Cập nhật: 07/12/2010 16:31:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tết Nguyên Đán Tân Mão 2011 đang đến gần, thời điểm này cũng là lúc thị trường bắt đầu “nóng” dần, giá cả hàng hóa leo thang nhanh. Trước thực tế này, nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai các biện pháp để bình ổn giá cuối năm.

Nhiều địa phương “vào cuộc” bình ổn giá

 

* Tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để bình ổn giá cả hàng hóa. Từ đầu tháng 7 đã có 13 doanh nghiệp đủ điều kiện được tạm ứng hàng trăm tỷ đồng, lãi suất 0% để dự trữ 9 nhóm hàng thiết yếu. Đến đầu tháng 11, Hà Nội đã có gần 400 điểm bán hàng bình ổn giá tại khu vực nội thành và một số huyện, thị xã phục vụ người dân. Trong tháng 11, Hà Nội đã tổ chức "Tháng khuyến mãi" với hơn 1.000 điểm bán hàng, mức giảm giá có mặt hàng lên tới 50%, tạo cơ hội mua sắm hàng giá rẻ cho người dân và du khách. Hiện, chương trình bình ổn giá vẫn được triển khai tích cực.

 

* Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các ngành, các cấp tập trung thực hiện tất cả các giải pháp tổng hợp để nỗ lực bình ổn giá cả, thị trường trong những tháng cuối năm 2010 và tết Tân Mão 2011. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý thị trường, thành lập ngay các đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý giá trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

 

Bên cạnh việc tổ chức, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng trong diện bình ổn, UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh cần mở rộng mạng lưới phân phối đưa hàng đến tận tay người có nhu cầu tiêu dùng trên các địa bàn dân cư, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, các ký túc xá. Sở Thông tin truyền thông, các cơ quan báo chí cần thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về những biến động giá, góp phần ổn định tâm lý xã hội, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về việc tiết kiệm chi tiêu trong giai đoạn hiện nay...

 

* Tại Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định tạm ứng 3,5 tỷ đồng từ quỹ ngân sách thành phố để bình ổn giá thịt heo trong dịp tết Nguyên Đán sắp đến. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Công thương TP Đà Nẵng phối hợp với Công ty TNHH Đắc Vinh dự trữ 25 tấn thịt heo và tổ chức 11 điểm bán hàng bình ổn tại khu vực các chợ bán lẻ trên địa bàn và 2 xe bán hàng lưu động ở ngoại thành.

 

UBND TP cũng thống nhất hỗ trợ 100 triệu đồng để công ty TNHH Đắc Vinh chuẩn bị cơ sở vật chất, chi trả lương nhân viên khi thực hiện công tác bán thịt heo bình ổn giá; hỗ trợ Sở Công thương 100 triệu đồng để phối hợp tổ chức bán hàng khu vực miền núi phục vụ tết và kiểm tra giám sát Công ty TNHH Đắc Vinh trong việc thực hiện bán thịt heo bình ổn giá.

 

* Tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ gần 228 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp gồm: siêu thị Vinatex Bình Dương, Citimart Bình Dương, doanh nghiệp tư nhân thương mại - dịch vụ Hải Long và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Bình Dương (Co.op Mart) thực hiện dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trước, trong và sau tết Nguyên Đán Tân Mão 2011.

 

Các mặt hàng tham gia bình ổn gồm: lương thực, thực phẩm tươi sống, đông lạnh, thực phẩm chế biến... Ngoài việc bán hàng bình ổn giá tại 15 điểm ở hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp trên còn triển khai 40 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa góp phần làm giảm áp lực người dân tập trung về các chợ trung tâm mua sắm hàng hóa tết cũng như giảm áp lực tăng giá ở các chợ truyền thống này.

 

* Tại Thừa Thiên-Huế, UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2010. Theo đó, thống nhất phương án bình ổn thị trường đối với 4 mặt hàng thiết yếu, gồm: gạo, đường, dầu ăn và thực phẩm tươi sống. Thời gian thực hiện trước mắt kéo dài 5 tháng (từ tháng 11-2010 đến tháng 4-2011).

 

UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan hoàn chỉnh phương án dự trữ; lập kế hoạch cân đối số lượng hàng hóa dự trữ, đảm bảo kịp thời cung ứng khi có yêu cầu, đồng thời các đơn vị chức năng rà soát lại những mặt hàng dự trữ để tránh gây biến động về giá trong những tháng cuối năm, nhất là vào dịp tết Dương Lịch và tết Nguyên Đán 2011.

 

Không lo thiếu hàng trong dịp Tết

 

Công tác đầu tư, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm đã và đang được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương, việc chuẩn bị nguồn hàng đang diễn ra theo đúng tiến độ do đó, hầu hết các địa phương đều khẳng định sẽ không thiếu hàng hóa trong dịp tết này.

 

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây về công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát giá, bình ổn thị trường tết, Bộ Công Thương cho biết, theo thông lệ, từ tháng 12 năm 2010 đến tháng 2 năm 2011, lượng hàng hóa tăng khoảng 20%. Hệ thống bán lẻ được mở rộng và nguồn dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong kho đã được chuẩn bị chu đáo cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm.

 

Một số mặt hàng được dự báo sẽ thiếu và có mức tăng giá cao như: thịt, gạo, đường… Tuy nhiên, theo khẳng định từ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng là mặt hàng gạo sẽ khó tăng giá đột biến bởi nhiều tỉnh đang, sắp thu hoạch vụ mùa và vụ đông, lượng gạo dự trữ cũng được các doanh nghiệp thực hiện đúng kế hoạch.

 

Đối với mặt hàng thịt cũng không thiếu khi chăn nuôi khá ổn định, tăng 5,5% so cùng kỳ với sản lượng gần 4,1 triệu tấn thịt hơi các loại. Lượng đường cũng sẽ đảm bảo đủ cung cho dịp tết khi lượng dự trữ đã đạt 39.000 tấn (cao hơn 10% so với năm trước).

 

Để đẩy mạnh bình ổn giá từ nay đến tết Tân Mão 2011, các bộ ngành liên quan và các địa phương tiếp tục triển khai công tác bình ổn giá cả các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng trọng yếu. Đồng thời, tăng cường việc tổ chức kiểm tra, can thiệp kịp thời các hiện tượng bất ổn của thị trường, nhất là mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, thực phẩm

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm