Sau khi nhận định về việc lãi suất huy động tăng 17-18%, có nơi lên tới 19% là bất thường, NHNN đã chính thức tuýt còi cuộc đua lãi suất và thông báo sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện ngân hàng nào tăng lãi suất trái quy định.
Mặc dù lời cảnh cáo đã được đưa ra, nhưng dường như cơn khát vốn đã không thể khiến các ngân hàng dừng lại. Nếu không sớm có những biện pháp xử lý tận gốc hiện tượng tăng lãi suất đột biến này, thì hệ lụy sẽ không nhỏ với nền kinh tế.
Sau sự việc Techcombank bị NHNN tuýt còi về việc công khai tăng lãi suất huy động từ 12% lên mức trên 17%, nhiều ngân hàng đã tìm ra những biện pháp lách.
Mặc dù trên biển niêm yết, lãi suất các kỳ hạn chỉ ở mức 13-14%, nhưng VP bank đã sử dụng biện pháp cắt cử nhân viên trước cửa để chăm sóc khách hàng và công bố mức lãi suất huy động bằng miệng là 17,3%, thay vì 13-14% như niêm yết. Để hợp thức hóa mức 3% cao hơn quy định, khoản này đã được núp dưới hình thức thưởng với lý do: Đã có thành tích giới thiệu khách hàng mới.
Một nhân viên ngân hàng VP bank nói: “Lãi suất 14%, nhưng tặng cho chị 3% để giới thiệu khách hàng cho em. Nếu không giới thiệu được thì sao? Chỉ là hình thức thôi mà”.
Một số ngân hàng khác bề ngoài khá tuân thủ trước lệnh cấm đua lãi suất của ngân hàng nhà nước, nhưng chỉ là với những món tiền gửi nhỏ, còn đối với những khách hàng có lượng tiền lớn không chấp nhận lãi suất niêm yết, đòi bỏ đi tìm ngân hàng khác gửi thì chiêu thức thỏa hiệp lãi suất mới chính thức được tung ra.
Nhân viên ngân hàng: “Lãi suất ở đây là 12,8, nếu chị gửi thì sao, để em hỏi, em có thể cho chị lãi suất 17,5%…”
Trong chặng đua lãi suất của các ngân hàng, gánh chịu hậu quả là các doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vốn thuộc diện được ưu tiên. Trong bối cảnh gom từng đồng, ngân hàng cũng đành phải cào bằng, áp dụng mức cho vay 18-20% trong 1 tháng đầu, những tháng tiếp sau lãi suất sẽ là bao nhiêu thì cả DN và ngân hàng đều trong tình trạng không thể lường trước.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch hiệp hội nhà thầu cho biết: “Cơn lốc tăng lãi suất huy động đang kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều nhà thầu đã phải dừng kinh doanh vì nhìn thấy làm là lỗ do bị chiếm dụng vốn”.
Theo đại diện NHNN thì mức lãi suất huy động chỉ dừng ở mức 13 hoặc trên 13 là vừa phải. Việc tăng lãi suất huy động bất thường là do chính bản thân mỗi ngân hàng có vấn đề. Những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn tích cực bơm tiền hỗ trợ cho các ngân hàng có nhu cầu, mỗi ngày vài chục nghìn tỷ đồng.
Theo VTV.VN