Quan niệm phát triển bền vững xuất hiện từ những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ 20, được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 với hàm ý tổng quát là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau (1).
Ðây là quá trình phải bảo đảm có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong hai thập kỷ qua, trên bình diện quốc tế, vấn đề phát triển bền vững ngày càng được đặc biệt quan tâm, trở thành yêu cầu phát triển của toàn cầu. Ðã có không ít hội nghị thượng đỉnh thảo luận về chủ đề này và đưa ra nhiều văn kiện, quyết sách quan trọng.
Ở nước ta, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã được nhận thức rất sớm và thể hiện trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Ðảng. Ngay từ Ðại hội III năm 1960 và Ðại hội IV năm 1976, Ðảng ta đã đặt mục tiêu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Ðại hội VII thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000, nhấn mạnh "Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường". Ðại hội VIII nêu bài học "Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái". Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 thông qua tại Ðại hội IX khẳng định "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường". Ðại hội X nêu bài học về phát triển nhanh và bền vững, trong đó ngoài các nội dung phát triển kinh tế, xã hội, môi trường còn bổ sung yêu cầu phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ và xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là "Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người".
Như vậy, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Ðảng và Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến trình phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Nhà nước ta cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững (2).
II. Trong mười năm qua, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7,3%/năm (3), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.200 USD, vượt qua ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn. Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn. Thu nhập thực tế bình quân đầu người 10 năm qua tăng khoảng 2,3 lần. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được quốc tế đánh giá cao. Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,3 lần năm 1999 xuống còn 2 lần năm 2008. Trẻ em được quan tâm bảo vệ, chăm sóc; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 33,8% xuống còn dưới 18%. Tuổi thọ bình quân tăng từ 67 lên 72 tuổi. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng lên, năm 2008 là 0,733, thuộc nhóm nước trung bình cao trên thế giới. Mức hưởng thụ văn hóa, điều kiện tiếp cận thông tin của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Cùng với những kết quả to lớn trong việc xã hội hóa phát triển các lĩnh vực xã hội, ngân sách Nhà nước chi cho các lĩnh vực này không ngừng tăng lên; bảo hiểm y tế được mở rộng từ 13,4% dân số năm 2000 lên khoảng 62% năm 2010. Bình đẳng giới có nhiều tiến bộ, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và giữ các trọng trách trong hệ thống chính trị ngày càng cao. Năm 2008, nước ta đã hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm và có mặt được cải thiện. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, xã hội cởi mở và đồng thuận hơn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi; thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo ra những tiền đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong sự phát triển cũng còn nhiều yếu kém, bất cập. Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế; lãng phí, thất thoát còn nhiều; hiệu quả đầu tư thấp. Tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thật hợp lý và tiết kiệm. Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, bội chi ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại còn lớn, lạm phát còn cao. Môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt vẫn còn bức xúc; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; ùn tắc và tai nạn giao thông còn nghiêm trọng; tham nhũng chưa bị đẩy lùi; chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề còn yếu kém và chậm được cải thiện; các bệnh viện bị quá tải, chất lượng dịch vụ y tế còn thấp.
Những hạn chế, yếu kém trên đây có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nổi lên là: Quan điểm phát triển bền vững chưa được nhận thức sâu sắc và thể hiện một cách cụ thể, nhất quán trong hệ thống chính sách, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết. Trong quản lý, điều hành còn thiên về tốc độ tăng trưởng mà chưa coi trọng đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của sự phát triển; chưa tạo được chuyển biến mạnh trong việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, thực hiện chính sách bảo vệ môi trường chưa có sự kết hợp chặt chẽ, lồng ghép hợp lý. Cơ chế quản lý và giám sát sự phát triển bền vững chưa được thiết lập rõ ràng và có hiệu quả. Quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp chưa được phát huy đầy đủ.
III. Từ thực tiễn nêu trên, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nêu bài học "Ðặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển... giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng" và xác định "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược", với các nội dung chủ yếu là "Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết; phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phải đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững".
Ðể hiện thực hóa quan điểm phát triển nhanh và bền vững, phải thực hiện đồng bộ các định hướng phát triển đã nêu trong dự thảo Chiến lược, trong đó cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, bằng các giải pháp và sức mạnh tổng hợp, kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Ðây là điều kiện tiên quyết nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững và cũng là một lợi thế của đất nước ta.
Hai là, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sự hoạt động an toàn, hiệu quả của các định chế tài chính.
