Cập nhật: 28/10/2010 15:19:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 27/10, khi tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc giảm tốc tiếp tục cho thấy sự suy yếu trong nhu cầu từ nước ngoài và giới đầu tư lo ngại rằng các biện pháp kích thích tăng trưởng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sắp đưa ra có thể không đủ để thúc đẩy nền kinh tế.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm 1,8%, do đồng USD tăng giá thúc đẩy một số nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu khối hàng hóa, theo sau sự xuống giá các nguyên liệu thô.

 

Những kỳ vọng về việc Mỹ sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp nới lỏng có hạn định đã giúp thị trường chứng khoán châu Á tạo được đà đi lên kể từ đầu tháng đến nay, nhưng tác động này dường như đang có dấu hiệu nhạt dần, giữa những bất ổn về mức độ can thiệp của ngân hàng trung ương Mỹ.

 

Giới đầu tư đánh cược rằng FED sẽ thông qua chương trình thu mua trái phiếu chính phủ tại cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần sau, trong nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo đó sẽ đẩy lãi suất giảm, song lại khiến các cổ phiếu trở thành khoản đầu tư hấp dẫn hơn.

 

Theo họ, quy mô của đợt thu mua trái phiếu này vào khoảng 500 tỷ USD, nhưng giới phân tích thì lo ngại con số này sẽ không lớn như dự đoán trước đây.

 

Giới đầu tư hiện cũng đang lưỡng lự thực hiện các giao dịch quy mô lớn, trước thời điểm các công ty lớn của Nhật Bản, trong đó có Sony Corp. và Honda Motor Co., chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.

 

Tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số KOSPI kết thúc phiên này giảm 9,87 điểm (0,51%) xuống 1.909,54 điểm, sau khi Chính phủ nước này công bố các chỉ số cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm mạnh trong quý 3/2010, từ 1,4% quý trước đó xuống 0,7%, do xuất khẩu và khu vực chế tạo suy giảm.

 

Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hongkong cũng giảm 436,66 điểm (1,85%) xuống 23.164,58 điểm, do các nhà giao dịch đua nhau bán chốt lời sau đợt tăng mạnh vừa qua, trong đó phải kể đến các công ty dầu khí lớn của đại lục như Sinopec, trong khi chờ đợi cuộc họp quyết định chính sách sẽ diễn ra trong tuần tới của FED.

 

Daniel So, nhà phân tích thuộc công ty tài chính Sun Hung Kai Financial, nhận định thị trường đang chờ đợi một lý do để thực hiện quá trình điều chỉnh, và đồng USD lên giá có thể sẽ tiếp tục gây sức ép làm giảm giá hàng hóa, và theo đó là giá cổ phiếu, trong ngắn hạn.

 

Cùng ngày, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 44,5 điểm (1,46%) xuống 2.997,05 điểm, trong đó giảm mạnh nhất là cổ phiếu của các công ty than và dầu mỏ lớn.

 

Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney giảm 39,7 điểm (0,85%) xuống 4.648,10 điểm, sau thông báo cho biết lạm phát thường niên của Australia đã xuống thấp hơn dự kiến, ở mức 2,8%, làm giảm khả năng ngân hàng trung ương nước này sẽ tăng lãi suất.

 

Trong phiên này, thị trường chứng khoán Nhật Bản là điểm sáng duy nhất của toàn khu vực, khi giá các cổ phiếu đã tăng 0,1%, do đồng yên giảm giá so với USD đã hỗ trợ giá cổ phiếu của các công ty xuất khẩu, trong khi thị trường cũng lạc quan về lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm của các công ty hàng đầu trong nước. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei đã ghi thêm 9,65 điểm (0,1%) lên 9.387,03 điểm.

 

Còn các thị trường chứng khoán khác trong khu vực, như Ấn Độ, Singapore và Đài Loan đều giảm điểm./.

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm