Với 84,58% số đại biểu Quốc hội có mặt, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Tăng trưởng GDP từ 7 – 7,5%
Với tỷ lệ bỏ phiếu thuận cao, Quốc hội đã thông qua chỉ số tăng trưởng GDP cho năm 2011 là từ 7 – 7,5%.
Trong Báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ trình phương án mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 khoảng 7 - 7,5%. Qua thảo luận, một số ý kiến đồng ý chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 tăng 7 - 7,5% so với năm 2010. Một số ý kiến đề nghị cần tính toán để ước tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bằng một con số, 7% hoặc 7,2% hoặc 7,5%, không nên để khung từ 7 đến 7,5% để làm cơ sở tính các cân đối khác về mặt giá trị của nền kinh tế, cũng như xác định các chính sách phân bổ nguồn lực trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Một số đại biểu đề nghị, mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ nên 7% vì cho rằng, năm 2011 kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, bất trắc; kinh tế trong nước phát triển chưa vững chắc, trong khi đó cần phải tập trung ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và tăng khả năng bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, mặc dù năm 2010 có những khó khăn lớn, nhưng kinh tế phục hồi khá nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,7%. Năm 2011 mặc dù tập trung ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô và đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, nhiều khả năng chúng ta vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2010. Căn cứ ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội chọn chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 là 7 - 7,5% để làm mục tiêu phấn đấu.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%
Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án mục tiêu tổng quát: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.
Theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng trong mấy năm qua và đang ở mức khá cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định kinh tế vĩ mô; kinh tế và giá cả tăng cao, thu nhập tăng thấp, đồng nghĩa với đời sống của số đông người lao động và dân cư không được cải thiện, một bộ phận khó khăn hơn, sẽ không phù hợp với mục tiêu chung, ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Kiểm soát lạm phát cần được coi là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.
Hơn nữa theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức quốc tế và ý kiến của đại biểu Quốc hội, mặt bằng giá năm 2011 mặc dù tiếp tục chịu tác động của một số yếu tố như điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản, nhưng cũng có những yếu tố giảm áp lực tăng so với năm 2010, cụ thể là: (i) Tốc độ phục hồi kinh tế thế giới năm 2011 được dự báo chậm lại so với năm 2010 nên chỉ số giá hàng hóa trên thị trường thế giới dự báo sẽ không tăng cao; (ii) Trong năm 2011, giá hàng hóa thị trường trong nước không còn chịu nhiều sức ép do tác động của gói kích thích kinh tế được triển khai trong năm 2009.
Để phát triển bền vững, hiệu quả, các doanh nghiệp cần áp dụng đồng bộ các biện pháp đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, đổi mới kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm; các cơ quan Nhà nước và các tổ chức hữu quan thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý giá, định hướng tiêu dùng, tổ chức tốt cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội quyết định chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng không quá 7%. Chính phủ phải tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên.
Nhập siêu không qua 18% kim ngạch xuất khẩu
Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã thông qua phương án tỷ lệ nhập siêu năm 2011 không quá 18% kim ngạch xuất khẩu; một số ý kiến tán thành với phương án tăng dưới 20%; một số ý kiến đề nghị tỷ lệ nhập siêu khoảng 15%, 12%, 10 - 15%.
Trong Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2011 nhập siêu dự kiến là 19,5% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 14,6 tỷ USD, dễ dẫn đến thâm hụt cán cân vãng lai lớn. Trong khi dự trữ ngoại hối nhà nước đã giảm mạnh và khó có thể tăng nhiều trong năm tới, mức thâm hụt cán cân vãng lai tiếp tục ở mức cao sẽ gây mất cân đối về cung cầu ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá VND.
Thời gian qua, tình trạng nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp đắt tiền còn chiếm tỷ trọng đáng kể; nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước có thể sản xuất được. Trước mắt cũng có nhiều khả năng sản xuất một số máy móc, thiết bị, vật tư thay thế nhập khẩu. Do vậy, giảm tỷ lệ nhập siêu là một yêu cầu cấp thiết.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu còn cao. Cơ cấu nền kinh tế, trước hết là cơ cấu công nghiệp còn bất hợp lý, cần được cơ cấu lại theo hướng tăng xuất khẩu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng đòi hỏi có thời gian, chưa thể khắc phục trong một, hai năm tới.
Việc đặt tỷ lệ nhập siêu không quá 18% kim ngạch xuất khẩu là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay của nước ta, phù hợp với mục tiêu tổng quát và hài hòa giữa 2 mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Nếu giảm tỷ lệ nhập siêu xuống quá thấp so với các năm trước thì khó khả thi và tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vốn phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu.
Theo GD&TĐ Online