Thế hệ chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, mới đây là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra trong các năm 2007 - 2009 và cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước hiện nay. Những cuộc khủng hoảng này là hậu quả của sự phát triển không bền vững, gây mất ổn định toàn cầu và tác động đến tăng trưởng của hầu hết các quốc gia, kinh tế thế giới suy giảm, thất nghiệp gia tăng, xung đột xã hội lan rộng...
Ở nước ta, cùng với những bất cập, yếu kém trong quản lý vĩ mô, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng suy giảm, đời sống nhân dân gặp khó khăn. Kinh nghiệm quốc tế cũng như của nước ta những năm qua cho thấy giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính, kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn vừa là tiền đề để tăng trưởng nhanh vừa là nội dung của tăng trưởng bền vững, trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất trong quản lý kinh tế của bất cứ quốc gia nào.
Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng cao đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng. Bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng là yếu tố quyết định nhất để phát triển nhanh và bền vững. Có đạt được tốc độ tăng trưởng cao, đất nước mới phát triển nhanh, rút ngắn khoảng cách với các nước, mới tạo được nguồn lực để phát triển các lĩnh vực xã hội, phát triển con người, đầu tư phát triển những khu vực khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng trong nước, mở rộng hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Với ưu thế về nguồn lực con người, chính trị xã hội ổn định, vị trí địa - kinh tế thuận lợi, lại là nước đi sau, chúng ta có điều kiện để phát triển nhanh. Mặt khác, có nâng cao chất lượng tăng trưởng mới tăng được hiệu suất sử dụng vốn và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mới mở rộng được thị trường tiêu thụ trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trên cơ sở đó, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho đất nước, tăng khả năng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, bảo đảm nguồn lực cho tăng trưởng cao và ổn định trong dài hạn.
Ðể tăng trưởng cao, đạt tốc độ bình quân 7 - 8%/năm, phải tháo gỡ mọi cản trở về thể chế và thủ tục hành chính, giải phóng và phát triển mạnh lực lượng sản xuất gắn với nâng cao trình độ khoa học, công nghệ. Phải tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân - thành phần có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tạo nhiều việc làm nhất. Mặt khác, phải đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước trở thành công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách cơ cấu và định hướng tổ chức thị trường. Phải thực hiện đa sở hữu, công khai minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quan trọng hơn là đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường. Chỉ có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước mới không chèn lấn các nguồn lực để phát triển khu vực tư nhân - một động lực chủ yếu của tăng trưởng.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công là một yếu tố quan trọng bảo đảm chất lượng tăng trưởng. Trong mười năm tới, cần tập trung hơn nữa đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Hoàn thiện cơ chế giám sát và tăng cường công tác giám sát đầu tư. Kiên quyết và có biện pháp mạnh mẽ chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư.
Yêu cầu cấp bách trong thời kỳ chiến lược tới là thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trên cả ba nội dung chính: (1) tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với các vùng kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào sự gia tăng vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng thấp hiện nay sang kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng các tiến bộ về khoa học, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại. Trong mười năm tới, nhất là trong những năm đầu của thời kỳ chiến lược, chúng ta chưa thể từ bỏ hoàn toàn mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Vì, để tăng trưởng theo chiều sâu phải sử dụng công nghệ hiện đại và phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðây là quá trình tích lũy vốn và phát triển nguồn nhân lực trong từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Hơn nữa, phát triển bền vững phải gắn với yêu cầu giải quyết việc làm và toàn dụng lao động trong khi nguồn lao động thiếu việc làm còn nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, phải hành động khẩn trương, kiên quyết tạo lập đồng bộ các tiền đề để chuyển mạnh sang tăng trưởng theo chiều sâu ngay trong những năm đầu của thời kỳ chiến lược, trước hết là ở những lĩnh vực khoa học, công nghệ phát triển nhanh và nước ta có điều kiện. Ðây là con đường cơ bản nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng; (2) tái cấu trúc các doanh nghiệp, xây dựng lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao; (3) điều chỉnh chiến lược thị trường, coi trọng hơn thị trường trong nước đi đôi với việc tiếp tục đa dạng hóa, mở rộng thị trường nước ngoài. Thực hiện tốt các nội dung trên đây, chẳng những nâng cao được chất lượng tăng trưởng, khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, hạn chế được các tác động tiêu cực trước những biến động từ bên ngoài, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững mà còn tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, một xu thế phát triển trong nền kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, cần phát huy có hiệu quả chức năng kiến tạo phát triển của nhà nước, nhất là trong thời kỳ đầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, thể hiện trong việc đề ra chính sách cơ cấu và định hướng phát triển vùng đúng đắn.
