Cập nhật: 06/08/2010 15:37:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

 “Hình ảnh một đất nước Việt Nam chủ động về an ninh lương thực và còn là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là một mô hình mà nhiều nước châu Phi, vốn rất giàu tài nguyên đất canh tác, mong muốn được học tập”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng khẳng định như vậy và cho biết thêm: “Trong bối cảnh bảo đảm an ninh lương thực đang là đòi hỏi cấp bách của nhiều nước châu Phi, việc đẩy mạnh các mô hình hợp tác hai, ba, bốn bên trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục là hướng triển khai lớn trong thời gian tới”.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng cũng cho rằng “Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm và tham gia tích cực  các dự án phát triển, tái thiết châu Phi, nhất là trên các lĩnh vực nước bạn có nhu cầu cấp thiết như giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông, nhà ở, cầu đường, trường học, bệnh viện... qua đó đẩy mạnh trao đổi chuyên gia, cung cấp lao động Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho bạn trong các dự án phát triển tại châu Phi”.

 

Ưu tiên phát triển nông nghiệp

 

Chính phủ các nước Châu Phi luôn quan tâm tới việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật làm thay đổi diện mạo và cách nhìn về một châu Phi nghèo đói và bệnh tật.

 

Theo các chuyên gia, nông nghiệp kém phát triển là một trong những nguyên nhân làm cho châu Phi không thể phát huy hết những tiềm năng sẵn có trong nền kinh tế thế giới.

 

Theo Tổ chức NEPAD, châu Phi không những phải nhập khẩu thực phẩm mà có 30 triệu người luôn trong tình trạng cần hỗ trợ khẩn cấp, 200 triệu người thường xuyên bị đói. Tính theo đầu người, các sản phẩm nông nghiệp của châu Phi đã giảm 5% trong vòng 20 năm so với sự phát triển 40% của nhiều nước.

 

“Nông nghiệp là con đường thoát đói nghèo của châu lục này và châu Phi hoàn toàn có thể thoát đói nghèo nếu các nước đầu tư lớn hơn vào nông nghiệp và xây dựng quan hệ đối tác với khu vực kinh tế dân doanh một cách có trách nhiệm và cởi mở” - Chủ tịch Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD) của Liên Hợp Quốc, ông Lennart Bage, đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Kinh thế giới về châu Phi diễn ra ở thủ đô Dar es Salaam của Tanzania hồi tháng 4/2010.

 

Các chuyên gia cũng cho rằng, các nước châu Phi cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp vì đây là ngành kinh tế mũi nhọn tạo ra nhiều việc làm nhất. Lĩnh vực nông nghiệp châu Phi cần số vốn đầu tư khoảng 40 tỷ USD để thay đổi tình trạng phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu lương thực như hiện nay. Mỗi năm các nước châu Phi phải chi 18 tỷ USD nhập khẩu lương thực.

 

Cần sự hỗ trợ từ Việt Nam

 

Từ một nước phải nhập gạo, hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí “top” và có thể chiếm vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trước năm 2015. Sự thay đổi này ảnh hưởng sâu sắc tới một số nước có nền nông nghiệp kém phát triển, đặc biệt là châu lục có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Châu Phi.

 

Châu Phi đánh giá cao những thành tựu và kinh nghiệm của Việt Nam trong xây dựng và phát triển kinh tế, nhất là về nông nghiệp.

 

Bạn bè châu Phi tìm thấy ở Việt Nam một người bạn, một đối tác tin cậy và chân tình. Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế như FAO, Diễn đàn hợp tác Á - Phi (NAASP) và nhiều nước châu Phi chọn làm hình mẫu để học tập và làm đối tác trong mô hình hợp tác hai bên, ba bên ở châu Phi.

 

Với Việt Nam, tuy chưa có những điều kiện kinh tế - tài chính làm đòn bẩy cho hợp tác với châu Phi, nhưng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các bạn châu Phi kinh nghiệm trong xoá đói, giảm nghèo, thông qua tất cả những hình thức hợp tác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp...

 

Sau các cuộc đối thoại hợp tác tại châu Phi của các chuyên gia Việt Nam, nhiều dự án, hiệp định hợp tác nông nghiệp đã được ký kết.

 

Hiện nay, một số nước đã chính thức đề nghị mở rộng hợp tác bằng cách đưa nông dân Việt Nam sang Châu Phi, triển khai các chương trình sản xuất lúa và chế biến tại chỗ.

 

Trong một cuộc hội thảo quốc tế về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi, Tiến sĩ Greg Mills - Giám đốc Quỹ Brenhurst, một quỹ về hợp tác với Châu Phi - bày tỏ mong muốn Việt Nam giúp nông nghiệp Châu Phi đạt được những thành tựu như Việt Nam.

 

Hiện Việt Nam có khoảng 30 chuyên gia nông nghiệp đang làm việc tại một số quốc gia châu Phi như Benin, Mali, Mozambique, Guinea Conakry…

 

Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện hợp tác song phương theo mô hình đầu tư tổng hợp để cùng người dân các nước châu Phi phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

 

Về hợp tác giáo dục, y tế, hiện 201 chuyên gia giáo dục Việt Nam đang có mặt tại 8 nước châu Phi và 270 chuyên gia y tế đang làm việc tại Angola, Mozambique và Algeria.

 

Đồng thời, Việt Nam cũng chú trọng giúp đỡ các nước châu Phi phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản thông qua một số chương trình đào tạo đại học, đào tạo ngắn hạn cho chuyên gia và kỹ thuật viên.

 

Hiện đang có hàng nghìn lao động Việt Nam tham gia vào các dự án phát triển tại Algeria và Lybia. Hợp tác giữa Việt Nam và một số nước châu Phi trong lĩnh vực năng lượng, bưu chính – viễn thông cũng đang từng bước được đẩy mạnh.

 

Năm 2005, Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đã xác định Việt Nam là một đối tác chủ yếu trong hợp tác Nam – Nam dựa trên tiêu chí khai thác tiềm năng, chia sẽ những kinh nghiệm và phương thức thực hành tốt nhất trong sản xuất nông nghiệp.

 

Thành quả ban đầu

 

Chính phủ Việt Nam đã thông qua một loạt biện pháp nhằm tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, hỗ trợ phát triển nông thôn tại châu Phi như: giới thiệu các giống cây trồng và vật nuôi mới, đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ tái trồng rừng, bảo vệ môi trường, hoạt động về mục đích an ninh lương thực cũng như giảm nhẹ tác động của thiên tai.

 

Các chuyên gia Việt Nam giúp nông dân Châu Phi xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực thuỷ lợi, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi ong, thuỷ sản, chế biến nông sản, cơ khí nhỏ và biên soạn tài liệu khoa học, đào tạo.

 

Mô hình sản xuất nông nghiệp như thâm canh cây lúa, mở rộng nuôi tôm, nuôi lợn cũng như áp dụng công nghệ chế biến, đặc biệt là mô hình sản xuất lúa gạo, đã được các chuyên gia Việt Nam thí điểm ở Senegal đem lại hiệu quả cao giúp nông dân nơi đây gia tăng giá trị các loại rau quả.

 

Hợp tác Nam - Nam ở Senegal được xem như là một hình mẫu để thực hiện chương trình an toàn lương thực ở các nước khác trên thế giới.

 

FAO đã phối hợp với các kỹ thuật viên Việt xây dựng hệ thống thuỷ lợi cho nông dân, phục vụ nhu cầu giữ và cung cấp nước cho các hộ nông dân nuôi trồng và sinh hoạt hàng ngày.

 

Chính phủ các nước châu Phi coi việt Nam là đối tác tin cậy về dự án trồng lúa nước với những kết quả khả quan. Ở các vùng thí điểm, năng suất lúa liên tục tăng từ 5,5 tấn lên 6,5 – 7 tấn/ha. Các vụ rau màu cũng tăng tối thiểu từ 30-50%.

 

Năm 1998, dự án Telefood do các chuyên gia Việt đảm nhận đã góp phần đẩy lùi nạn đói và suy dinh dưỡng, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân vùng Kabatekenda. Nhờ áp dụng các quy trình kỹ thuật và các loại giống mới do chuyên gia Việt Nam hướng dẫn, các sản phẩm nông nghiệp như: dưa chuột, cà tím, khoai lang, dưa hấu, đu đủ… đã có vụ mùa bội thu.

 

Các dự án trồng điều và các loại rau hợp thổ nhưỡng giữa Pumalanga và Việt cũng đang được xúc tiến thực hiện.

 

Các chuyên gia Việt đang tiếp tục đưa những dự án phát triển chăn nuôi gia cầm với phương pháp thực hiện và kỹ thuật đơn giản có khả năng sinh lợi nhất cho nông dân.

 

Nhiều ngành nghề mới như: khai thác nước ngọt, nuôi gà lai giống Pháp, nuôi ong cũng được các chuyên gia Việt thực hành và phổ biến kinh nghiệm cho nông dân một số nước châu Phi. Chuyên gia Việt cũng đã giúp các nông dân châu Phi cách chế biến thực phẩm từ cá làm thành mắm và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu.

 

Bằng kinh nghiệm của mình, các kỹ thuật viên Việt Nam còn hướng dẫn người dân châu Phi đóng thuyền, đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ sản… rồi chế tạo cối giã đạp chân nhằm làm giảm sức lao động cho phụ nữ Châu Phi được triển khai từ 1997, đang được áp dụng thường xuyên và đạt hiệu quả cao.

 

Việt Nam có tiềm năng giúp các nước châu Phi cải thiện chính sách nông nghiệp cũng như có thể giúp người nông dân châu Phi cải tiến việc quản lý nguồn tài nguyên thông qua các biện pháp chính sách hợp lý như cải cách ruộng đất, thực hiện các công nghệ quản lý nguồn nước…

 

Trong nhiều năm tới, nông nghiệp sẽ tiếp tục là hướng triển khai lớn trong hợp tác Việt Nam -  châu Phi./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm