Cập nhật: 30/11/2010 15:01:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xuất khẩu tiếp tục theo chiều hướng thuận lợi cùng những dự báo về nhập siêu cả năm dưới mức mục tiêu 20%, là những thông tin tích cực được Bộ Công thương đưa ra tại cuộc giao ban xuất nhập khẩu chiều 29/11.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đang tiếp tục theo chiều hướng thuận lợi và có khả năng đạt 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009 và tăng 16,5 so với kế hoạch năm.

 

Theo số liệu của Liên bộ do Bộ Công thương công bố trong cuộc giao ban xuất nhập khẩu chiều 29/11, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 6,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng 10.

 

Nhìn từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu tháng này chỉ kém tháng 8 (kim ngạch 6,86 tỷ USD) nhưng cao hơn toàn bộ các tháng còn lại. Nếu không tính nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm (tháng 8 xuất khẩu 774 triệu USD trong khi tháng 11 chỉ có 30 triệu USD) thì đây là tháng có mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm.

Tính đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 64,3 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2009, góp phần vào tăng trưởng GDP cả nước và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực với các yếu tố thuận lợi về giá, đơn hàng, thị trường như cao su, hạt tiêu, dầu thô, dệt may, sản phẩm gỗ… Như vậy, tính cả 11 tháng, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 5,86 tỷ USD, cao hơn mức bình quân kế hoạch (kế hoạch năm 60,5 tỷ USD, bình quân 5,04 tỷ USD/tháng).

 

Trong tổng số các mặt hàng chủ yếu xuất hiện trong báo cáo của Bộ Công thương, chỉ có dầu thô, sắn và sản phẩm từ sắn giảm về kim ngạch so với cùng kỳ, còn lại đều tăng khá cao, điển hình là cao su, điều, gạo, hóa chất và sản phẩm, sắt thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây và cáp điện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng...

 

Đã có thêm hạt điều và xăng dầu lọt vào nhóm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

 

Xuất khẩu dệt may vẫn giữ vị trí số 1

 

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong những năm qua, ngành dệt may luôn đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trên 17%/năm.

 

Với năm 2010, tháng 11 là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu dệt may vượt mức 1 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đã đạt 10,036 tỷ USD.

Vượt qua những khó khăn đặc thù của ngành dệt may như lao động, nguồn điện, sự tăng giá của chi phí đầu vào… xuất khẩu dệt may vẫn luôn giữ vị trí hàng đầu trong xuất khẩu cả nước. Thời gian cuối năm, theo chu kỳ các doanh nghiệp dệt may đang đẩy nhanh sản xuất và giao hàng cho khách theo những đơn hàng cuối năm.

 

Với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong mấy tháng qua, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2010 đối với mặt hàng này sẽ trên 11 tỷ USD, tăng 21,3% so với năm 2009, vượt kế hoạch 5,1%. Như vậy, dệt may sẽ trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, duy trì được vị trí Top 10 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.

 

Theo ông Lê Văn Đạo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với cơ hội thị trường tiêu thụ đang dần hồi phục và những lợi thế của mình, trong những năm tới, ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh.

 

Mục tiêu của ngành dệt may đến năm 2015 là phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, phấn đấu đến năm 2015 đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, với tỷ lệ nội địa hóa là 60%. Đặc biệt, phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực.

 

Nhiều mặt hàng nông sản được giá

 

Hầu hết tăng về khối lượng xuất khẩu nhưng giá bán cao hơn là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản có một năm bội thu.

 

Theo số liệu của Liên bộ, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thuỷ sản tháng 11 ước đạt 1,39 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng lên mức trên 17 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm.

Trừ mặt hàng cà phê và sắn, khối lượng và giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đều có sự tăng trưởng khả quan. Điển hình tăng mạnh về lượng, giá trị kim ngạch và giá bán là mặt hàng gạo.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu tháng 11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 8% với giữa tháng 8 và hiện đang giao dịch mức bình quân 490 – 500 USD/tấn. Việc giá gạo đang ổn định ở mức khá cao so với các tháng trước, cộng thêm nhu cầu nhập khẩu gạo cũng ở mức ổn định đang tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

 

Kết quả giao hàng từ ngày 1/1 đến 26/11 là 6,219 triệu tấn, đạt trị giá 2,651 tỷ USD. Dự báo năm 2010, xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 6,6 triệu tấn, tương đương 3,08 tỷ USD.

 

Nhưng tăng giá nhiều nhất phải kể đến mặt hàng cao su. Ước xuất khẩu cao su 11 tháng đạt 672.000 tấn, thu về xấp xỉ 2 tỷ USD, chỉ tăng 4,8% về lượng nhưng tăng mạnh tới 86,4% về giá trị so với cùng kỳ.