Bốn là, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, yếu tố làm nên giá trị ổn định, lâu bền của một quốc gia, hình thành bản sắc riêng có của một dân tộc. Văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển. Sự phát triển của một thời đại ở bất kỳ quốc gia nào đều có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Trên nền tảng văn hóa, con người không chỉ giải quyết mối quan hệ với đồng loại, ứng xử với môi trường thiên nhiên trong đời sống hiện tại mà còn giải quyết mối quan hệ với các thế hệ tương lai trong quá trình phát triển. Với ý nghĩa này, văn hóa không chỉ là kết quả của phát triển nhanh, bền vững mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh, bền vững. Phải đặt yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế. Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển.
Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là nội dung rất quan trọng của phát triển bền vững. Ðây còn là tiêu chí thể hiện bản chất của chế độ ta. Sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ở mức cao tạo nên xung đột xã hội ở không ít các quốc gia trên thế giới, làm suy giảm tăng trưởng. Vì vậy, Ðảng ta chủ trương phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Chúng ta sẽ tập trung hơn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để thực hiện giảm nghèo bền vững. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, đồng thời hạn chế phân hóa giàu nghèo, chủ yếu thông qua chính sách điều tiết thu nhập, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội và an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân phối trong các doanh nghiệp, chính sách tiền lương, bảo đảm công bằng lợi ích, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung sức phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu hợp lý nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tập trung chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để bảo đảm đạt được những chuyển biến rõ rệt, vững chắc trong công tác phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông.
Năm là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở.
Thực hiện dân chủ là một thành tố của phát triển bền vững, được Ðảng ta nêu rõ tại Ðại hội Ðảng lần thứ X, nhằm hoàn thiện, làm phong phú thêm nội dung phát triển bền vững. Ðiều này xuất phát từ luận điểm rất quan trọng: con người vừa là mục tiêu vừa là chủ thể của phát triển. Nguồn lực con người là lợi thế cạnh tranh dài hạn, là yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Dân chủ càng cao thì đồng thuận xã hội càng sâu, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố vững chắc.
Ðể phát huy dân chủ, làm cho dân chủ trở thành nguồn lực phát triển, phải bảo đảm hai điều kiện: (1) tạo cơ hội cho mọi người được học tập, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí; (2) thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua các thiết chế bảo đảm dân chủ trong mọi mặt của đời sống xã hội, mở rộng dân chủ trực tiếp. Dân chủ phải gắn với kỷ luật, kỷ cương.
Có thể nói nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường đi liền với bảo đảm phúc lợi - an sinh xã hội và dân chủ xã hội chủ nghĩa là 3 trụ cột chính trong tiến trình phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Trong đó, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực. Cả 3 trụ cột này phải mạnh và có sự phát triển tương thích, đồng bộ. Một trụ cột yếu sẽ cản trở sự vận động của các trụ cột khác và ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Sáu là, tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường.
Bảo vệ và cải thiện môi trường là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên bị cạn kiệt, rừng bị tàn phá, đất bị xói mòn và tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, nguy cơ nước biển dâng... làm thu hẹp không gian sinh tồn của con người chẳng những tác động tiêu cực đến cuộc sống hiện tại mà còn đe dọa sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Ðối với nước ta, tình trạng ô nhiễm môi trường và những nguy cơ do biến đổi khí hậu và nước biển dâng là những thách thức to lớn. Vì vậy, phát triển kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường; chủ động đối phó với hiểm họa nước biển dâng; sử dụng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, phát triển kinh tế xanh là nội dung có tác động mạnh nhất đến phát triển bền vững, phải được thể hiện trong toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như trong từng lĩnh vực, ở từng địa phương, đơn vị.
Thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững đòi hỏi phải tạo được sự chuyển biến có tính cách mạng, thấu suốt về nhận thức, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quán triệt trong mọi chính sách, quy hoạch, kế hoạch, dự án và chương trình hành động; tổ chức thực hiện quyết liệt ở tất cả các ngành, các cấp với sự đồng thuận tham gia của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân trong cả nước.
Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sự điều hành có hiệu quả của Nhà nước, sự phấn đấu nỗ lực của toàn dân, toàn quân, nhất định đất nước ta sẽ bước vào một thời kỳ mới phát triển nhanh và bền vững.
(1) Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED).
(2) Quyết định số 153 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam; thành lập hội đồng phát triển bền vững quốc gia, xây dựng đề án thực hiện chương trình nghị sự 21 và các mục tiêu thiên niên kỷ và nhiều văn bản khác.
(3) Dự kiến năm 2010 GDP tăng trưởng đạt 6,5% thì bình quân 10 năm 2001-2010 đạt 7,27%.
NGUYỄN TẤN DŨNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ
Theo Nhandan Online