Cập nhật: 16/11/2010 15:19:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để hàng Việt có thế đứng vững ở thị trường nội địa, sự cộng hưởng giữa cơ quan quản lý- doanh nghiệp- người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Chỉ cần một sự “lỗi nhịp”, hàng Việt vẫn sẽ bấp bênh trên sân nhà. 

Một năm khởi sắc

 

Đánh giá về chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” sau một năm được thực hiện, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cuộc vận động đã có sức lan toả và đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ ý nghĩa của chương trình mà Bộ Chính trị đã phát động.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 20% đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu, còn lại chủ yếu làm cho thị trường nội địa. Do đó, cuộc vận động là sự động viên để những doanh nghiệp nỗ lực cao hơn, là cơ hội để họ chứng minh chiến lược thị trường của mình.

 

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, trong tình hình kinh tế thế giới khó khăn do khủng hoảng, những nước nhập khẩu chính của Việt Nam có xu hướng giảm nhập khẩu hoặc tăng hàng rào bảo hộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc chuyển hướng về thị trường nội địa là đúng đắn, cần thiết.

 

Theo bà Phạm Chi Lan, nỗ lực của doanh nghiệp thôi không đủ nếu không có cuộc vận động, từ cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, để từ đó đánh động chung trong toàn xã hội và kích thích các doanh nghiệp có thêm niềm tin, sức mạnh chuyển về thị trường trong nước.

 

Có nhiều doanh nghiệp đã thành công, thực hiện rất ấn tượng trên thị trường xuất khẩu và giờ là thị trường trong nước, đơn cử như May 10, một đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu trước đây và giờ là thị trường nội địa. Doanh nghiệp đã chuyển hướng, có những thiết kế riêng, tìm những thị trường nội địa thích hợp. Hay những đơn vị làm hàng cao cấp như An Phước, Pie Cardin, trước đây đã xuất khẩu thành công thì giờ đây ở thị trường nội địa cũng thành công không kém.

 

Một tín hiệu tích cực khác phải kể đến sự phối hợp giữa các doanh nghiệp khi cùng nhau phát động chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Theo bà Phạm Chi Lan, “những thương hiệu lớn giờ đây đã mang niềm tự hào về với những người thu nhập thấp”.

 

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2010, đã có 68 đợt hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách tham quan, mua sắm; tổng doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng.

 

Ở khía cạnh người tiêu dùng, qua cuộc vận động, họ đã ý thức hơn và cộng hưởng với nỗ lực của doanh nghiệp, làm cho hàng Việt được tiêu thụ rộng rãi hơn ở trong nước. “Người dân đã có sự so sánh và lựa chọn hàng Việt chứ không phải hưởng ứng một cách cảm tính khi có kêu gọi”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

 

Kết quả thăm dò của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu FTA Việt Nam cho thấy, 71% người tiêu dùng tin vào hàng Việt Nam- chất lượng cao. Số lượng chủng loại mặt hàng Việt Nam trong các siêu thị chiếm đến 70-80%.

 

Đừng phụ cái tâm của người tiêu dùng

 

 

Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để hàng Việt thực sự dành cho người Việt và được người tiêu dùng hưởng ứng, các doanh nghiệp phải có sự đầu tư, tìm hiểu để “về” với người dân trong nước.

 

Theo ông Bá, cuộc vận động dùng hàng Việt là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp khi tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn. Tuy nhiên, không thể kêu gọi người tiêu dùng hành động theo lời kêu gọi khi các doanh nghiệp còn “hững hờ” với họ. Biểu hiện cụ thể là đã có những trường hợp lẫn lộn hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng tồn được “tuồn” về nông thôn trong quá trình thực hiện cuộc vận động. Trong khi đó, các con số thống kê đều chỉ rõ thị trường nông thôn là một “mảnh đất màu mỡ”.

 

Hiện với số dân trên 87 triệu người sống trong nước, trong đó khoảng 70% là dân số trẻ, thị trường nội địa thực sự đầy tiềm năng. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên mức 1000 USD/người/năm. Bên cạnh đó, sức mua của các tầng lớp dân cư liên tục tăng, từ 7,1 triệu đồng (2005) lên 12,5 triệu đồng/người/năm (2009) dù trong tình hình kinh tế suy thoái. Tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao (70%) so với các nước trong khu vực: Singapore là 55,9%, Malaysia 58,2% và Thái Lan là 67,7%.

