Rất nhiều loại hàng hóa thiết yếu đã bắt đầu những đợt tăng giá mới trong hoàn cảnh mùa mưa bão đã bắt đầu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, có rất nhiều yếu tố bất lợi đang diễn ra có khả năng ảnh hưởng mạnh đến tình hình giá cả ngay trong tháng 8.
Giá xăng đã bắt đầu được bật đèn xanh để DN có thể được điều chỉnh sau thời hạn khống chế 7-6 đã qua, nhưng không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng.
Giá Viện phí, dù Bộ Y tế tuyên bố tạm dừng dự thảo tăng viện phí để lấy ý kiến nhân dân, nhưng không trước thì sau cũng sẽ tăng.
Giá thuốc chữa bệnh, bất chấp những nỗ lực trên giấy tờ của Cục Quản lý giá, vẫn liên tục có những đợt tăng và giá thành thuốc chữa bệnh thực tế đang cao gấp ít nhất 5 lần giá thế giới.
Và Đặc biệt là giá sữa, lại một lần nữa giá sữa được điều chỉnh tăng, tới 10% và là lần “điều chỉnh” thứ 3 chỉ trong 7 tháng qua.
CPI tháng 7 tăng giảm bất thường nhất trong suốt 24 tháng qua với những tín hiệu âm dương, tăng giảm ngược chiều tại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Ở khía cạnh đời sống, giá lương thực, thực phẩm, giá rau xanh được điều chỉnh tăng do mất cân đối cung - cầu. Khi thì lý do là vì trời quá nóng. Lúc là do ảnh hưởng bởi bão, bởi lụt lội.
Hà Nội đang dự kiến tăng học phí. Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn thu phí môi trường vào xăng.
Ở nông thôn, bất chấp các quyết định mua tạm trữ muối và lúa gạo, nông dân vẫn không bán được. “Nông dân buộc phải lãi 30%”- Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định với một con số được ấn định cụ thể. Nhưng trong thực tế thì sao? Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng khẳng định: Nông dân khó bán được lúa gạo theo giá chỉ đạo. Nông dân rất nhiều tỉnh đã phải bán lúa thấp hơn giá thành sản xuất vì cần tiền cho nông vụ mới. Muối, một mặt hàng bình ổn khác, cũng đang ế ẩm khi DN mua cầm chừng.
Và thông tin mới nhất là Bộ Công thương đã cho phép nhập khẩu 100 ngàn tấn đường với lập luận đường sản xuất không đủ nhu cầu trong nước. Bài học của những lần nhập đường trước cho thấy hoàn toàn xảy ra tình trạng hoặc sốt nóng giá đường hoặc đường rớt giá thảm hại trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, có rất nhiều yếu tố bất lợi đang diễn ra có khả năng ảnh hưởng mạnh đến tình hình giá cả ngay trong tháng 8. Tình hình nắng nóng kéo dài ở các tỉnh phía Bắc vào thời điểm đầu vụ đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất nông nghiệp của hàng loạt địa phương. Một số tỉnh có diện tích gieo cấy lúa mùa đạt thấp so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa bằng 94,3%; Thái Nguyên 85,7%; Lạng Sơn 78,5%; Hải Phòng 77%; Bắc Kạn 30%... Ngoài ra, sâu bệnh xuất hiện và phát triển tại một số địa phương đã làm một số diện tích lúa Hè Thu và mùa sớm bị nhiễm bệnh. Trong đó vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long có gần 300 nghìn ha lúa nhiễm rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Chăn nuôi trâu, bò thời gian qua gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến hiện tượng trâu, bò chết rải rác tại một số địa phương như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi. Chăn nuôi lợn tuy có xu hướng tăng lên nhưng tốc độ phát triển còn chậm do tâm lý lo ngại dịch tai xanh. Hiện thứ dịch bệnh này, sau khi lắng dịu vào cuối tháng 6, đã bùng phát trở lại tại các tỉnh ĐBSCL. Hiện nay có tới 10 tỉnh còn dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
Tổng cục Thống kê vừa đưa ra khuyến nghị cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả, đi đôi với việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, không để tình trạng tăng giá bất hợp lý. Trong đó đặc biệt thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên và kiểm soát chi phí đầu vào của các sản phẩm hàng hoá, đồng thời thực hiện nghiêm việc đăng ký, kê khai giá đối với một số mặt hàng như: Sữa, sắt thép. Khẩn trương hoàn thiện các văn bản về tăng mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm về giá để giữ ổn định giá thị trường.
Rõ ràng là không thể chủ quan với những diễn biến bất thường về giá
Theo Báo điện tử Đại đoàn kết