Mặc dù các mặt hàng nông sản của nước ta có tiềm năng lớn, chất lượng tốt nhưng không phải nhà sản xuất địa phương nào cũng có thể đưa hàng của mình vào tiêu thụ tại các siêu thị, nhất là các nhà sản xuất vừa và nhỏ.
Vì thế để hàng nông sản từng bước thuận lợi vào được siêu thị cần phải có sự bắt tay chặt chẽ giữa các siêu thị và nhà cung cấp.
Hàng nông sản của Việt Nam chiếm 90% trong tổng lượng hàng tiêu thụ tại các siêu thị trên cả nước.
Siêu thị đẩy mạnh liên kết với nhà cung cấp
Trong thời gian qua, hàng nông sản Việt đã dần chiếm thế thượng phong tại các siêu thị trên cả nước, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng và góp phần giảm đáng kể lượng hàng nhập khẩu. Để có được những kết quả này, các hệ thống siêu thị đã có chiến lược bắt tay với nhà cung cấp các tỉnh nhằm tạo điều kiện giúp họ đưa hàng nông sản tiêu thụ hiệu quả và tạo thương hiệu giá trị sản phẩm ngày một tăng cao.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang- đại diện hệ thống BigC Việt Nam- cho biết: Nhiều năm nay, siêu thị đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” bằng cách tạo thuận lợi giúp nông dân các tỉnh đưa hàng vào bán tại hệ thống của BigC trên toàn quốc. BigC đã thực hiện nhiều cuộc hội thảo bàn bạc với các nhà cung cấp mỗi tỉnh, nơi mà siêu thị mở ra nhằm giúp họ có thể đưa hàng thuận lợi vào siêu thị. BigC bắt đầu thử nghiệm mô hình liên kết này từ giữa năm 2008 và đến nay BigC đã hợp tác thành công trong việc quảng bá thương hiệu cho trên 30 công ty địa phương chủ yếu trong các lĩnh vực nông sản, may mặc, thực phẩm… ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Hợp tác cùng phát triển với các nhà cung cấp địa phương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách thu mua của BigC còn được cụ thể hóa bằng những kế hoạch hàng động đến năm 2011 trên tất cả các tỉnh thành của Việt Nam.
Bà Lê Quang Thục Quỳnh- Giám đốc Marketing Saigon Co.op- cũng cho biết: Để có lượng hàng chất lượng, giá hợp lý bán tại siêu thị, Saigon Co.op phải đến các vùng nguyên liệu (Bình Thuận, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cần Thơ...) nhiều lần tìm kiếm nhà cung cấp nông sản. Saigon Co.op thông qua các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, Tiền Giang, Lâm Đồng ký hợp đồng thu mua rau an toàn với một số hợp tác xã sản xuất rau tại đây. Tại TP.HCM, Saigon Co.op đã ký kết tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã Ngã Ba Dòng, Phước An, Thỏ Việt, Liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung; tại Tiền Giang có Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc, Hợp tác xã vú sữa Vĩnh Kim và tại Lâm Đồng có Hợp tác xã nông nghiệp Anh Đào, Nông trại Hồng Phong, Công ty Thảo Nguyên...
Ngoài BigC và Saigon Co.op, Metro Cash & Carry cũng đang mở rộng phạm vi hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tại các địa phương sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm ngày càng nâng cao tỷ lệ nông sản nội trong các siêu thị trong nước đồng thời xuất khẩu sang một số thị trường khác. Gần đây nhất, hệ thống này đã tổ chức hội nghị nhà cung cấp tại tỉnh An Giang để giúp nhà sản xuất địa phương có cái nhìn toàn diện về chất lượng sản phẩm và về vệ sinh an toàn thực phẩm “từ nông trại đến bàn ăn” đang được thiết lập dọc theo suốt chuỗi cung ứng của Metro.
Ông William Savage- Giám đốc Mua hàng của Metro Việt Nam- cho biết: Trong quá trình xây dựng chuỗi cung ứng tại một thị trường nội địa, Metro huấn luyện và giúp nhà sản xuất địa phương làm quen để có thể cung cấp và hội nhập vào các kênh thương mại hiện đại. Ngoài ra hệ thống còn đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển để bảo quản hàng trước khi đưa tới tiêu thụ tại hệ thống. Tất cả việc mua bán giữa Metro và nông dân đều không qua thương lái. Metro cũng có kế hoạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, chủ yếu vào hệ thống Metro trên toàn thế giới, cũng dựa vào nguồn nguyên liệu mà họ hợp tác đầu tư với nông dân.
