Cập nhật: 03/07/2010 09:29:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có những diễn biến bất ngờ. Nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas và thực phẩm... có xu hướng tăng giá, nhưng đã dần ổn định.

Tuy nhiên, những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt, như  lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại, lượng tiền trong lưu thông tăng mạnh, thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát... là những yếu tố bất ổn sẽ tác động đến  giá cả những tháng cuối năm.

 

Vận hành đúng quy luật tiền tệ

 

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng 4,78% so với tháng 12-2009. Trong các nhóm hàng tính CPI, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất: 9,08%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,66%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,94%. Các nhóm hàng còn lại có mức tăng từ 0,85% đến 4,96%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,16%.

 

Mặc dù giá hàng hóa có xu hướng tăng, song theo Bộ Tài chính, giá cả đã vận động theo đúng quy luật và không xảy ra đột biến. Trên thị trường, sức mua tăng 20-30% tại khu vực đô thị và 10-15% khu vực nông thôn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm đạt 747.418 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2009. Sức mua tăng đã góp phần khiến tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh, gây sức ép tăng giá.

 

Để bình ổn giá, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với mặt hàng xăng, dầu, 6 tháng đầu năm, Bộ đã nhiều lần có quyết định can thiệp, yêu cầu các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối giảm giá bán theo đúng diễn biến thị trường. Mặt hàng xi măng, thép xây dựng cũng đã được đưa vào diện phải đăng ký giá… Tại các địa phương trên cả nước, 950 tỷ đồng vốn ngân sách đã được trích cho các DN vay với lãi suất ưu đãi nhằm dự trữ hàng Tết và phục vụ bình ổn giá. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá được thực hiện với quy mô lớn, số vốn vay ưu đãi dành cho DN dự trữ hàng hóa tới hàng trăm tỷ đồng, kéo dài trong cả năm 2010... Những giải pháp trên đã có tác dụng tích cực trong việc cân đối cung cầu hàng hóa; không để xảy ra thiếu hàng hay đột biến về giá.

 

Tăng giá hợp lý sau khi đã giảm chi phí giá thành

 

Theo các chuyên gia, 6 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, bởi nhiều lý do. Thứ nhất, theo độ trễ của chính sách, lượng tiền trong lưu thông cuối năm nay dự kiến sẽ tăng cao do tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa mà Chính phủ đã thực hiện năm 2009 nhằm kích cầu. Thứ hai, áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong những tháng cuối năm và việc tăng chi chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán cũng sẽ gây tác động tăng giá... Thêm vào đó, những bất ổn của nền kinh tế thế giới khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và việc đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng giá sẽ khiến giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến giá hàng hóa, dịch vụ trong nước.

 

Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá thị trường, Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ giá những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng, dầu, lương thực. Cơ chế giá thị trường sẽ được Bộ thực hiện cùng với giám sát việc chấp hành pháp lệnh giá. Bộ yêu cầu Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến thị trường, tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá. Trường hợp bắt buộc DN phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ thì cần bảo đảm nguyên tắc, chỉ điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý sau khi đã giảm triệt để chi phí sản xuất...

 

 

 

Theo HNM Online

Tệp đính kèm