Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6-4-2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010 đã giao cho Ngân hàng Nhà nước: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng hoạt động của từng tổ chức tín dụng và của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng để có phương án xử lý kịp thời khi cần thiết.
Từ đầu năm đến nay, sản xuất của các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lợi nhuận thấp, đặc biệt là khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ gần đây các thành viên Chính phủ đã đánh giá: Nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, thị trường bất động sản có những biểu hiện bất thường, tình trạng thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp. Do đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phải theo dõi sát tình hình để điều chỉnh chính sách kịp thời, nhất là các chính sách liên quan tiền tệ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện các biện pháp giảm lãi suất tín dụng, rà soát bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế, kiểm soát tăng dư nợ tín dụng trên cơ sở bảo đảm an toàn nguồn vốn, kiểm soát cho việc cho vay tín dụng bất động sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ nhà đất. Như vậy trên thị trường tài chính tiền tệ hiện nay có hai vấn đề đang đặt ra:
Thứ nhất, về giảm lãi suất tín dụng. Làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa lợi ích ngân hàng và lợi ích của DN. Thực tế kinh doanh của các DN vẫn khó khăn hơn nhiều so với hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại (NHTM). Việc giảm lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn của ngân hàng (NH), và phải tính toán kỹ khoảng cách chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra để NH có lợi nhuận, để bù đắp được các khoản chi phí. Việc giảm lãi suất tín dụng không những giúp cho DN hấp thụ được vốn ngân hàng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển mà còn là cơ sở để ổn định thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, vì khi có lượng hàng hóa cung ứng dồi dào, phong phú về các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm để không tạo ra những "cơn sốt" đột biến về cung cầu hàng hóa từ đó làm cho thị trường trong nước luôn luôn được ổn định.
Nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Vì vậy các NHTM cũng là DN được tự chủ về tài chính ngoài việc tự hạch toán đầu vào, đầu ra còn phải chịu sự tác động của chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước và các quy luật kinh tế. Trước hết là quy luật lưu thông tiền tệ yêu cầu khối lượng tiền cần thiết trong lưu thông phải phù hợp khối lượng hàng hóa trong lưu thông, nghĩa là giá cả phải ổn định, đồng tiền không bị mất giá, đời sống của những người làm công ăn lương được bảo đảm, tiền lương danh nghĩa phù hợp tiền lương thực tế. Ðây là một trong những yếu tố để ổn định tiền tệ, ổn định sức mua của đồng tiền không để tái lạm phát. Không những thế, nó còn chịu sự điều tiết của quy luật giá trị giữa nhà kinh doanh tiền tệ và các nhà sản xuất thông qua kênh phân phối lợi nhuận. Nếu để lợi nhuận của NH chênh lệch quá xa so với lợi nhuận của DN thì không kích thích được sản xuất. Ðiều này các NHTM cũng phải chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, bảo đảm an sinh xã hội. Mục tiêu này đã được chỉ đạo rất chặt chẽ, xuyên suốt từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo, bởi khi nền kinh tế ổn định thì các DN, hộ kinh doanh mới mạnh dạn đầu tư làm cho lực lượng sản xuất phát triển. Ðồng thời thiết lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới giữa các DN, hộ kinh doanh với Nhà nước nói chung và với NH nói riêng. Về phía các NHTM trong những tháng cuối năm phải có những biện pháp tích cực để vừa giảm được lãi suất huy động, vừa giảm được lãi suất cho vay; khoảng cách đầu vào và đầu ra cũng sẽ phải giảm và nó sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của NHTM.
Thứ hai, về kiểm soát cho vay tín dụng bất động sản. Ðặc điểm của đối tượng cho vay này là các NH cho vay vốn để các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu thật sự để mua nhà ở, đất ở, căn hộ mà phần lớn là tập trung ở khu vực thành phố, thị xã tập trung đông dân cư, khu đô thị mới, trong đó, có các đối tượng học sinh, sinh viên mỗi năm ra trường hàng triệu người không về quê mà trụ lại tìm việc làm ở thành phố. Dòng người di cư về thành phố làm cho nhu cầu về nhà ở hằng năm tăng rất nhanh, giá cả nhà đất tăng lên chóng mặt.
Về phía các NHTM, do nhu cầu mở rộng kinh doanh, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, sản phẩm dịch vụ rất đa dạng. Riêng tín dụng cho vay rất nhiều chủng loại để khách hàng tự lựa chọn như cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh, cho vay tiêu dùng mua ô-tô theo phương thức trả góp. Nhiều ngân hàng cổ phần có đến 12, 13 loại sản phẩm cho vay như Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) có các sản phẩm cho vay: trả góp mua nhà, nền nhà; trả góp để xây dựng, sửa chữa nhà; mua căn hộ các dự án bất động sản, thế chấp bằng căn hộ mua.
Với đối tượng và sản phẩm cho vay của các NH rất linh hoạt và thuận lợi nhưng có thể nói khối lượng tiền đưa ra lưu thông chủ yếu cho lĩnh vực sinh hoạt tiêu dùng khá lớn. Ðặc điểm của loại đối tượng cho vay này là thời gian thu hồi vốn lâu, người vay tiền mua căn hộ không dễ dàng có tiền trả cho ngân hàng trong thời gian ngắn mà họ phải trích từ thu nhập thường xuyên để trả. Nếu tất cả các NHTM đều cho vay thì lượng tiền trong lưu thông rất lớn, gây sức ép đối với giá cả vật tư hàng hóa, là nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Hơn nữa nền kinh tế nước ta đang từng bước ổn định, trên đà phát triển, vì vậy hạ lãi suất "đầu vào" để hạ lãi suất "đầu ra" đi đôi với kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với thị trường bất động sản là rất cần thiết để ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát. Khi tiền tệ ổn định, không mất giá thì người dân không có tư tưởng đầu tư vào nhà đất mà họ có thể yên tâm gửi tiền vào ngân hàng hoặc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
ÐỂ thực hiện lộ trình giảm lãi suất trong thời gian tới, các NHTM cần rà soát lại các hợp đồng tín dụng, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh để giải ngân kịp thời, giúp cho DN sớm được vay vốn. Ðặc biệt là không được tính thêm bất kỳ khoản chi phí nào khi DN có nhu cầu xin vay. Về phía DN, cần sớm phát hành trái phiếu chuyển đổi, đây là hình thức huy động vốn trên thị trường tốt nhất. Việc hạ lãi suất huy động, các NHTM cần chấm dứt ngay hoạt động khuyến mại khi khách hàng gửi tiền, vì mục đích kéo khách hàng vào NH. Việc giảm lãi suất huy động sẽ làm giảm lượng tiền gửi vào ngân hàng, gây khó khăn cho một số NH đang thật sự khó khăn về vốn, nhưng không để xảy ra tình trạng người dân rút tiền ở chỗ lãi suất thấp đi gửi ở nơi có lãi suất cao.
Về lâu dài, để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, trong lĩnh vực đầu tư tín dụng của NH cần phân định rõ lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật chất và đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất vật chất. Nên quy định tỷ trọng của mỗi lĩnh vực này chiếm bao nhiêu thì vừa phải, bảo đảm sự cân đối giữa khối lượng hàng hóa và khối lượng tiền tệ trong lưu thông. Ðây cũng là yêu cầu khách quan để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Trong những năm tới cần chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực sản xuất vật chất, giảm tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực phi sản xuất, cùng với các nguồn vốn đầu tư khác của nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam