Cập nhật: 20/06/2010 15:36:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá vàng thế giới đã xác lập mức kỷ lục mới khi đạt 1.259,43 USD/ounce trong đêm 18.6. Giá vàng trong nước biến động chậm hơn, kéo khoảng cách chênh lệch trong và ngoài nước thêm xa.

1 tháng 4 lần phá kỷ lục

 

Giá vàng trong nước ngày 19.6 tiếp tục tăng thêm 190.000 đồng/lượng so với ngày 18.6. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 28,52 triệu - 28,54 triệu đồng/lượng. Mức giá này còn cách mức kỷ lục của vàng trong nước (đạt được vào năm ngoái) khoảng 200.000 đồng/lượng (không tính giá ngoài thị trường tự do từng đẩy lên gần 30 triệu đồng/lượng). Trong tuần qua, giá vàng đã có mức trồi sụt mạnh. Sau khi rơi xuống 27,97 triệu đồng/lượng vào ngày 15.6, giá vàng SJC lúc đóng cửa cuối tuần tăng 550.000 đồng/lượng.

 

Tuy nhiên tốc độ tăng giá của vàng trong nước vẫn không theo kịp giá thế giới. Sau khi phá vỡ mức cũ 1.251 USD/ounce, giá vàng thế giới đã xác lập mức kỷ lục mới ở 1.262 USD/ounce và sau đó đóng cửa ở 1.256,53 USD/ounce (tương đương 28,77 triệu đồng/lượng), tăng 12,83 USD/ounce so với giá chiều 18.6. Với mức này, giá vàng thế giới đóng cửa tuần ở mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ trong 1 tháng, giá vàng thế giới đã 4 lần phá kỷ lục đã xác lập trước đó. Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 2,3% và so với đầu năm thì mức tăng giá là 15%. Thị trường vàng hiện nay vẫn chịu nhiều chi phối từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Giá vàng tăng mạnh sau phát biểu của một thành viên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc ECB không có ý định cung cấp vốn cho các ngân hàng thành viên sau khi kết thúc cuộc khảo sát tài chính. Trước đó Liên minh châu Âu đã quyết định công bố kết quả kiểm tra tài chính các ngân hàng lớn trong khu vực. Một thông tin khác không kém phần quan trọng tác động đến giá vàng, đó là người dân Hy Lạp tin rằng đất nước này sẽ bị phá sản; cộng thêm khoản nợ 24,7 tỉ USD của Tây Ban Nha sẽ phải trả trong tháng 7 và khả năng nước này sẽ cầu cứu sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu.

 

Một số thông tin khác, như nền kinh tế Mỹ không được khả quan như tỷ lệ thất nghiệp tăng cũng góp phần tạo đà tăng giá cho vàng. Sau nhiều phiên biến động cùng chiều với giá USD, giá vàng đã quay trở lại trái chiều với sức khỏe của đồng USD. Chỉ số USD-Index đã giảm nhanh từ 86,48 xuống 85,56 điểm. Các nhà đầu tư, ngân hàng tăng cường mua vàng trong thời gian qua. Quỹ đầu tư vàng SPDR đang nắm giữ lượng vàng kỷ lục ở 1.307,96 tấn, tăng 15% so với đầu năm. Tin đồn Trung Quốc và khả năng một số nước tăng dự trữ kim loại quý đã thúc đẩy giá vàng tăng nhanh…

 

Cẩn thận khi mua

 

Mặc dù có “sóng" lớn trên thị trường nhưng từ khi hoạt động kinh doanh vàng tài khoản bị “cấm cửa”, các giao dịch vàng cũng không mấy sôi động bởi lực bán vàng ở mức cao vẫn là chủ yếu. Điều này lý giải tại sao giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần 200.000 đồng/lượng. So với mức giá thấp nhất có được vào tháng 2.2010 là 25 triệu đồng/lượng, những người nắm giữ vàng đã có mức sinh lời khá tốt. Tổng giám đốc một ngân hàng có lượng vàng huy động lớn cho hay: “Dù rằng ngân hàng đã giảm lãi suất về gần bằng 0%/năm nhưng lượng khách hàng từ đầu năm đến nay không giảm bao nhiêu”.

 

Trong một số dự báo gần đây của các tổ chức trên thế giới (xem bảng đính kèm), đa số cho rằng từ nay cho đến cuối năm, xu hướng tăng của vàng vẫn là chủ đạo. Giá vàng đang được 3 yếu tố hỗ trợ, đó là sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, mối lo ngại về công nợ và nhu cầu đầu tư an toàn. Tuy nhiên người mua vàng cần cân nhắc lựa chọn điểm mua hợp lý vì khi vàng tăng giá mạnh, sẽ có điều chỉnh trở lại khi gặp phải lực chốt lời. Không nên mua theo kiểu phong trào như kiểu cuối năm 2009, rất nguy hiểm. Đồng thời, giá vàng trong nước thường không biến động cùng giá thế giới và tháng 7 thường giảm giá.

 

 

Theo TNOnline

Tệp đính kèm