Sau 1 năm phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có 58% người Việt quan tâm đến hàng Việt, so với 23% ở thời điểm cuối năm 2009.
Trước đây, các nhà sản xuất trong nước chỉ quan tâm đến mở rộng thị trường xuất khẩu mà không mặn mà với thị trường trong nước. Bởi thế nên mới có chuyện: cái gì ngon, tốt, đẹp ta mang xuất khẩu, còn sản phẩm kém chất lượng hơn thì để lại tiêu thụ trong nước. Một phần tâm lý sính ngoại của người dân cũng là vì không được tiêu dùng những sản phẩm chất lượng do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007, thị trường thế giới co hẹp, nhiều doanh nghiệp mới như bừng tỉnh, quay lại sân nhà, dù duy trì được sản xuất nhưng rất vất vả và lúng túng khi thị trường nhà vừa quen lại vừa lạ.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự tạo ra một cách nhìn mới cho toàn xã hội, không chỉ vận động người tiêu dùng Việt ưu tiên, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt, mà còn tác động tới tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương và định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp. Sau 1 năm, đã có tới 58% người Việt quan tâm đến hàng Việt, so với 23% ở thời điểm cuối năm 2009.
Theo GD&TĐ Online