Cập nhật: 14/08/2010 09:54:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Châu Phi bao gồm 54 quốc gia, có dân số khoảng một tỷ người và là lục địa lớn thứ ba trên thế giới (sau châu Á và châu Mỹ) với diện tích hơn 30 triệu km2.

Châu Phi có nguồn tài nguyên tự nhiên rất phong phú với nhiều nguyên liệu quan trọng và trữ lượng lớn trên thế giới. Trong 50 loại khoáng sản chủ yếu của thế giới, châu Phi đứng đầu với 17 loại về trữ lượng: 90% kim cương (tập trung ở CHDC Công-gô, Nam Phi, Na-mi-bi-a, Ăng-gô-la, Ga-na), 87% cô-ban (CHDC Công-gô), 67% vàng, hơn 70% măng-gan và phốt-phát, 37% u-ra-ni, 87% li-thi-um, 54% crôm, 21% đồng và bô-xít... Ngoài ra, châu Phi còn có trữ lượng lớn về dầu mỏ và khí đốt ở An-giê-ri, Ni-giê-ri-a, Ăng-gô-la, Li-bi, Ga-bông, CH Công-gô...      

 

Sau khi giành được độc lập khỏi chế độ thực dân, các nước ở châu Phi đã tập trung tiến hành những cải cách về chính trị, kinh tế và mở cửa với bên ngoài. Một số nước châu Phi đã có những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế, tình hình chính trị từng bước đi vào ổn định. Tăng trưởng GDP của châu Phi giai đoạn 2000 - 2006 đạt bình quân 5%/năm. Trong năm 2007 - 2008, tăng trưởng kinh tế của châu Phi đạt 6%. Năm 2009, do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, GDP của châu Phi chỉ đạt 2,8%. Theo IMF, năm 2010 sẽ là năm các nước ở châu Phi phục hồi nhanh chóng nền kinh tế và dự báo GDP của châu lục này có thể đạt hơn 4%.

 

Thời gian gần đây, trao đổi thương mại của các nước châu Phi duy trì mức tăng trưởng khá và ổn định. Giai đoạn 2000 - 2006, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 18% và nhập khẩu đạt hơn 12%, lần đầu đạt mức cao hơn so thế giới và đây là một tín hiệu khởi đầu tốt đẹp cho thị trường châu Phi trong khi các thời kỳ trước châu Phi luôn đạt mức tăng trưởng thấp hơn so thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của hầu hết các nước châu Phi tập trung vào ba nhóm. Nhóm thứ nhất, hàng khoáng sản và nhiên liệu (châu Phi là lục địa xuất khẩu lớn nhất thế giới về các loại khoáng sản như vàng, kim cương, crôm, măng-gan...). Nhóm thứ hai, các sản phẩm chế biến hoặc chế tạo (chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến, các sản phẩm điện, cơ khí loại nhỏ...). Nhóm thứ ba, hàng nông sản (với các sản phẩm chính là cà-phê, ca-cao, hạt điều thô, chè....). Hàng nhập khẩu của các nước ở châu Phi chủ yếu gồm: các sản phẩm chế tạo, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, các sản phẩm điện - điện tử, cơ khí, các sản phẩm công nghệ cao, hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân (hàng dệt may, thực phẩm chế biến, dược phẩm, hàng tiêu dùng), nhóm hàng khoáng sản, nhiên liệu (chủ yếu là dầu thô), nhóm hàng nông sản (chủ yếu là lương thực, thực phẩm).

 

Quan hệ kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi

 

Việt Nam và các nước châu Phi có quan hệ truyền thống tốt đẹp. Việt Nam và nhiều nước châu Phi đều trải qua thời kỳ bị đô hộ và phải trải qua các cuộc đấu tranh gian khổ để giành độc lập tự do cho dân tộc mình. Vì thế, hai bên có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và trình độ phát triển, hiểu biết lẫn nhau. Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi là việc tổ chức "Hội thảo Việt Nam - châu Phi: Cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21" tại Hà Nội vào tháng 5-2003. Hội thảo thật sự đã đánh một dấu mốc mới quan trọng trong quan hệ giữa nước ta với các nước châu Phi. Hội thảo này đã đưa ra bốn phương hướng trong quan hệ với các nước châu Phi trong đó "Ưu tiên thúc đẩy và mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác song phương, đa phương trước hết về các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, lao động, chuyên gia, thông tin..., tăng cường hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mỗi nước, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân". Trong năm 2004, lần đầu chính phủ ta đã xây dựng "Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004-2010".  Ðây là một chương trình tổng thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai bên cho giai đoạn 2004-2010. Tháng 3-2009, Bộ Công thương đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2008-2010, trong đó chú trọng  việc tăng cường, đẩy mạnh trao đổi thương mại và hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam với một số thị trường trọng điểm tại châu Phi.

 

Thời gian qua, Việt Nam và các nước châu Phi đã tăng cường trao đổi nhiều đoàn cấp cao nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ và tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại và hợp tác giữa hai bên. Ngoài ra, nhiều đoàn cấp bộ trưởng và lãnh đạo bộ, ngành giữa hai bên cũng sang thăm, làm việc. Ðến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật với Bê-nanh, Ghi-nê, Ghi-nê Bít-xao, Ma-li, Ga-bông, Buốc-ki-na Pha-xô, Xê-nê-gan, CH Sát, Tuy-ni-di, An-giê-ri, Xu-đăng, Ai Cập, Công-gô, Li-bi, Ru-an-đa, Na-mi-bi-a, Ăng-gô-la; ký Hiệp định thương mại song phương với 15 nước châu Phi là Ghi-nê, Ghi-nê Xích đạo, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Li-bi, Ai Cập, An-giê-ri, Tuy-ni-di, CH Nam Phi, Ni-giê-ri-a, Ma-rốc, Dim-ba-bu-ê, Tan-da-ni-a, CH Công-gô, Na-mi-bi-a; thành lập một số Ủy ban Hỗn hợp/Ủy ban Hỗn hợp Thương mại để thúc đẩy hợp tác  với các nước như: Ai Cập, Tuy-ni-di, Nam Phi để thúc đẩy hợp tác chuyên ngành với các nước này. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO, hàng xuất khẩu của Việt Nam càng có điều kiện thuận lợi sang chiếm lĩnh các thị trường này. Trước đây, Việt Nam mới có MFN với 13/54 nước châu Phi nhưng kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hóa của Việt Nam đã có thêm 37 thị trường mới được hưởng thuế suất ưu đãi của MFN (có sáu nước châu Phi chưa là thành viên của WTO, trong đó có hai nước đã dành MFN cho nước ta). Mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước châu Phi không ngừng được tăng cường mở rộng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động trao đổi hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp tại các nước : Ni-giê-ri-a, Ma-rốc,

 

Ai Cập, Li-bi, An-giê-ri, Tan-da-ni-a, Nam Phi, Ăng-gô-la...; trong đó hiện nay đã có năm cơ quan Thương vụ tại các nước Ai Cập, Ma-rốc, An-giê-ri, Nam Phi và Ni-giê-ri-a. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường châu Phi đã được Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan tích cực triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp xâm nhập thị trường và giao dịch, mở rộng hợp tác kinh doanh với các bạn hàng ở châu Phi. Tháng 10-2004, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - châu Phi đã được thành lập. Tháng 9-2005, Cổng thương mại điện tử Việt Nam - châu Phi đã được thành lập và đi vào hoạt động với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi tiếp cận, giao dịch có hiệu quả. Tháng 4-2007, tổ chức Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi - Trung Ðông. Nhiều chương trình khảo sát thị trường châu Phi, tham gia hội chợ triển lãm tại một số nước ở châu Phi cũng như tổ chức hội thảo giới thiệu thị trường và hội thảo với các doanh nghiệp châu Phi tại địa bàn sở tại (như tại Ăng-gô-la, Nam Phi, Ni-giê-ri-a, Cốt Ði-voa, Ma-rốc, Ai Cập).

