10 ngành kinh tế được báo cáo cạnh tranh lần này là những ngành đã xảy ra những vụ kiện cạnh tranh không lành mạnh hoặc là những ngành có tiềm ẩn nhiều yếu tố cạnh tranh không lành mạnh
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) sẽ công bố Báo cáo cạnh tranh trong 10 lĩnh vực kinh tế vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới. Đây là thông tin được bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Luật Cạnh tranh-Cục Quản lý Cạnh tranh khẳng định với phóng viên bên lề buổi lễ ra mắt 2 ấn phẩm hướng dẫn về Chính sách cạnh tranh và Luật Cạnh tranh trong ASEAN ngày 24/8 tại Đà Nẵng.
10 ngành kinh tế được công bố báo cáo cạnh trạnh gồm: 5 ngành dịch vụ (hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, phân phối xăng dầu, viễn thông) và 5 ngành sản xuất (Xi măng, sắt thép, phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi và sữa).
Theo bà Lan, 10 ngành kinh tế được báo cáo cạnh tranh lần này là những ngành đã xảy ra những vụ kiện cạnh tranh không lành mạnh hoặc là những ngành có tiềm ẩn nhiều yếu tố cạnh tranh không lành mạnh.
Với việc lần đầu tiên công bố Báo cáo cạnh tranh này, các doanh nghiệp sẽ có thêm những nhận thức mới trong kinh doanh, đầu tư cũng như cách tiếp cận định dạng thị trường mới từ góc độ Luật Cạnh Tranh. Bà Lan cũng cho biết: Cục Quản lý Cạnh Tranh sẽ tiếp tục nghiên cứu, giám sát cạnh tranh trong nhiều ngành lĩnh vực kinh tế để có thể công bố Báo cáo cạnh tranh hàng năm.
Luật Cạnh tranh của Việt Nam được Quốc hội thông qua tháng 12/2004 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2005 với hai nội dung quan trọng là chống độc quyền và xử lý cạnh tranh không lành mạnh nhằm tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp được tham gia thị trường một cách bình đẳng cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau 5 năm Luật Cạnh tranh có hiệu lực, hiểu biết của nhiều doanh nghiệp và tổ chức kinh tế về về Luật Cạnh tranh còn rất hạn chế. Vì vậy, thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh./.
Theo TTXVN