Cập nhật: 13/04/2010 14:29:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện tượng khô hạn trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung, nước mặn xâm nhập sâu tại khu vực phía Nam, kết hợp với dịch bệnh diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên với nỗ lực cao của toàn ngành, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì và phát triển và đạt kết quả tốt.

Theo đó, gieo cấy lúa nằm trong khung thời vụ thích hợp, lúa đông xuân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục được mùa.

 

Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù thời tiết không mấy thuận lợi song bà con nông dân vẫn kiên trì chọn khung thời vụ thích hợp nhất để gieo cấy lúa, nhờ đó, vụ lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được mùa. Cụ thể, đến trung tuần tháng.

 

Tính đến tháng 3/2010, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 895,9 nghìn ha, chiếm 56,7% diện tích gieo cấy và bằng 115,6% cùng kỳ năm trước, trong đó: Long An 87 nghìn ha; Đồng Tháp 126 nghìn ha; An Giang 200 nghìn ha; Kiên Giang 193 nghìn ha, Tiền Giang 35 nghìn ha...

 

Điều đáng mừng là mặc dù một số diện tích gieo cấy bị nước mặn xâm nhập nhưng năng suất lúa đông xuân toàn vùng năm nay ước tính đạt 63,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha, chủ yếu do nhiều địa phương tăng diện tích gieo cấy các giống lúa có năng suất cao như: IR 50404, OM 576, tỷ trọng diện tích gieo cấy các giống lúa cho năng suất cao của Tiền Giang tăng từ 13% trong vụ đông xuân trước lên 38% trong vụ đông xuân năm nay; Đồng Tháp từ 27% lên 37%; An Giang từ 6% lên 20%...

 

Với những nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và của bà con nông dân, diện tích gieo cấy và năng suất lúa đông xuân tăng cao góp phần làm tăng sản lượng lúa đông xuân năm nay của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, ước tính sản lượng lúa đông xuân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay đạt 9973 nghìn tấn, tăng 117 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2009, trong đó một số tỉnh tăng cao như: Vĩnh Long đạt 436,6 nghìn tấn, tăng 9,1 nghìn tấn; Hậu Giang 532,6 nghìn tấn, tăng 13,8 nghìn tấn...

 

Dù sản lượng tăng cao, song những khó khăn phía trước vẫn còn, đó là tình hình hạn hán và sâu bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, khiến người dân đang lo lắng đến ảnh hưởng của dịch bệnh và hạn hán đối với năng suất lúa đông xuân muộn. Theo Bộ NN&PTNT, do nắng nóng kéo dài nên mặc dù các địa phương phía Bắc đã chủ động nạo vét kênh mương, huy động hết công suất máy bơm, bơm nước xả từ các hồ thuỷ điện, nhưng một số diện tích lúa của các địa phương vẫn không đủ nước, có khả năng sẽ cho năng suất thấp. Điển hình như: Nam Định 734 ha; Bắc Kạn 1731 ha; Thái Nguyên 5155 ha; Hà Giang 1000 ha... Đối với khu vực phía Nam, nguồn nước nội đồng ở nhiều địa phương cũng cạn kiệt nên diện tích lúa đông xuân muộn của một số tỉnh, nhất là Trà Vinh, Sóc Trăng đang ở trong tình trạng khô hạn, bị nước mặn xâm nhập...

 

Ngoài ra, hiện dịch bệnh hại lúa cũng đang diễn biến rất phức tạp. Tại phía Bắc một số tỉnh có diện tích lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh nặng như: Nam Định có 26,7 nghìn ha diện tích lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh nặng; tiếp đến là Thái Bình 14 nghìn ha. Tại phía Nam, có trên 110 nghìn ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu, sâu đục thân. Điển hình là ở các tỉnh như: Tiền Giang 15,7 nghìn ha; Trà Vinh 13,2 nghìn ha; An Giang 24 nghìn ha; Sóc Trăng 8,5 nghìn ha...

 

Được biết, Bộ NN&PTNT đã có khuyến cáo để bà con theo dõi và có biện pháp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh gây hại; phun thuốc phòng trừ triệt để các loại rầy nâu, rầy lưng trắng; vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ cây lúa non, phòng trừ rầy di trú; bà con nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng và có phương pháp điều trị hợp lý, kịp thời.

 

Cùng với việc hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân muộn trên địa bàn cả nước và bước vào thu hoạch lúa đông xuân tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên địa bàn cả nước đã tranh thủ thời tiết thuận lợi gieo trồng cây vụ xuân. Tính đến 15/3/2010, cả nước đã gieo trồng được 369,2 nghìn ha ngô, bằng 107,9% cùng kỳ năm trước; khoai lang 78,1 nghìn ha, bằng 97,1%; đậu tương 111,6 nghìn ha, bằng 143,6%; rau đậu 366,6 nghìn ha, bằng 101,8%. Ngoài ra, các địa phương phía Bắc còn tập trung thu hoạch cây vụ đông.

 

Thời điểm đầu vụ đông năm nay tuy hạn hán xảy ra ở một số tỉnh miền núi, nhưng do không bị ảnh hưởng lũ lụt lớn như năm trước và một số diện tích gieo cấy lúa thiếu nước chuyển sang gieo trồng cây vụ đông nên sản lượng của nhiều cây vụ đông tăng mạnh so với vụ đông năm trước, điển hình: sản lượng ngô tăng 66%; khoai lang tăng 23%; đỗ tương gấp 4,6 lần; lạc tăng 18%; rau đậu tăng 17%...

 

Mục tiêu đề ra của Bộ NN&PTNT trong năm 2010, tốc độ tăng trưởng đạt 3 - 3,2%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,5 - 4,6%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 16 tỷ USD; sản lượng thóc cả năm phấn đấu đạt khoảng 39 triệu tấn,.... Mong rằng với sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành nông nghiệp và sự quyết tâm, đồng thuận của bà con nông dân, ngành nông nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm