng công ty cũng đã đưa ra lý giải từ góc nhìn của họ. Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong thời gian qua, giá của các đơn hàng dệt may chỉ tăng được từ 2-3%. Trong khi đó, quý 1/2010, ngành vẫn đạt tăng trưởng xuất khẩu là 17,8%. Đạt được con số trên chủ yếu là do sản lượng xuất khẩu của toàn ngành tăng. Điều này đã buộc ngành phải tăng nhập khẩu các nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất.
Vinatex nhận định thời gian tới, giá bông trên thị trường thế giới sẽ có sự biến động mạnh về giá. Vì vậy, trong những tháng đầu năm lượng bông nhập khẩu đã tăng tới 344%, sợi các loại tăng 170%, vải tăng 113%. Nhưng việc nhập khẩu này cũng là để phục vụ sản xuất vải, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Ông Lê Tiến Trường kiến nghị: Cần nới tăng trưởng tín dụng đối với ngành dệt may bởi nếu áp dụng chung sàn tăng trưởng tín dụng 25% thì rất khó, lãi suất bị ngân hàng đẩy lên và không có cơ hội cho nhiều ngành hàng, lợi nhuận lại ít. Trong quý II và III cần có giải pháp cụ thể về tín dụng lưu động cho các ngành hàng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Bộ Công Thương cần có chính sách để ủng hộ các ngành hàng xuất khẩu, vốn trung dài hạn cho dệt may vì lâu nay không còn nằm trong danh mục được ưu đãi của Ngân hàng Phát triển - điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Gia Tường- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) cũng kiến nghị: Sản lượng nhập khẩu mặt hàng phân bón đã tăng lên 24%; trong khi sản xuất trong nước đang dư thừa; vì vậy nên chăng xem lại việc nhập khẩu mặt hàng này. Tại Vinachem, sản xuất phân bón đang tăng 25%, tiêu thụ giảm 1%, tồn kho 300.000 tấn; trong đó NPK tồn lớn hơn 180.000 tấn. Hiện nay, Vinachem có năng lực sản xuất 2,5 triệu tấn nhưng mới sản xuất 1,7-1,8 triệu tấn.
Ông Huỳnh Đắc Thắng - Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch - Bộ Công Thương cho rằng: Muốn hạn chế nhập siêu, tăng cường xuất khẩu thì có lẽ phải là giải pháp từ công nghiệp chứ không phải từ thương mại. Nếu xét về số học thì cứ giảm nhập khẩu là giảm nhập siêu nhưng căn cơ lâu dài là phải phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ để giảm bớt nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, từ đó sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước và xuất khẩu ổn định, bền vững. Chính phủ cần ban hành nghị định về quy hoạch, phát triển công nghiệp phụ trợ để chủ động về nguyên phụ liệu. Như thế, đến năm 2015, mới có hy vọng đạt được sự cân bằng giữa nhập khẩu và xuất khẩu.
Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Ngô Văn Trụ bày tỏ: Một trong những cơ chế là cần phải tính toán làm sao sử dụng được những sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được, hạn chế nhập khẩu những máy móc thiết bị mà trong nước sản xuất có chất lượng ngang bằng với hàng ngoại. Cần có những biện pháp dài hơi hơn thay vì ngắn hạn để giải quyết tình trạng nhập siêu./.
Theo vovnews.vn