Cập nhật: 21/09/2010 16:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ một số nước ở châu Á có ngành  công nghiệp xuất khẩu mạnh, như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái-lan đang thực hiện các biện pháp  nhằm ngăn chặn sự tăng giá của đồng nội tệ so với USD. Trong khi đó, chính quyền Mỹ thúc ép các nước này điều chỉnh giá trị đồng nội tệ.

 

Ðối với Trung Quốc, nước có thặng dư thương mại so với Mỹ năm 2009 là 226,9 tỷ USD, nhiều nghị sĩ Mỹ tại cuộc điều trần mới đây ở Quốc hội  yêu cầu Chính phủ của Tổng thống B.Ô-ba-ma  gây sức ép mạnh hơn đối với Trung Quốc về các chính sách thương mại và tiền tệ của nước này, được cho là nguyên nhân khiến hàng triệu người lao động Mỹ mất việc làm. Họ cho rằng, Trung Quốc đang giữ giá đồng nhân dân tệ (NDT) không đúng  giá trị thực tế. Bộ trưởng Tài chính Ghét-nơ nói sẽ thuyết phục các cường quốc khác hối thúc Trung Quốc điều chỉnh chính sách tiền tệ và thương mại khi tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm G-20 tại Xơ-un (Hàn Quốc) vào tháng 11 tới.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc đang tìm cách duy trì ổn định giá trị đồng tiền của mình, đồng thời bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ. Tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc xuất bản bằng tiếng Anh ra ngày 18-9 đăng bài của Sun Li-chi-an, Giáo sư kinh tế của Trường đại học Tổng hợp Fudan ở Thượng Hải nêu rõ, việc tăng giá đồng nhân dân tệ  lúc này sẽ gây ra cú sốc đối với các nhà sản xuất Trung Quốc. Chính phủ và Ngân hàng Trung ương cần cân nhắc tác động tiêu cực của việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc vừa điều chỉnh tỷ giá trao đổi đồng NDT.  Theo giáo sư Sun, để đối phó với vấn đề này, chính phủ cần đẩy mạnh các cải cách trong nước, đồng thời xem xét việc dừng các gói kích thích kinh tế. Ngày 16-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cảnh báo, việc gây sức ép buộc Bắc Kinh điều chỉnh chính sách tiền tệ sẽ chỉ làm phản tác dụng, đồng thời nhấn mạnh, việc tăng giá trị đồng NDT "không thể giải quyết được thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tình trạng thất nghiệp cao của Mỹ".

 

Tại Nhật Bản, đồng yên của nước này đã tăng giá đột ngột từ tuần trước, khiến các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh. Ðồng yên đã tăng lên mức kỷ lục  trong vòng 15 năm nay, 82 yên ăn một USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Y-ô-si-hi-cô Nô-đa nêu rõ, tình trạng đồng yên tăng giá  và kéo dài  có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của nền kinh tế và tài chính. Ngày 15-9, Chính phủ  nước này đã can thiệp vào thị trường hối đoái nhằm ngăn chặn đà tăng giá của đồng yên  so với USD. Ðây là lần đầu  kể từ tháng 3-2004 Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thực hiện bán ra đồng yên và mua vào USD, ban đầu Nhật Bản đã bán ra từ 200 đến 300 tỷ yên để mua vào USD. Ngay sau khi giới chức tiền tệ can thiệp thị trường, tỷ giá này đã hạ nhiệt đôi chút, ở mức 84 yên/một USD. Nhưng tỷ giá đồng yên vẫn bấp bênh. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và  các nhà đầu tư nước ngoài đang ào ạt mua vào đồng yên. Vì  một số chuyên gia tiền tệ nhận định, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can  có khuynh hướng không can thiệp vào thị trường tiền tệ, mà chủ trương tăng thuế tiêu dùng nhằm khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính Nhật Bản trong bối cảnh nợ công của nước này đang ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Ngày 10-9, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 915 tỷ yên (tương đương 10,9 tỷ USD) nhằm đối phó với hiện tượng đồng yên tăng giá bất thường so với đồng USD và nguy cơ suy thoái kinh tế của nước này. Bên cạnh đó, Chính phủ  khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào thị trường trong nước thông qua các chương trình thúc đẩy kinh doanh tại Nhật Bản, nhất là trong ngành công nghiệp xanh hướng tới phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường.

 

Các nhà xuất khẩu Nhật Bản đánh giá cao sự can thiệp của Chính phủ. Họ hiểu rõ rằng, việc đồng yên tăng giá bất thường đang gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản và ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán nước này và  tâm lý của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, gây ra nạn thiểu phát và giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp. Vì vậy, từ nhiều tháng qua, các doanh nghiệp lớn như Hitachi, Suzuki, Toyota, Honda... liên tục thúc ép chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ. Hãng Toyota đưa ra thí dụ, mỗi khi đồng yên tăng giá một đơn vị so với USD thì họ bị mất 350 triệu USD. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã tính đến kế hoạch chuyển ra nước ngoài sản xuất nếu đồng yên tiếp tục tăng giá. Thời điểm đồng yên có giá cao so với USD là năm 1995, khi 79,75 yên ăn một USD. Tuy nhiên, nhà chiến lược chính của Học viện Ðai-oa của Nhật Bản, ông Y-u-di Ka-mê-ô-ca cho rằng, tác dụng của sự can thiệp đơn phương của Nhật Bản sẽ không lâu dài, mà cần xem các nhà lãnh đạo tài chính của Mỹ và EU phản ứng như thế nào trong vấn đề tỷ giá giữa các đồng tiền mạnh này.

 

Chính phủ Thái-lan cũng đang lo ngại về tình trạng đồng bạt tăng giá so với USD. Thủ tướng A-bi-xít Vê-cha-chi-va đã lệnh cho các bộ trưởng tìm mọi biện pháp để kìm hãm sự tăng giá của đồng bạt.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm