Cập nhật: 13/11/2010 15:11:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trường tài chính tiền tệ, lãi suất, vàng đã trải qua một tuần nhiều biến động gây không ít hoang mang cho người dân và doanh nghiệp. Các thị trường này đang hạ nhiệt khi những giải pháp can thiệp của NHNN và Bộ Tài chính phát huy tác dụng.

Lúc 10h sáng 13/11, giá vàng SJC từ 35,85 triệu đồng/lượng xuống 35,15 triệu đồng/lượng, giảm 700.000 đồng/lượng. Như vậy, nếu tính từ khi đạt đỉnh ở mức 38,2 triệu đồng/lượng vào ngày 9/11, đến nay, giá vàng trong nước đã giảm hơn 3 triệu đồng/lượng.

 

Giới kinh doanh vàng cho rằng do thua thiệt quá lớn khi phải mua vàng với mức giá bất hợp lý vào nhiều ngày trước nên người dân không tham gia thị trường, giao dịch hết sức ế ẩm.

 

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới cũng giảm trên 30 USD/ounce, từ 1.400 USD/oz đã giữ được vào buổi sáng 12/11 của thị trường châu Á xuống mức 1.370 khi thị trường New York hoạt động vào đêm 12/11 (theo giờ Việt Nam). Đến 10h sáng 13/10, giá vàng tiếp tục giảm nhẹ, xuống còn 1.369 USD/ounce trên thị trường châu Á.

 

Nguyên nhân, giá vàng thế giới hạ mạnh, theo các chuyên gia là do các nhà đầu tư cho rằng Ai Len và Hy Lạp được cứu trợ sẽ tạo nên làn sóng bán tài sản thay thế do lo ngại về khủng hoảng nợ công châu Âu đã dịu đi. Giá dầu thô cũng giảm xuống còn còn 84,82 USD/thùng

 

Thêm vào đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với lạm phát. Họ sẽ nâng lãi suất trong thời gian tới đã khiến vàng bị bán mạnh do quốc gia lớn nhất thế giới về tiêu thụ vàng nâng lãi suất cơ bản.

 

Bệnh cũ

 

Phân tích diễn biến thị trường trong nước tuần qua nhắc người ta nhớ đến “cơn bão” vàng cách đây một năm, trong buổi sáng 11/11/2009, giá vàng tăng tốc từ 27 triệu đồng lên trên 29,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 3,6 triệu đồng/lượng. Đến trưa cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước thông báo quyết định cho nhập vàng không hạn chế, lập  tức giá vàng hạ nhiệt nhanh chóng, rơi xuống mức 25 triệu đồng/lượng.

 

Sáng 9/11/2010, thị trường vàng lại chứng kiến cơn bão kỷ lục, đầu giờ sáng, giá vàng đã vượt ngưỡng 37 triệu đồng/lượng. Tăng như bão, đến 9h45, mốc giá 38 triệu đồng/lượng đã chính thức xuất hiện trên thị trường, sau đó, giá vàng tiếp tục bứt phá và ấn định mức đỉnh ở 38,2 triệu đồng/lượng vào cuối phiên giao dịch sáng. Nếu so với sáng trước đó một ngày (8/11), giá đỉnh này đã khiến vàng có thêm gần 3 triệu đồng/lượng.

 

Lượng giao dịch trong sáng 9/11/2010, cũng không khác là mấy so với diễn biến sáng 11/11/2009, tăng đột biến gấp hai, ba lần so với ngày thường. Người dân đổ xô đến các cửa hàng vàng, chen vai thích cánh để cố mua cho được vài lượng vàng, khiến nguồn cung từ ở hầu hết các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này trở nên cạn kiệt. Trước động thái hỗn loạn của người mua thì các chủ cửa hàng vẫn tỏ ra bình tĩnh, tiếp tục duy trì hoạt động bán ra bằng cách ghi giấy biên nhận, thu tiền ngay và hẹn thời điểm giao vàng sau cho khách hàng.

 

Cuối giờ sáng 9/11/2010, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức truyền đi thông tin cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng phù hợp với nhu cầu. Ngay lập tức, giá vàng đã giảm hơn 1 triệu đồng/lượng với giá niêm yết bán ra 37,2 triệu đồng/lượng (lúc 13h30 cùng ngày).

 

Người dân cần tỉnh táo

 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, việc vàng tăng giá lần này, không loại trừ yếu tố đầu cơ. Bởi lẽ, nhiều năm nay, lượng vàng ngoài dân cư tồn tại với một cơ số rất lớn, nhưng không có cơ chế quản lý, nên khi thị trường thế giới diễn biến phức tạp đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ, “té nước theo mưa”.

 

Thống đốc khẳng định: “Diễn biến giá vàng sáng 9/11 tương đối phức tạp, có tính đột biến. Nguyên nhân chính đẩy giá vàng trong nước lên cao là do giá vàng thế giới tăng mạnh so với ngày hôm trước. Bên cạnh đó, việc một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc không giao dịch khi người dân đến mua bán vàng trong buổi sáng 9/11 đã tạo tâm lý không tốt trong dân chúng”.

 

Thống đốc cũng lưu ý, giải quyết vấn đề vàng không thể một sớm một chiều, mà phải nằm trong bài toán tổng thể, bao gồm giải quyết áp lực lạm phát, kiềm chế nhập siêu, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách và giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.

 

Người dân cần tỉnh táo vì giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, rủi ro nhiều. Nếu không, sẽ bị cuốn vào vòng xoáy nói trên và có thể nhận về mình những thua thiệt không đáng có.

 

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi cấp phép cho các Ngân hàng thương mại, doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng, đến thời điểm này, có 4/8 đơn vị được cấp hạn ngạch đã thực hiện nhập khoảng 1/3 khối lượng được phép nhập khẩu. Do thời hạn giấy phép là hai tuần nên hiện các đơn vị vẫn đang theo dõi diễn biến giá vàng thế giới để lựa chọn thời điểm nhập khẩu thích hợp.

 

Mặc dù lượng vàng nhập khẩu thực tế chưa nhiều nhưng động thái Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng trong ngày 9/11 đã giúp giải tỏa tâm lý, góp phần bình ổn thị trường và đưa giá vàng trong nước dần về sát với giá vàng thế giới.

 

Để tiếp tục ổn định thị trường vàng trong những ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp tiếp giấy phép nhập khẩu vàng cho một số Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng khác để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

 

Cùng các động thái nhằm bình ổn giá vàng, góp phần đưa giá vàng trong nước sát hơn với giá thế giới, ngày 12/11, Bộ Tài chính vừa quyết định áp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng vàng 0%, có hiệu lực từ ngày 12/11/2010.

 

Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng vàng (kể cả vàng mạ bạch kim) chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm, hoặc ở dạng bột được áp 0%.

 

Trước đó, ngày 20/5/2008, Bộ Tài chính quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng từ 0,5% lên 1% với mục đích chính là nhằm góp phần kiềm chế nhập siêu.

 

Không làm gia tăng áp lực lên thị trường ngoại tệ

 

Sự chênh lệch mua vào, bán ra khá lớn  cộng với sự “nhảy múa” lên xuống bất thường của giá vàng trong từng ngày giao dịch  đã mạng lại lợi nhuận không nhỏ cho các công ty kinh doanh vàng.

 

Vì vậy, theo phân tích của các chuyên gia, ngoài những doanh nghiệp được giao quota nhập khẩu vàng từ Ngân hàng Nhà nước, sẽ khó lường được khả năng các các đơn vị khác đua chen mạo hiểm, tìm cách nhập vàng không chính ngạch. Thị trường có thể sẽ phải tiếp nhận một đợt thu gom ngoại tệ lớn, khiến đồng USD càng trở nên khan hiếm hơn và đồng thời làm tăng tỷ giá ngoại tệ tiếp tục lên cao.

 

 

 

Ngày 12/11, trong thông điệp về việc bình ổn thị trường ngoại hối và định hướng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước khẳng định “cho phép nhập khẩu vàng trong thời gian hai tuần không làm gia tăng áp lực lên thị trường ngoại tệ”.

 

Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện bán can thiệp ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu nhập khẩu thiết yếu, thị trường ngoại hối trong mấy ngày vừa qua đã diễn biến theo chiều hướng tích cực; trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng thương mại trong việc bán, cho vay và thanh toán ngoại tệ để nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.

 

Trong những ngày đầu tháng 11/2010, vốn huy động của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tăng tương đương tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh toán thông qua cân đối dòng tiền đi - về, duy trì vốn khả dụng ở mức hợp lý; đồng thời, sử dụng giá trị giấy tờ có giá hiện có để giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, nghiệp vụ thị trường mở và các giao dịch tiền tệ khác với Ngân hàng Nhà nước (vay qua đêm, tái cấp vốn,...).

 

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, từ nay cho đến cuối năm, các ngân hàng thương mại tiếp tục đảm bảo khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh, thông qua giải pháp chủ động cân đối vốn, kiểm soát tín dụng ở mức hợp lý, để duy trì khả năng thanh toán ở mức cao, thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 4/11 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng góp phần ổn định giá cả và kinh tế vĩ mô.

 

Trong các tháng cuối năm 2010 và dịp Tết nguyên đán Tân Mão, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt và thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh toán./.

 

 

 

Theo VOVNEWS

Tệp đính kèm