Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 9 ước đạt 1,75 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 13,93 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu đạt 7,32 tỷ USD, tăng 21,1%; thuỷ sản 3,47 tỷ USD, tăng 14,2%; Các mặt hàng lâm sản chính với giá trị đạt 2,6 tỷ USD, tăng tới 36,3%.
Cụ thể, tháng 9 xuất khẩu gạo ước đạt 600 ngàn tấn thu về 230 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 9 tháng đạt 5,55 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,56 tỷ USD, tăng 11,75% về lượng và 14,35% về giá trị. Giá gạo XK giảm nhẹ so với tháng trước, giá bình quân 8 tháng đầu năm ở mức 470 USD/T, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Giá XK gạo của Việt Nam đã xấp xỉ giá của nước XK gạo lớn nhất là Thái Lan. Tuy nhiên, giá năm nay tăng chủ yếu là do thiên tai xảy ra ở các nước tiêu thụ và sản xuất lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Pakixtan… Phi-lip-pin vẫn là nước nhập khẩu nhiều nhất chiếm tới 40,39% tổng giá trị XK gạo.
Cà phê xuất khẩu tháng 9 ước đạt 70 ngàn tấn với trị giá 100 triệu USD, đưa tổng lượng cà phê xuất khẩu 9 tháng lên 925 ngàn tấn đạt giá trị 1,32 tỷ USD, tăng 4,2 % về lượng và 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn bị các nhà nhập khẩu gây khó dễ như chậm trả tiền, tự thay đổi ngày chốt giá… Trước tình hình đó các doanh nghiệp thống nhất không bán hàng theo phương thức trừ lùi (giao xa), mà tập trung bán giao ngay khi chốt giá xong mới giao hàng. Giá cà phê tăng nhẹ so với tháng trước. Giá XK bình quân 8 tháng đạt 1.432 USD/T, giảm 3,3 % so với cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm tỷ trọng 13,5 %) tiếp theo là Hoa Kỳ (12,7%). Các thị trường có sự tăng trưởng khá là Philipin tăng xấp xỉ 70% và Nga gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 9 ước đạt 100 ngàn tấn đưa tổng khối lượng cao su xuất khẩu 9 tháng đạt 531 ngàn tấn với trị giá 1,45 tỷ USD, chỉ tăng 10,9 % về lượng nhưng giá trị gấp tới 2 lần so cùng kỳ. Giá cao su XK giảm nhẹ so với tháng trước. Giá trung bình 8 tháng đầu năm đạt 2.731 USD/T tăng 85,9 % so với cùng kỳ. Nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới 57,2 % về giá trị).
Mặt hàng chè xuất khẩu tháng 9 ước đạt 15 ngàn tấn với kim ngạch đạt 23 triệu USD, đưa tổng lượng chè xuất khẩu 9 tháng đạt 100 ngàn tấn và kim ngạch là 146 triệu USD. Khối lượng tăng 4,0 % và giá trị tăng 16,7% so với cùng kỳ. Trong đó các thị trường truyền thống lớn nhất là Pakixtan (chiếm 21,7% giá trị xuất khẩu), tiếp theo Đài Loan (13,8%), Nga (13,8%). Giá bình quân 8 tháng đạt 1.445 USD/T, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Hạt điều tháng 9, xuất khẩu ước đạt 20 ngàn tấn với trị giá 110 triệu USD, đưa tổng khối lượng điều xuất khẩu 9 tháng ở mức 143 ngàn tấn với trị giá 780 triệu USD, tăng 10,1 % về khối lượng và 30,1% về giá trị so với cùng kỳ. Giá XK bình quân 8 tháng đạt 5.469 USD/T, tăng 19,2 % so với cùng kỳ. Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều. Hạt điều Việt Nam được xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 33,8% giá trị.
Sản lượng tiêu xuất khẩu tháng 9 ước đạt 10 ngàn tấn, kim ngạch đạt 40 triệu USD, đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 9 tháng đạt 102 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu 345 triệu USD, giảm 5,6% lượng nhưng tăng tới 30,5% về trị giá so với cùng kỳ. Giá bình quân 8 tháng đạt 3.322 USD/T, so với năm ngoái tăng tới 38,9%. Trừ Pakixtan và Ai Cập, các thị trường tiêu thụ tiêu lớn đa số đều có sự tăng trưởng khá tăng từ 30 – 80% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng lâm sản và đồ gỗ tháng 9, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 320 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 2,6 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,43 tỷ USD, tăng tới 37,7%; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 153 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thuỷ sản giá trị xuất khẩu thuỷ sản tháng 9 ước đạt 490 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 9 tháng đạt 3,5 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn nhất vẫn là Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 18,4%), tiếp theo là Hoa Kỳ (17,9%).
Qua những thống kê trên cho thấy nhìn chung các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều có tăng cả về lượng và giá trị trong xuất khẩu.Đây là những dấu hiệu khả quan hứa hẹn các chỉ tiêu đặt ra về kim ngạch xuất khẩu của năm 2010 đối với các mặt hàng này sẽ được hoàn thành.
Theo Báo điện tử ĐCSVN