Giàu tài nguyên nhưng nền công nghiệp yếu kém, châu Phi là địa bàn tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế. Ông Lý Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi (Bộ Công Thương) đưa ra 10 lĩnh vực Việt Nam có thể tạo đột phá để mở rộng hợp tác với châu Phi
Để đánh giá lại hiện trạng hợp tác kinh tế thời gian qua và bàn các biện pháp tạo đột phá trong hợp tác Việt Nam - châu Phi trên các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, thương mại, năng lượng và lao động... nhằm xác định mô hình hợp tác thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, từ 17 – 19/8 , Hội thảo Quốc tế Việt Nam – Châu Phi lần 2 với chủ đề “Việt Nam – Châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Lý Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), Nhà nước đang có những chủ trương, quyết sách mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam- châu Phi thông qua Chương trình hành động quốc gia 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo đó nhiều công cụ pháp lý, tài chính, khuyến khích đầu tư sang châu Phi sẽ được ban hành.
Một yếu tố nữa vô cùng thuận lợi là các nước châu Phi luôn giành cho Việt Nam sự ngưỡng mộ, niềm tin cũng như tình cảm hữu nghị đặc biệt. Đây là những yếu tố thuận lợi sẽ đưa công nghiệp Việt Nam hội nhập, sát cánh cùng các nước châu Phi.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam
Châu Phi nổi tiếng về nhiều tài nguyên quan trọng và phong phú (chiếm 9,5% trữ lượng dầu, 8,2% trữ lượng khí đốt, 90% trữ lượng cô-ban, 90% platin, 50% vàng, 98% crôm, 64% măng-gan, 33% uranium của thế giới).
Tuy nhiên, theo ông Lý Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), công nghiệp châu Phi được xếp hàng lạc hậu nhất thế giới. Trừ dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản tương đối phát triển ở một số nước, các ngành công nghiệp còn lại không đáp ứng được nhu cầu của châu lục, thiếu sức cạnh tranh quốc tế. Tỷ trọng bình quân sản lượng công nghiệp trong GDP của châu Phi mới đạt 25%.
Trong khi đó, tăng trưởng công nghiệp của hầu hết các nước châu Phi trong những năm gần đây liên tục đi xuống. Các công ty trong lĩnh vực công nghiệp châu Phi nhỏ, yếu về tài chính, lạc hậu về công nghệ.
Ông Hùng phân tích, chính sách mở cửa từ những năm 1990, các sản phẩm công nghiệp nước ngoài đã giết chết hoặc làm tê liệt nhiều xí nghiệp trong nước, đã đẩy nền công nghiệp châu Phi non trẻ trở về trạng thái tụt hậu, cạnh tranh kém.
Bởi vậy, các nước châu Phi coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ hàng đầu và giải pháp duy nhất có thể đem lại hòa bình, ổn định, phát triển. Theo mục tiêu đề ra đến năm 2030, châu Phi nâng tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP lên 50%.
Ông Lý Quốc Hùng cho rằng, hiện trạng yếu kém của công nghiệp châu Phi chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai phá.
Sau hàng chục năm, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển vượt bậc, có lợi thế so sánh trên thị trường quốc tế như khai khoáng, dệt may, da giày, thiết bị nông nghiệp, đồ điện, điện tử, xe đạp- xe máy, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đồ nhựa, dược phẩm, máy tính và linh kiện… và đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam vươn tới châu Phi xa xôi.
10 lĩnh vực đột phá
Chương trình hành động quốc gia Việt Nam- châu Phi giai đoạn 2004-2010 đã xác định châu Phi là địa bàn truyền thống trọng điểm, chiến lược trong quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của Việt Nam.
Hợp tác công nghiệp với châu Phi không chỉ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch công nghệ ra nước ngoài mà còn góp phần thu hút nguyên nhiên liệu từ châu Phi phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ông Hùng đưa ra 10 lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế có thể tạo đột phá để tăng cường và mở rộng hợp tác công nghiệp với châu Phi:
Tới nay, thăm dò và khai thác dầu khí luôn khẳng định vị trí số một trong hợp tác công nghiệp Việt Nam- châu Phi. Bên cạnh 6 dự án đã có với các nước châu Phi, PetroVietnam đang tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động tại châu Phi.
Châu Phi rất giàu có bạch kim, crôm, mangan và cô ban với trữ lượng đứng đầu thế giới và các loại khoáng sản khác như vàng, kim cương, đồng, sắt, than, thiếc, bauxite, phốt phát… cũng rất phong phú. Việt Nam có thể phát triển liên doanh với các nước châu Phi thăm dò, khai thác các khoáng sản nói trên.
Châu Phi cũng rất tiềm năng về hoá chất và phân bón. Ngoài những dự án đã được triển khai tại Ai Cập, Morocco, Việt Nam có thể mở rộng hợp tác khai khác và sản xuất phốtphát tại Algeria, hoá chất với Nigeria, Lybia, Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Angola…
Châu Phi là thị trường rộng lớn tiêu thụ các sản phẩm dệt may và nhiều nước châu Phi còn được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi vào Mỹ và EU. Đây là điều kiện tốt để ngành dệt may Việt Nam chuyển dịch sản xuất sang châu Phi để khai thác lợi thế của châu Phi về mặt bằng, nguyên liệu, nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ…
Nhiều nước châu Phi có nguồn nguyên liệu da dồi dào trong khi khả năng sản xuất hạn chế. Ngành da giày Việt Nam có thể phát huy những lợi thế về thiết bị, kỹ thuật và thông qua các liên doanh để sản xuất và tiêu thụ tại châu Phi.
Việt Nam có thể phát triển liên doanh với các nước châu Phi để khai thác, sản xuất các sản phẩm gỗ tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu.
Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của châu Phi rất lớn, trong khi khả năng sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển dịch sang châu Phi để sản xuất xi măng, gạch, gốm sứ xây dựng, trang thiết bị vệ sinh…
Hiện nay nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của các nước châu Phi, nhưng công nghiệp chế biến nông sản còn rất hạn chế. Nhiều nước châu Phi đang kêu gọi nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực chế biến các loại nông sản như gạo, cà phê, hoa quả, hạt điều, ngô, đậu, sắn, khoai tây, thực phẩm ăn liền… Bên cạnh đó, ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản của nhiều nước châu Phi chưa phát triển, mặc dù tiềm năng rất lớn tại những nước nằm dọc vùng biển Bắc, Đông, Tây, Nam Phi. Đây là những lĩnh vực hiện nay Việt Nam có nhiều lợi thế và đầu tư hiệu quả vào châu Phi.
Nông nghiệp châu Phi ngày nay vẫn đang trong thời kỳ canh tác lạc hậu. Việt Nam có thể đầu tư liên doanh sản xuất các loại thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, bừa, gặt đập, bơm nước, xe tải nhẹ…
Thị trường xe đạp, xe máy tại nhiều quốc gia châu Phi đến nay hầu như còn “bỏ ngỏ”. Việt Nam đã thành công lắp ráp và tiêu thụ xe máy tại Mali, sẽ có triển vọng mở rộng sang nhiều nước châu Phi khác./.
Theo vovnews.vn