Để hàng Việt chinh phục người tiêu dùng
Hiện nay, lượng hàng nông sản của Việt Nam chiếm tới 90% trong tất cả các hệ thống siêu thị trong cả nước. Đơn cử phải kể tới là Siêu thị BigC Huế, sau khi khai trương và đi vào hoạt động năm 2009, nơi đây đã trở thành một trong những điểm tham quan và mua sắm được nhiều người tiêu dùng tìm đến. Tại đây, bên cạnh những mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, điện máy điện lạnh, siêu thị đã dành riêng một khu vực để bày bán các loại hàng nông sản; đặc biệt là các loại nông sản được sản xuất trên địa bàn. Số lượng hàng thủy sản, thịt gia súc, gia cầm chiếm khá nhiều; trong đó có một số lượng lớn là hàng được nhập về từ các trại gia cầm, gia súc trên địa bàn. Tại các hệ thống khác của BigC ở miền Nam và Hà Nội, hàng đặc sản từng vùng cũng được trưng bày khá nhiều. Hiện nay, bình quân mỗi tháng có khoảng 1.400 tấn rau củ các loại của các hộ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực Đà Lạt, Đồng bằng sông Cửu Long, Buôn Ma Thuột được đưa tới tay người tiêu dùng thông qua BigC.
Theo nhận định của bà Nguyễn Quỳnh Nhất Ly, Giám đốc bán hàng công ty TNHH Thanh Sơn một nhà cung cấp hàng cho BigC: Trước đây công ty Thanh Sơn chỉ chú tâm xuất khẩu nhưng khi thấy được tiềm năng lớn của thị trường nội địa đã bắt tay và trở thành đối tác thân thiết với BigC. Hiện mỗi tháng có 80 tấn rau của quả các loại của công ty được tiêu thụ qua hệ thống này, mức giá bán cho siêu thị cũng cao hơn nhiều so với khi bán ở thị trường tự do, đồng thời sản phẩm cũng tạo dựng được chỗ đứng vững chắc hơn.
Trong khi đó, tại Saigon Co.op mỗi ngày có 40 tấn rau, củ và 50 tấn trái cây được tiêu thụ, trong đó 70% là thu mua từ Lâm Đồng, số còn lại từ các tỉnh khác trong cả nước. Theo bà Thục Quỳnh, để sản phẩm có thể vào siêu thị, chỉ cần chứng nhận rau củ quả an toàn ở trong nước là được. Nếu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế (EuroGAP, GlobalGAP) cho trái cây Việt Nam thì sẽ gây nhiều khó khăn cho nông dân. Thêm vào đó, chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để siêu thị quyết định có nhận sản phẩm của nhà sản xuất hay không. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm dù được công nhận bảo đảm an toàn nhưng chất lượng lại không đều, chẳng hạn như trái quýt có khi nhỏ như trái chanh, cà rốt thì giống như củ sâm... vì thế siêu thị này vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những hợp tác xã, nhà vườn có tiềm năng cung cấp nông sản chất lượng, ổn định bán cho hệ thống.
Đồng thời để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà vườn sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, Saigon Co.op đã cử cán bộ thường xuyên cung cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thông tin về nhu cầu tiêu thụ nông sản của người tiêu dùng cũng như xây dựng kế hoạch hợp tác đầu tư, ứng vốn sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản đảm bảo số lượng, chất lượng theo nhu cầu của Saigon Co.op. Vốn đầu tư cho các tỉnh dao động từ 2 đến 15 tỷ đồng.
Phía BigC cũng rất tích cực trong việc cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề, các hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ những thông tin hữu ích về quy trình thu mua hàng hóa và phương thức làm việc với các nhà phân phối lớn. Ngoài ra, siêu thị còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các nhà sản xuất vừa và nhỏ của các tỉnh, thành như TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Nghệ An,… nhằm thu hút nguồn hàng của các làng nghề, doanh nghiệp, đơn vị được sản xuất, chế biến ở trong tỉnh đưa vào siêu thị.
Hàng nông sản của Việt Nam chiếm 90% trong tổng lượng hàng tiêu thụ tại các siêu thị trên cả nước.
Theo Báo điện tử Công Thương