Cập nhật: 17/05/2010 15:21:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quan niệm chung của mọi người hiện nay là thế giới đã thoát ra khỏi cuộc Đại suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Nhờ rút được những bài học của cuộc khủng hoảng hồi thập niên 1930, các chính phủ đã phản ứng nhanh và mạnh mẽ khi tầm mức của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu lộ rõ vào cuối 2008. Các ngân hàng trung ương, như Cơ quan Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm mạnh lãi suất và dành những khoản vay lớn cho các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư gặp khó khăn. Mỹ và nhiều nước khác đã đưa ra các chương trình kích thích kinh tế, cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Cơn hoảng loạn được chặn lại. Vòng xoáy chi tiêu cá nhân giảm và thất nghiệp tăng, đã bắt đầu đảo chiều. Những thiệt hại kinh tế vừa qua là to lớn, nhưng Đại suy thoái đã qua thời kỳ tồi tệ nhất.

 

Tuy nhiên, khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đang thách thức những đánh giá lạc quan và nó chứng tỏ rằng hãy còn quá sớm để ăn mừng thắng lợi. Khủng hoảng nợ ở Hy Lạp ám chỉ rằng khủng hoảng kinh tế đang chuyển sang giai đoạn mới, mà đặc điểm bao trùm của nó là gánh nặng nợ nần của các chính phủ trong xã hội tiên tiến làm cho triển vọng kinh tế thêm rối rắm.

 

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 4,3% trong năm 2010 và 2011, trong đó kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng gần 3%.

 

Để đối phó với thâm hụt ngân sách, các nước đã phát triển có thể cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế. Những biện pháp này sẽ cản trở phục hồi kinh tế. Tuy nhiên nếu không thực hiện những biện pháp này, thì có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính. Người cho vay, do lo ngại trước mức dư nợ khổng lồ, sẽ đòi lãi suất cao hơn. Trái phiếu chính phủ, vốn trước đây được ban hành với lãi suất thấp, sẽ bị mất giá. Các ngân hàng trên toàn thế giới, vốn nắm giữ nhiều trái phiếu của các chính phủ, sẽ bị thua lỗ lớn. Các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hệ thống tài chính lại bị rơi vào thế kẹt.

 

Tình hình tương tự cũng đang xảy ra, tuy ở mức độ nhẹ hơn, đối với tổng dư nợ của các hộ gia đình ở các nước đã phát triển. Do nợ tăng, hoặc do chủ nợ thắt chặt hơn điều kiện cho vay, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bị cắt giảm, làm xói mòn một trụ cột quan trọng khác của tiến trình phục hồi. Không phải chỉ có người tiêu dùng ở Mỹ mới được hưởng những chương trình tín dụng dễ dãi trong những năm qua. Theo báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tổng dư nợ của các hộ gia đình Mỹ trong năm 2007 tương đương với 127% thu nhập. Con số này là 138% ở Canađa, 128% ở Nhật Bản, 186% ở Anh và 102% ở Đức. Không có ngưỡng cụ thể để xác định mức nợ quá cao, nhưng những con số này cho thấy người tiêu dùng luôn bị căng kéo.

 

Xét về lý thuyết, việc thoát ra khỏi tình trạng này không phải quá khó khăn. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nền kinh tế đang nổi lên khác có thể trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Những nước này cần mua công nghệ và trang thiết bị tiên tiến, như máy bay, nhà máy phát điện, máy công cụ và thiết bị y tế, nhờ đó mà nâng cao mức sống, duy trì sản xuất và việc làm ở các nước đã phát triển. Dự báo mới nhất của IMF cho biết các nền kinh tế đang nổi lên và các nước đang phát triển có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010 và 2011, so với mức 2,4% của các nước đã phát triển. Tuy nhiên để chuyển vai trò động lực của kinh tế thế giới, Trung Quốc và các nước châu Á phải từ bỏ chính sách phát triển dựa trên xuất khẩu. Hiện vẫn chưa rõ các nước này có đủ khả năng và có sẵn sàng đi theo hướng đó hay không.

 

Tất cả các nước cùng đang đứng trước thách thức phải thay đổi những chính sách, cách hành xử và thói quen vốn đã đan quyện vào xã hội, chính trị và kinh tế của họ. Liệu các nước đã phát triển có cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội? Liệu các nền kinh tế châu Á có chuyển từ dựa vào xuất khẩu sang dựa chủ yếu vào thị trường nội địa? Liệu người Mỹ có cắt giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm – trong khi người Trung Quốc cần làm ngược lại? Như đã từng xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, sự đảo chiều của thói quen và lối sống cũ có thể gây ra nhiều phiền phức. Do không nhận thức và thích ứng được với những thay đổi trong thập niên 1920 mà Đại suy thoái đã xảy ra./.

 

 

 

Theo Báo điện tử Kinh tế & Đô thị

Tệp đính kèm