CPI những tháng cuối năm tăng cao và phức tạp, hết 11 tháng đã tăng 9,58%, chỉ còn 0,42% là cán mốc hai con số (10%) nên mục tiêu kiềm chế lạm phát một con số năm nay khó thực hiện được.
Chiều ngày 30/11, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thông báo về diễn biến, dự báo giá cả những tháng cuối năm và vấn đề bình ổn thị trường hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán.
Khó đạt mục tiêu lạm phát dưới hai con số
Tổ điều hành thị trường trong nước thừa nhận: việc giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 2 con số theo kế hoạch đề ra trong năm nay là rất khó khăn. Chỉ số CPI trong 11 tháng đầu năm đã là 9,58%, trong khi theo tính toán, CPI tháng 12 sẽ ở mức 1,3- 1,5%”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: tăng giá không xuất phát từ cân đối cung cầu hàng hóa trong nước mà từ giá thế giới tăng, trong khi Việt Nam nhập khẩu nhiều; bão lụt, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng và nhất là thị trường vàng, ngoại tệ diễn biến bất thường. Ngoài ra, không loại trừ hiện tượng lợi dụng đầu cơ, găm hàng giữ giá, tăng giá bất hợp lý.
Đồng thời khẳng định: dù không được như kỳ vọng, song các biện pháp bình ổn giá đưa ra đã giữ được chỉ số CPI như hiện nay là những nỗ lực rất lớn; tuy nhiên, tới đây, nếu không có các biện pháp quyết liệt của các Bộ ngành, CPI sẽ còn tăng nữa.
Thứ trưởng Thoa cho biết thêm: yếu tố tâm lý đang ảnh hưởng rất nhiều tới việc tăng giá, ví dụ như mặt hàng rau củ chẳng ảnh hưởng gì bởi giá vàng hay giá USD nhưng vẫn tăng giá.
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa dịp cuối năm
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định: từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Tân Mão, nguồn cung hàng hóa đảm bảo đầy đủ. Các doanh nghiệp phân phối đã có sự chuẩn bị hàng dự trữ từ cuối tháng 10.
Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo các Sở công thương, tập đoàn, tổng công ty rà soát lại những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng để tránh thiếu hàng, sốt giá. “Nhiệm vụ của Bộ Công Thương là đảm bảo cung cầu hàng hóa và có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thị trường về găm giữ hàng hóa, bán không đúng giá niêm yết. Với lượng dự trữ các mặt hàng hiện nay, chúng ta sẽ không sốt hàng”, thứ trưởng khẳng định.
Đại diện của Bộ NN&PTNT cho biết: cung cầu hàng hóa với mặt hàng lương thực thực phẩm hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp Tết và gối đầu được sang tháng 3.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo trong kho của các doanh nghiệp có xấp xỉ 1 triệu tấn cùng với lượng gạo từ vụ Mùa của miền Bắc, vụ Thu Đông của miền Nam còn lại sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011.
Tuy nhiên, giá lúa gạo trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, do vậy giá trong nước cũng sẽ điều chỉnh dần theo giá tăng của thế giới, nhưng sẽ không tăng đột biến.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, với nhu cầu tiêu thụ thịt tăng 5%, lượng cung trong nước đã tăng tương ứng, cộng thêm hàng năm doanh nghiệp trong nước nhập khẩu thịt ngoại khoảng 5-6% tổng nhu cầu, nên thực phẩm đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, theo quy luật hàng năm nhu cầu về thực phẩm để phục vụ tiêu dùng và sản xuất tiếp tục tăng (vào mùa cưới, chuẩn bị Tết, thời tiết chuyển lạnh...) nên dự báo giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn trong tháng tới sẽ tiếp tục tăng.
Với mặt hàng có giá diễ biến bất thường như đường, dự báo trong tháng tới có khả năng chững hoặc giảm nhẹ.
Theo Hiệp hội mía đường, trong tháng 12, toàn bộ các nhà máy đường sẽ vào vụ sản xuất. Cân đối cung cầu, lượng đường trong sản xuất hiện còn 35- 36.000 tấn đường, cao hơn năm ngoái 10.000 tấn, ngoài ra hạn ngạch nhập khẩu đường của các doanh nghiệp còn khoảng 90.000 tấn. Với nhu cầu tiêu dùng bình quân 110.000 tấn đường/tháng, thì nguồn cung như trên có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới.
Hiện Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý về nhập khẩu mặt hàng đường bình ổn thị trường nhập khẩu theo đúng tiến độ và cam kết để bảo đảm nguồn cung, hạn chế tình trạng sốt giá, thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết.
Theo vovnews.vn