5 tháng qua, mức thu ngân sách đạt 38,3% dự toán cả năm, cao hơn mức 31,8% của cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 cũng được kiểm soát tốt, giải ngân nguồn vốn FDI được cải thiện.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp giao ban kinh tế tháng 5 tổ chức sáng 27/5, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng cao hơn kế hoạch cả năm đề ra và tăng liên tục trong ba tháng qua (tháng 3 tăng 14%, tháng 4 tăng 13%, tháng 5 tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tính chung 5 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 301.800 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái, mức tăng này là 4%). Hầu hết các sản phẩm đều tăng cao hơn so với cùng kỳ, chỉ có một sản phẩm giảm so với cùng kỳ là dầu thô khai thác giảm 17,9%.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong sản xuất công nghiệp là giá cả nguyên liệu đầu vào và giá nguyên liệu nhập khẩu tăng; khả năng tiếp cận nguồn vốn vay bị hạn chế, lãi suất cho vay của các ngân hàng dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 13 đến 14%/năm...
Tuy khó khăn nhưng năm tháng qua, mức thu ngân sách vẫn đạt 38,3% dự toán cả năm, cao hơn mức 31,8% của cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 cũng được kiểm soát tốt, giải ngân nguồn vốn FDI được cải thiện.
Sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định dù gặp nhiều khó khăn. Hoạt động du lịch khởi sắc sau nhiều tháng có mức tăng thấp. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 5 cũng được cải thiện khiến chỉ số này 5 tháng qua tăng tới 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, xuất nhập khẩu tháng 5 đã có cải thiện so với tháng vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt khoảng 6,1 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng 4; nhập khẩu đạt khoảng 6,85 tỷ USD, tăng khoảng 5,5% so với tháng trước.
Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,83 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 31,2 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2009. Mức nhập siêu đạt 5,37 tỷ USD, bằng 17,2% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng nhận định nền kinh tế vẫn tồn tại một số khó khăn cần được quan tâm xử lý như giá cả có xu hướng tăng, lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao, nhập siêu vẫn cao...
Do đó, các bộ ngành, địa phương cần tập trung tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiếp tục nỗ lực kiềm chế nhập siêu. Bộ Công Thương và Tổng công ty Điện lực Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể xử lý khó khăn, hạn chế cắt điện.
Các bộ, ngành cũng cần chú trọng các giải pháp nhằm tiếp tục giải ngân các nguồn vốn, nhất là các giải pháp đẩy nhanh thực hiện các dự án quan trọng cấp bách, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án có giá trị xuất khẩu lớn, những dự án giải quyết nhiều việc làm./.
Theo vovnews.vn