Cập nhật: 28/11/2010 10:26:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Nghị định 109/NĐ-CP ngày 4/11 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, cơ chế điều tiết giá lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu trên thị trường được thực hiện trên cơ sở giá lúa định hướng bình quân từng vụ sản xuất, nhằm góp phần đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.

Trong trường hợp giá lúa hàng hóa trên thị trường bằng hoặc cao hơn giá lúa định hướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Ngân hành nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trình thủ tướng Chính Phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp điều tiết cụ thể để duy trì giá lúa, gạo hàng hóa trên thị trường không thấp hơn giá định hướng, đồng thời đảm bảo hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả.

 

Diễn biến thời gian qua cho thấy, thị trường lúa gạo đang phức tạp và khó lường, do nhiều yếu tố tác động. Theo thông tin từ Hiệp Hội lương thực Việt Nam (VFA), đến ngày 31/10, tổng lượng gạo xuất khẩu đã có hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước là 6,939 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi đó, số gạo thực tế đã xuất khẩu được 5,837 triệu tấn, tương đương 2,471 tỷ USD. Dự kiến, trong tháng 11 và 12, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 700.000 tấn, số gạo còn lại đã ký theo hợp đồng sẽ được chuyển sang năm 2011. Như vậy, đến thời điểm hiện tại trong nước còn tồn kho khoảng 1,023 triệu tấn gạo và dự kiến trong tháng 11 và 12 sẽ thu hoạch lúa quy đổi thêm 400.000 tấn gạo. Sau khi trừ số gạo các doanh nghiệp sẽ vay trong thời gian tới, lượng gạo tồn kho được chuyển sang năm 2011 của cả nước còn khoảng 723.000 tấn.

 

Tuy nhiên, có thực tế là thị trường gạo trên thế giới đang biến động rất mạnh do Indonexia, Malaysia, Philippines … bị các cơn bão mạnh tàn phá nên lượng gạo nhập ở các nước có khả năng tăng cao, trong khi thị trường châu Phi, I-rắc, Cu ba vẫn đang mở cửa. Trong khi hiện chỉ có Thái Lan và Việt Nam là còn có khả năng xuất khẩu gạo. Thái Lan lại đang bán gạo tồn kho và mở cửa biên giới cho gạo của Myanmar và Campuchia vào. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường tiềm ẩn nhưng tác động rất lớn đến thị trường lúa gạo thế giới. Khi nhu cầu gạo ở thị trường này tăng sẽ tạo nên sức hút rất lớn từ thị trường lúa gạo thế giới.

 

 

Hiện tại, Trung Quốc đã đặt vấn đề mua gạo với Bộ Công Thương và VFA nhưng chưa công bố số lượng cụ thể. Điều đáng lo là nếu thị trường này mua gạo Việt Nam bằng đường tiểu ngạch sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta chỉ nắm được số lượng gạo trên báo cáo của các doanh nghiệp nhưng lại không sát với thực tế. Giá gạo đang tăng lên từng ngày, VFA và Tổng công ty Lương thực đang rất lo, nên đề nghị các doanh nghiệp nên nắm chắc và báo cáo chính xác lượng gạo của từng đơn vị. Nếu điều hành không tốt rất có khả năng dẫn đến tình trạng sốt gạo cục bộ vào thời điểm cuối năm.

 

Nhu cầu lên cao đã đẩy giá lúa gạo tăng từng ngày. Ngay thị trường trong nước, giá lúa gạo thường xuyên biến động. Ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè), cho biết, hiện nay công ty mua gạo nguyên liệu với giá 8.200- 8.300 đồng/kg nhưng chỉ với số lượng từ 70-80 tấn/ngày, cao nhất cũng chỉ 100 tấn do đang ở thời điểm giáp vụ.

 

Theo mặt bằng chung, giá lúa thường ở đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 5.800 đến 5.950 đồng/kg; lúa hạt dài 5.900-6.250 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 9.450- 9.750 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.750- 9.250 đồng/kg và gạo 25% tấm từ 8.750- 8.900 đồng/kg… Hiện giá nếp lên đến 15.000 đồng/kg và đang hút hàng. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp chỉ mua lúa gạo qua các trung gian, nhà máy xay sát do lượng lúa gạo trong dân không còn nhiều.

 

Trong khoảng 2 tháng qua, VFA thay đổi liên tiếp 4 lần giá sàn gạo xuất khẩu. Mức giá sàn hiện là 475 USD/tấn với loại gạo 5% tấm, 445 USD/tấn với loại gạo 25% tấm, tăng khoảng 75 USD/tấn so với trước đó. Việc điều chỉnh tăng giá sàn lúc này là hợp lý. Bởi lẽ, các dự báo cho thấy, năm nay sản lượng lương thực của Mỹ và một nước châu Á giảm đáng kể. Trong khi các thị trường như Indonesia, Philipines, Bangladesh đang có nhu cầu rất lớn.

 

 

Tuy nhiên, diễn biến thời tiết gần đây đã tác động rất lớn đến thị trường lúa gạo trong nước cũng như tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Gần đây, mưa bão miền Trung gây thiệt hại nặng nề trong khi dự báo vụ đông xuân sắp tới hết sức khó khăn, khắc nghiệt. Hạn hán có thể diễn ra sớm và nặng nề hơn. Do đó, theo khuyến cáo của các doanh nghiệp, vụ đông xuân, nông dân nên chọn các giống lúa ngắn ngày để đảm bảo thời gian thu hoạch. Chính vì vậy, bên cạnh việc cung ứng gạo theo nhu cầu đang tăng mạnh của thị trường thế giới thì việc đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước là một bài toán không đơn giản.

 

 

                                                                                                                                             Báo điện tử Công Thương

 

Tệp đính kèm