 

Năm 2010 là năm kỷ lục đối với ngành cao su Việt Nam vì giá bán cao su liên tục tăng, có lúc đạt trên 4000 USD/tấn. Triển vọng lượng xuất khẩu cao su năm 2010 sẽ đạt được trên 760.000 tấn, cộng thêm thuận lợi về giá xuất khẩu nên khả năng kim ngạch đạt trên 2,23 tỷ USD (tăng gần gấp đôi so với năm trước) là có thể đạt được.

 

Tháng 11 này, hạt điều lần đầu tiên lọt vào nhóm các mặt hàng kim ngạch tỷ USD. Ước xuất khẩu sản phẩm này 11 tháng đạt 179.000 tấn với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt 5.621 USD/tấn tăng tới 941 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù liên tiếp gặp phải những khó khăn trở ngại từ phía nhà nhập khẩu nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn từng bước khẳng định được vị thế vững vàng tại nhiều thị trường trên thế giới và tiếp tục giữ vị trí là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong thời gian gần đây. Dự kiến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản có khả năng vượt kế hoạch năm khoảng 6,5%, đạt 4,9 tỷ USD (tăng 16,4% so với trước).

 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn nhất - 41,7% - trong danh mục các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam 11 tháng năm 2010. Cá tra đứng thứ 2 nhưng xuất khẩu trong 11 chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái.

 

Hiện nhu cầu nhập khẩu cá tra để tiêu dùng trong dịp Noel và năm mới tại các thị trường phương Tây đang tăng nhưng các doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng do sợ thiếu nguyên liệu.

 

Nguồn cung cà phê thế giới đang thiếu hụt khiến giá cà phê tiếp tục giữ xu hướng tăng. Việc giá cà phê ngày càng có chiều hướng tăng và ổn định hơn nên đã khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng, tập trung đầu tư, chăm sóc, thâm canh cây cà phê. Các vùng trọng điểm trồng cây cà phê đều có khả năng cho năng suất cao (khoảng từ 3 tấn cà phê nhân/ha trở lên). Những điều kiện thuận lợi về giá cả, nguồn cung đang là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cà phê Việt Nam trong niên vụ mới. Dự kiến, cà phê xuất khẩu năm 2010 sẽ đạt 1,15 triệu tấn, tương đương khoảng 1,74 tỷ USD kim ngạch, tăng 4,5% về lượng và 1,5% về kim ngạch so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

 

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng qua đạt trên 3 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nhập siêu dưới mức mục tiêu 20%

 

Ông Nguyễn Thành Biên- Thứ trưởng Bộ Công thương dự báo, nhập siêu cả năm 2010 sẽ trong khoảng 12 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 17%, đạt được chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra.

 

Theo ông Biên, chu kỳ hàng năm, nhập khẩu tháng cuối cùng của năm thường tăng cao hơn so với những tháng trước. Tuy nhiên, việc tích cực triển khai các biện pháp kiềm chế nhập siêu đồng bộ sẽ góp phần hạn chế nhập  khẩu, dự báo nhập khẩu năm 2010 sẽ khoảng 82,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2009.

 

Theo báo cáo Liên ngành, nhập siêu tháng 11 ở mức 1,25 tỷ USD, bằng 19,38% kim ngạch xuất khẩu, cao nhất trong vòng 9 tháng qua và chỉ kém tháng 2 khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trong 11 tháng qua thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (xuất khẩu tăng 24,5%, nhập khẩu tăng 19,8%). “Như vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng mạnh và nhập khẩu lại có xu hướng chững lại nên tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đã giảm dần qua các tháng và tính đến hết tháng 11, tỷ lệ  này vẫn đảm bảo chỉ tiêu do Chính phủ đặt ra”- ông Biên nói.

 

Song nếu xét về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu so với cùng kỳ thì có thể thấy vấn đề đáng quan tâm. Đó là, khi kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu và nhóm hàng cần hạn chế tăng lần lượt là 18,5% và 16,1% thì nhóm hàng cần kiểm soát vẫn tăng cao so với cùng kỳ (khoảng 33,1%), chủ yếu là do sự tăng mạnh của đá quý, kim loại quý và sản phẩm (chủ yếu là vàng) trong hơn hai tháng qua.

 

Trong tổng số hơn 30 mặt hàng nhập khẩu chính, có 5 mặt hàng giảm về kim ngạch so với cùng kỳ, còn lại đều tăng khá cao như lúa mỳ tăng 79,1%; bông tăng 71,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 51,4%; sợi dệt tăng 41,7%; sữa và sản phẩm từ sữa tăng 40,7%; sản phẩm từ dầu mỏ tăng 40,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng tới 36,4% so với cùng kỳ.../.

 

Theo VOVNews

Tệp đính kèm