 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), nông thôn Việt Nam chiếm 70% tiêu thụ hàng hoá, 70% số hộ cũng ở nông thôn, số lượng cửa hàng bán lẻ cũng tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn (97%). Nghiên cứu tiếp thị của Công ty Truyền thông Tiếp thị Việt Nam cho biết nông thôn nước ta có số lượng khách hàng sẵn sàng mua sắm gấp 3 lần thành thị. Tuy nhiên, hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa phủ kín ở thị trường này.

 

“Người tiêu dùng cần sự công bằng. Không có hàng Việt họ phải mua hàng nhập ngoại. Nếu giữa hai mặt hàng ngoại và nội, chất lượng sản phẩm nào tốt hơn, rẻ hơn thì người tiêu dùng lựa chọn, đó là điều bình thường”, ông Lê Xuân Bá cho biết. Do vậy, hưởng ứng cuộc vận động, song “có bột mới gột nên hồ”, tức sản phẩm có tốt, người dân mới mua.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Tôi đi theo nhiều chương trình về nông thôn và rất cảm kích trước tình cảm của bà con tiêu dùng đối với hàng Việt. Họ hồ hởi, hoan nghênh và đưa ra những góp ý với các doanh nghiệp để hàng về nhiều hơn”. Đã có những lời trách “dễ thương” như: “Tôi muốn mua lắm nhưng trước nay hàng Việt có về đâu?” khiến những ai có trách nhiệm phải tự ngẫm nghĩ và hành động đúng đắn.

 

Khối Nhà nước cần phải nêu gương

 

Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, đối tượng cần có chuyển biến mạnh hơn phải là khu vực Nhà nước. “Cần phải xem xét kỹ chiến lược phát triển thị trường nội địa, đặc biệt với ý nghĩa hàng Việt Nam trên thị trường Việt Nam chứ không phải thị trường nội địa nói chung. Cần một sự hành động đồng bộ của các cơ quan khác nhau. Các doanh nghiệp cần chính sách thương mại tốt, chính sách thuế, chính sách tiêu thụ trong nước tốt hơn”.

 

Một ví dụ điển hình khiến các doanh nghiệp xuất khẩu “ngại” quay về thị trường nội địa là chính sách ưu đãi. Đơn cử như đầu vào nhập khẩu, nếu xuất khẩu doanh nghiệp được hoàn thuế, nhưng tiêu thụ trong nước thì không, do đó kéo theo giá cả đắt hơn, chi phí cao hơn. Hay như các chính sách về giao thông vận tải, đất đai cần ưu tiên các doanh nghiệp kinh doanh hàng Việt chứ không phải địa điểm nào tốt nhất, có lợi nhất lại dành cho các doanh nghiệp nước ngoài…

 

Một điều cũng khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn là việc phát triển các khu đô thị mới, xây dựng quá nhiều nhà để bán trong khi chỗ làm thương mại lại không có, nơi làm các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp còn rất thiếu.

 

Mặt khác, Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư và là hộ gia đình tiêu thụ lớn nhất (hiện nay trong đầu tư xã hội ở nước ta khoảng 40% là đầu tư của Nhà nước, trong các dự án đầu tư đó là các cơ hội để tiêu dùng các hàng hoá khác nhau) cần phải thể hiện được tính đầu tàu.

 

Ông Lê Xuân Bá đặt vấn đề: “Cán bộ, công chức đi vận động mua hàng Việt mà mặc toàn đồ ngoại xịn thì ai nghe! Việc mua sắm cho các đơn vị Nhà nước liệu đã ưu tiên một cách cao nhất cho hàng Việt?”.  Cùng ý kiến, theo bà Phạm Chi Lan, đội ngũ công nhân viên chức là một mảng tiêu dùng lớn trong xã hội nhưng nếu cơ quan không vận động ý thức ủng hộ hàng Việt, đi công tác vùng xa vẫn từ chân đến đầu toàn hàng ngoại thì không phù hợp.

 

Cuộc vận đồng “Người Việt dùng hàng Việt” sau một năm thực hiện thật sự đã mang lại những kết quả đáng mừng, tạo ra sự chuyển biến tích cực để thị trường nội địa phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam mở rộng cửa cho các đối tác như Trung Quốc, ASEAN, sự nỗ lực của hàng Việt là rất có ý nghĩa, nó thể hiện sự đúng đắn của cuộc vận động. Tuy nhiên, để hàng Việt có vị trí vững chắc, cần nhiều hơn sự nỗ lực của các yếu tố: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân./.

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm