Cập nhật: 28/07/2010 15:03:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với mãi lực kinh doanh tăng trung bình khoảng 23%/năm. Xếp thứ 4/30 quốc gia hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ ngoại, thị trường trong nước đang hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo các "đại gia" trong ngành bán lẻ.

Thị trường tiềm năng

 

Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty CBRE Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2010, doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ theo giá thực tế tại Việt Nam tăng hơn 16% và gấp đôi so với cùng kỳ 2009.

 

Nguyên nhân là do thu nhập bình quân đầu người tăng và người tiêu dùng Việt Nam ngày càng lạc quan về thị trường lao động và nền kinh tế.

 

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1998, từ chật vật với một địa điểm bán hàng ban đầu, hiện Big C đã mở rộng lên 10 siêu thị trực tiếp kinh doanh, phân phối các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

 

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C, cho biết: "5 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ khai trương thêm một siêu thị nữa tại thành phố Vinh, Nghệ An. Hiện kinh doanh của BigC rất tốt và chúng tôi tin tưởng vào tương lai phát triển hơn nữa của doanh nghiệp.”

 

Hiện có khoảng 30 nhà bán lẻ nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, tập trung ở các loại hình trung tâm thương mại tổng hợp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, thực phẩm.

 

Khảo sát sơ bộ, hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả và đang mở rộng tầm hoạt động kinh doanh của đơn vị mình.

 

"Dự đoán của chúng tôi, tương lai sẽ ngày càng nhiều nhà bán lẻ cao cấp nhảy vào thị trường các bạn. Nguyên nhân là dân số Việt Nam trẻ và tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh. Ngoài quá trình công nghiệp hóa là sự tiến bộ về công nghệ, tầng lớp thu nhập trung bình và thu nhập cao đang gia tăng kéo theo sự thay đổi về lối sống, trong đó có xu hướng chuộng các thương hiệu nước ngoài," ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc CBRE cho biết.

 

"Sốt" mặt bằng bán lẻ

 

Đưa vào sử dụng cuối tháng 4/2010, dù giá cho thuê rất cao nhưng đến nay tòa nhà Vincom Center tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản lấp đầy hơn 90%. Tương tự, tại các khu vực trung tâm thành phố như Diamond, Sài Gòn Square, Parkson… tìm một địa điểm kinh doanh ưng ý là điều quá khó đối với không ít doanh nghiệp, khi hầu hết các nhà đầu tư đã đăng ký thuê lâu dài tại đây.

 

Hiện giá thuê bình quân tầng trệt và tầng 1 dao động ở mức 97-124 USD/m2/tháng, cao 2-3 lần so với giá thuê xa trung tâm.

 

"Giá thuê khu vực trung tâm liên tục tăng, trong khi giá thuê các khu vực khác giảm xuống, nhưng vẫn khó tìm khách hàng. Cá biệt có nơi cao nhất trong khu vực trung tâm đến 250 USD/m2/tháng, nhưng vẫn không có để mà thuê" - chị Ngọc kinh doanh tại một công ty xuất nhập khẩu than thở.

 

Theo các chuyên gia bất động sản, nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng gần 318.000 m2, phân bổ ở 24 trung tâm thương mại và trung tâm thương mại tổng hợp, trong đó tỷ lệ chỗ đã lấp đầy hơn 95%.

 

Dự kiến đến năm 2013, lượng cung sẽ tăng gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại. Đối mặt với thực trạng nguồn cung khu vực trung tâm có giới hạn, 3 năm tới diện tích bán lẻ ngoài trung tâm sẽ tăng hơn 10 lần với sự xuất hiện của các trung tâm thương mại quy mô lớn.

 

Nhiều địa điểm bán lẻ mới xuất hiện ở khu vực này như Quận 7 (Crescent Mall, Sunrise Shoppingmall), quận 2 (Metropolis)… hứa hẹn sẽ giúp thành phố giải quyết được bài toán "khát" mặt bằng bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực trung tâm./.

 

 

Báo Tin tức oline/Vietnam+

 

Tệp đính kèm