 

Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Phi tăng trưởng khá nhanh, đạt trung bình 31% trong giai đoạn 2001-2007. Trị giá tuyệt đối tăng từ 218,1 triệu USD năm 2001 lên hơn hai tỷ USD năm 2010, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi đạt 1,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 508 triệu USD.  Ðến nay, Việt Nam đã có trao đổi  thương mại với hầu hết các quốc gia tại châu Phi. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi trong năm 2009 là gạo trị giá gần 700 triệu USD, tiếp theo là hàng dệt may, điện tử và linh kiện, sản phẩm cao-su, hạt tiêu, giày dép, cà-phê. Các loại hàng hóa này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ châu Phi gồm bông thiên nhiên, hạt điều thô, hóa chất, gỗ, phân bón, các khoáng sản và kim loại.

 

Triển vọng hợp tác trong thời gian tới

 

Với dân số đông và trình độ phát triển khác nhau, trong thời gian tới, châu Phi vẫn là thị trường rộng lớn và có nhu cầu đa dạng về hàng hóa sản xuất và tiêu dùng. Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế khả quan, đời sống chính trị từng bước đi vào ổn định, các chính sách hội nhập vào nền kinh tế thế giới của các nước châu Phi trong những năm gần đây cho thấy, châu Phi là một thị trường nhiều tiềm năng mà Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác, mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai bên. Một số thị trường cụ thể có nhiều triển vọng đối với mở rộng và tăng cường trao đổi các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam cũng như tăng cường hoạt động hợp tác công nghiệp giữa hai bên. Ðó là: Ai Cập, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hải sản, hạt tiêu, cà-phê, đồ điện và điện tử, thiết bị cơ khí, hàng dệt may, cơm dừa, giày dép. An-giê-ri, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có khả năng tiêu thụ tốt tại thị trường này là gạo, hạt tiêu, cà-phê, săm lốp, giày dép, máy móc thiết bị, đồ gỗ, vật liệu xây dựng... Li-bi, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, hàng dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ. Cốt Ði-voa, mặt hàng tiếp tục có khả năng tăng cường xuất khẩu vào thị trường này là: gạo, thực phẩm chế biến, hàng dệt may, đồ điện. Xê-nê-gan, tiếp tục là một trong những nước nhập khẩu quan trọng của Việt Nam ở châu Phi, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: gạo, chè, hạt tiêu, máy nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may... Ni-giê-ri-a, các mặt hàng nhập khẩu chính của nước này là: máy móc thiết bị, hóa chất, phương tiện vận tải, hàng công nghiệp chế biến, thực phẩm và các mặt hàng nông nghiệp. Ga-na, các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này là: gạo, hàng dệt may, máy móc thiết bị, hạt tiêu. Nam Phi, là thị trường chủ lực của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào châu Phi trong thời gian tới. Với vị trí chiến lược và vai trò cửa ngõ vào miền nam châu Phi, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thị trường này làm cầu nối thâm nhập vào thị trường các nước châu Phi ở chung quanh. Ăng-gô-la, hiện có cộng đồng khoảng chục nghìn người Việt Nam đang sinh sống, đó là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

 

Từ ngày 17 đến 18-8 tới, Hội thảo Quốc tế Việt Nam - châu Phi lần thứ hai với chủ đề "Việt Nam - châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững" được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Trong khuôn khổ Hội thảo này, Bộ Công thương sẽ chủ trì tổ chức Phiên chuyên đề "Hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng và đầu tư giữa Việt Nam và châu Phi". Dự kiến, có khoảng gần 40 đoàn đại biểu các nước châu Phi, tổ chức quốc tế, các nhà ngoại giao châu Phi, cùng các doanh nghiệp châu Phi sẽ sang tham dự sự kiện này. Ðây là một cơ hội tốt để các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam cùng với các đối tác ở châu Phi trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn và cởi mở nhằm mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác song phương, đa phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, công nghiệp, lao động...

 

Với một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng, cùng với chính sách tăng cường và mở rộng hợp tác của Ðảng và Nhà nước ta với châu Phi, sự nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp... chúng ta tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi ngày càng phát triển bền vững.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm