Cập nhật: 25/11/2010 16:09:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết Tân Mão 2011 sẽ rất dồi dào, phong phú với nhiều mẫu mã mới. Tuy nhiên, do biến động về giá nguyên liệu trong nước và thế giới nên hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh đang đau đầu với bài toán giá bán nhằm đảm bảo doanh thu.

Giá sẽ tăng 10%-50%

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, theo đơn báo giá sơ bộ của các nhà cung cấp bánh mứt tết năm nay, giá bán sẽ tăng bình quân 10%-30%, cá biệt mặt hàng mứt sen Huế giá bán sẽ tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Sở dĩ giá các loại bánh mứt tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào như bột mì, kem, bơ, sữa và các loại nguyên phụ liệu khác đều đã tăng 25%-35%. Riêng mặt hàng mứt sen Huế, nguồn nguyên liệu từ miền Trung đang trở nên khan hiếm do mưa lũ kéo dài nên đã đội giá bán lên rất cao.

 

Tại chợ Bến Thành, một số tiểu thương kinh doanh ngành hàng bánh mứt cũng cho rằng, hiện giá bán các loại mứt tết mới chỉ tăng khoảng 10%-15% so với tháng trước. Theo tính toán của chủ sạp bánh mứt T.L, giá đường đã tăng quá cao, cộng với các loại nguyên liệu chính như sen, bí, dừa, gừng, cà rốt,… tăng 30%-100% so với cùng kỳ năm ngoái nên giá bán tăng theo.

 

Cùng với hạt sen, các nhà sản xuất mứt tết đang lo ngại trước tình trạng khan hiếm dừa trái dùng để chế biến mứt dừa - một trong những loại mứt truyền thống. Hiện giá dừa trái đã tăng gấp đôi nhưng lại không dễ mua vì thương lái đang gom dừa xuất sang Trung Quốc. Theo dự đoán của các nhà sản xuất, giá mứt dừa khoảng 150.000-160.000 đồng/kg trong tết này, tức tăng 50%-60%.

 

Trên thực tế, các DN đang tìm mọi cách để kéo giảm mức tăng giá để tăng sản lượng dù đây là bài toán không dễ.

 

Bà Ngọc Thúy, chủ doanh nghiệp sản xuất mứt Thành Long, cho biết, nguyên liệu chính để làm mứt là từ các loại trái cây tươi, dù muốn hay không DN cũng chỉ có thể dự trữ trước đối với một số loại nguyên liệu như hương liệu, đường. Riêng trái cây, làm tới đâu sẽ nhập hàng tới đó nên giá bán thành phẩm sẽ khó ổn định ngay từ bây giờ.

 

Bên cạnh các loại mứt, các loại hạt sấy khô như hạt dẻ, nho, bí, dưa, hướng dương,… giá bán cũng sẽ tăng 15%-20%. Để chủ động nguồn cung và kéo giảm giá bán, Saigon Co.op sẽ nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ hạt dẻ và nho kho.

 

Theo bà Bùi Hạnh Thu, giá bán 2 loại hạt mang nhãn riêng của Saigon Co.op, sẽ không tăng quá 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với mặt hàng bánh kẹo và nước giải khát, giá bán được các công ty sản xuất dự kiến mức tăng thấp nhất khoảng 10%, cao nhất là 12%-15%.

 

Tìm lời giải bài toán tăng giá

 

Cùng với các mặt hàng bánh mứt, nước giải khát, cho đến thời điểm này, nhiều DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu (như thịt gia súc, thịt gia cầm và trứng, thực phẩm chế biến,…) cũng đã chuẩn bị được khoảng 80% lượng hàng hóa phục vụ tết.

 

Tại các DN tham gia chương trình bình ổn giá cũng như các DN chưa tham gia đều cho rằng, họ sẽ tăng sản lượng lên khoảng 30%-40% so với năm ngoái.

 

Công ty cổ phần Kinh Đô dự kiến sẽ tăng sản lượng hàng 10%-15% so với cùng kỳ năm ngoái, với khoảng 35 triệu hộp bánh các loại. Công ty CP Bánh kẹo Bibica tăng sản lượng lên 30% với khoảng 6.000 tấn bánh kẹo, sô cô la các loại,…

 

Những thông tin trên cho thấy nguồn hàng phục vụ tết sẽ không thiếu, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải bài toán về giá bán nhằm giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

 

Theo tính toán của ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Bibica, mức tăng giá khoảng 10% của mặt hàng bánh kẹo chưa phản ánh đúng thực tế giá tăng đầu vào. Nếu tính đúng tính đủ, giá bán lẻ bánh kẹo phải tăng 20%-25%. Trong bối cảnh hiện nay, nếu DN tăng quá cao sẽ không đảm bảo doanh thu.

 

Cách áp dụng hiệu quả của DN hiện nay là vừa lấy chi phí quảng cáo tiếp thị ra làm khuyến mãi dưới hình thức giảm giá hoặc quà tặng kèm, vừa phải chấp nhận giảm lãi và tiết kiệm chi phí để bù vào giá thành.

 

Bà Bùi Hạnh Thu cũng cho rằng, để giảm áp lực về giá, ngay từ bây giờ Saigon Co.op đã làm việc cụ thể với các tổ ngành hàng nhằm cân đối nguồn hàng. Với những đơn hàng yêu cầu tăng giá, Saigon Co.op sẽ yêu cầu đối tác làm rõ lý do tăng.

 

Trong trường hợp bất khả kháng, Saigon Co.op mới chấp nhận điều chỉnh giá. Nhưng trong tình hình hiện nay, cả DN sản xuất lẫn phân phối cùng bàn bạc để xem lại mức chiết khấu. Riêng Saigon Co.op cũng phải điều chỉnh lại mức lãi gộp nhằm đảm bảo mức giá tốt nhất cho khách hàng.

 

Để ổn định sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, nhà nước cần có một cơ chế riêng hỗ trợ vốn vay cho các DN. Không nhất thiết phải hỗ trợ về lãi suất như chúng ta đã từng sử dụng thông qua nguồn vốn kích cầu. Điều mà DN cần là tạo cơ chế để họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn, thông qua mức lãi suất bình đẳng trên thị trường.

 

Cùng với việc ổn định tỷ giá, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại một số biểu thuế nhập khẩu đối với các loại nguyên vật liệu nhập khẩu nhằm giảm áp lực tăng giá cho cho DN. Đây cũng là cách để chúng ta đảm bảo cung cầu nguồn hàng, ổn định thị trường giá cả trong thời điểm hết sức nhạy cảm hiện nay. 

 

Theo các chuyên gia, hiện có 4 lý do chính làm tăng giá trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá hàng hóa. Đó là tỷ giá tăng, giá nguyên liệu ngoại nhập tăng, chi phí vận chuyển tăng do ảnh hưởng từ bão lũ và nguồn cung nguyên liệu trở nên khan hiếm do hết mùa vụ. Ngoài ra, đợt điều chỉnh tăng lãi suất vào đầu tháng 11 vừa qua đã làm cho thị trường, hàng hóa thực sự bước vào giai đoạn “sốt nóng”. Với mức lãi suất lên tới 17%-18%, thậm chí là 19%, tiền mặt đã lên ngôi, còn các DN bắt đầu “sợ” vốn vay ngân hàng bởi làm không khéo sẽ phá sản vì lãi suất. Còn với các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phải vay nóng để chuẩn bị hàng tết.

 

 

Theo SGGP Online

Tệp đính kèm