Cập nhật: 29/11/2010 16:33:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù thời gian vừa qua, các cơ quan Nhà nước đã liên tục đưa ra những biện pháp xử lý, cũng như chính sách để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng hàng hóa vi phạm vẫn ngày càng gia tăng. Các mặt hàng này cũng trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn.

Đó là nhận định của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) tại buổi lễ phòng chống hàng giả, hàng nhái năm 2010, vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

Hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng

 

Trong thời gian qua, tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Các mặt hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ở tất cả mọi nơi, từ nông thôn đến thành phố, từ khu chợ nhỏ đến những cửa hàng lớn, từ cao cấp, đến bình dân. Việc hàng giả hàng nhái ngày càng gia tăng đã tạo ra một khó khăn lớn đối với cơ quan quản lý.

 

Theo số liệu từ các Chi cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý khoảng 50.896 vụ vi phạm, trong đó hơn 11.044 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với số tiền thu được từ các vụ vi phạm này lên tới trên chục tỷ đồng.

 

Chỉ tính riêng TP.HCM, trong bảy tháng đầu năm 2010 lực lượng quản lý thị trường thành phố đã phát hiện hơn 400 vụ vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, tăng hơn 100 vụ so với cùng kỳ năm 2009.

 

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Vatap cũng cho biết, trong thời gian vừa qua tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng nhái đã trở nên tràn lan, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất, không phân biệt giá trị nhỏ hay lớn, công nghệ cao hay thấp.

 

Không chỉ xuất hiện ở chợ, tại các thành phố lớn, hàng giả, hàng nhái còn tràn vào các cửa hàng, thậm chí là các trung tâm thương mại lớn. Với kỹ thuật làm giả, nhái tinh vi, những sản phẩm nhái giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu. Việc hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan đang làm đau đầu các nhà sản xuất, cũng như cơ quan quản lý thị trường.

 

Trao đổi với PV VnMedia, ông Triệu Quang Thìn, trưởng phòng Tổng hợp và Phối hợp liên ngành, Cục quản lý thị trường cho biết, hiện tại việc quản lý hàng hóa trên thị trường hết sức khó khăn. Do hàng nhái, hàng giả trên thị trường quá nhiều mà lực lược kiểm tra viên cũng như kinh phí lại có hạn. Vì vậy, việc để thu giữ và xử lý một lô hàng kém chất lượng là một vấn đề khá lớn.

 

Hiện tại, Cục quản lý thị trường cũng liên tục tổ chức những đợt kiểm tra và thu giữ những hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, để giải quyết được hết những mặt hàng này phải cần một thời gian dài cũng như sự hợp tác của nhiều phía như doanh nghiệp, cơ quan ban hành quy chế..., ông Thìn cho biết.

 

Thiệt hại nặng đến nền kinh tế

 

Theo một cuộc khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết.

 

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường, thời gian vừa qua nhiều quy định pháp lý như: kể từ 15/9 tất cả các mặt hàng đồ chơi, mũ bảo hiểm khi lưu thông trên thị trường phải dán tem hợp chuẩn CR…, nhưng hiệu quả thu được còn rất thấp. Việc đối phó dán tem lên các sản phẩm lại được các doanh nghiệp làm tran lan.

 

Không chỉ những mặt hàng như túi xách, mũ, đồ chơi… mà hiện tại hàng nhái, hàng giả còn hoành hành ở những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá, sữa... lại bị làm giả

 

Theo ông Lê Thế Bảo, việc hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng mà còn làm thua thiệt cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, thất thu thuế cho Nhà nước. Vấn nạn này còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu trên thị trường Việt Nam.

 

Tuy nhiên, một sự thật đáng lo ngại là hiện nay, mặc dù hàng giả hàng nhái được bày bán khá nhiều trên thị trường, nhưng lại đang có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc này. Vì vậy, để người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng nhái, nhận biết được nhãn hiệu hàng hóa có chất lượng tốt là bài toán khó, ông Bảo cho biết.

 

Sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính đến bờ thua lỗ, thậm chí phá sản. Không những thế, việc lưu hành sản phẩm giả và kém chất lượng còn làm ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng.

 

Vì vậy, để có phòng chống được hàng giả, hàng kém chất lượng đang rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp sản xuất cũng như cơ quan quản lý, để những mặt hàng này không thể tồn tại trên thị trường.

 

 

Theo VnMedia

Tệp đính kèm