Cập nhật: 22/07/2010 15:56:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều ý kiến cho rằng, khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo ra cơ hội để nước ta chuyển mạnh nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu. Vấn đề là tận dụng cơ hội này như thế nào?

Hiện đại hóa máy móc, thiết bị và công nghệ là một điều kiện để nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng theo chiều sâu - Ảnh minh họa

 

Tại hội thảo “Những tác động đối với doanh nghiệp sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/7, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế tiếp tục là những vấn đề nóng.

 

Cơ hội từ suy thoái kinh tế thế giới

 

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để xác lập quan điểm phát triển kinh tế mới, phát triển theo chiều sâu, thực hiện chuyên môn hóa, đầu tư công nghệ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu, phải tìm ra mô hình hợp lý, hiệu quả cho cả nền kinh tế.

 

Trước đó, tại Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: thực trạng và lựa chọn cho giai đoạn 2011-2020” tổ chức trong tháng 6, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng như hiện nay của nước ta chưa tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, sự chuyển giao công nghệ còn hạn chế.

 

Thu hút đầu tư nước ngoài đem lại nguồn lợi nhuận cao nhưng chủ yếu là dựa trên sự kết hợp giữa vốn bên ngoài và giá nhân công rẻ. Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng, nhất thiết phải tạo ra chiều sâu cho sự tăng trưởng kinh tế, mà giải pháp quan trọng nhất là hiện đại hóa thể chế kinh tế.

 

Còn theo GS, TS Hoàng Ngọc Hòa  (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh),  trong những năm 1998 - 2002, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,2%/năm, nhưng yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ đóng góp 1,4%. Tới giai đoạn 2003 - 2008, yếu tố năng suất tổng hợp cũng chỉ đóng góp 2,07% trong tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,89%/năm.

 

Sở dĩ như vậy là do chất lượng nguồn lao động của nước ta thấp, máy móc, thiết bị và công nghệ lạc hậu, năng lực tổ chức, quản lý còn nhiều mặt yếu kém.

 

Có thể nói, mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng của nước ta đến nay đã hết “dư địa”. Nếu chúng ta tiếp tục tăng trưởng theo cách này thì sẽ không phù hợp và rơi vào cái bẫy của sự phát triển không bền vững.

 

Theo GS Hoàng Ngọc Hòa, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tranh thủ cơ hội do khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới tạo ra. Khủng hoảng kinh tế thế giới xuất phát từ các nước phát triển và trầm trọng nhất cũng ở những nước này, khiến họ phải bán thiết bị và chuyển giao cả công nghệ tiên tiến.

 

Nước ta có thể và cần phải huy động tối đa nội lực, nhất là nguồn lực tài chính còn tiềm tàng trong nền kinh tế để nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại từ công nghệ nguồn với giá thấp, đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... chuyển mạnh nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu.

 

Nhận thức lại vai trò ngày càng quan trọng của Nhà nước

 

Nhân lực chất lượng cao - một yêu cầu khác để nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu

 

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, để thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển mới, trước hết cần phải đổi mới nhận thức về chức năng kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

 

Nhà nước đóng vai trò tích cực nhất trong việc khắc phục, hạn chế các khuyết tật cố hữu của thị trường thông qua các công cụ điều tiết đóng vai trò “người dẫn đường” cho quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

 

Trong điều kiện toàn cầu hóa, vai trò của Nhà nước càng quan trọng hơn trong việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

 

Liên quan đến những định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, các đại biểu nhấn mạnh đến việc đổi mới cách quản lý tài chính, phân bổ ngân sách Nhà nước, phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong việc ra quyết định đầu tư.

 

Nhiều đại biểu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật là công cụ đưa chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống. Do vậy, phải rà soát, tạo đồng bộ, kiểm soát nền kinh tế thị trường bằng pháp luật của Nhà nước.

 

Về cấu trúc nền kinh tế, phải có sự đột phá trong từng vùng, khu vực, phát triển công nghiệp phụ trợ, khu công nghiệp - công nghệ cao...

 

Ở góc độ khác, nhiều diễn giả cho rằng, kinh tế Việt Nam muốn cất cánh, cần phải xác định lại vai trò, chỗ đứng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cải cách mạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước.

 

Ngoài ra, sau hơn 3 năm gia nhập WTO, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện, ngay cả việc xác định năng lực cạnh tranh sản phẩm cũng đang có vấn đề. Phải chỉ ra được những vấn đề này thì Việt Nam mới có thể hội nhập và xác định mô hình tăng trưởng trong tương lai.

 

Hơn tất cả, rất cần một chính sách vĩ mô ổn định và dài hạn theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển, hội nhập.

 

 

 

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm