Ông Héctor Rodríguez Llompart, người từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cuba đánh giá Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
Ngày 13/12, báo "Granma" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, mới đây đã đăng bài viết của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba Héctor Rodríguez Llompart, người đã cùng Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Nguyễn Khang ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 2/12/1960, mở ra một trang mới trong mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác anh em giữa hai nước.
Trong bài viết, ông Llompart khẳng định dân tộc Việt Nam đã thực hiện một cách đáng khâm phục ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một đất nước Việt Nam 10 lần tươi đẹp hơn."
Mở đầu bài viết, ông Llompart ôn lại thời điểm ông và Bộ trưởng Nguyễn Khang ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Ngoại thương Phan Anh.
Ông viết: “Tôi là người vô cùng vinh dự được ký thỏa thuận đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị tuyệt vời giữa hai đất nước anh em. 50 năm đã trôi qua kể từ buổi sáng tháng 11 năm đó, khi Tư lệnh Ernesto Che Guevara, lúc đó đang có mặt tại Bắc Kinh, cử tôi dẫn đầu một phái đoàn sang Hà Nội để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Việt Nam.”
Ông Llompart nhớ lại: “Trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam lần đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi được duyệt đội danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi cũng không thể quên được những lời kể của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp về trận chiến Điện Biên Phủ chống thực dân Pháp của quân đội và nhân dân Việt Nam.”
Năm 1973, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng Tư lệnh Fidel Castro, ông Llompart cũng là thành viên của đoàn.
Ông hồi tưởng: “Cuba là quốc gia đầu tiên công nhận Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam và Tổng Tư lệnh Fidel Castro là vị nguyên thủ quốc gia duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam. Vô cùng xúc động với chuyến đi tới tận tuyến lửa, trên đường trở về miền Bắc, chúng tôi chứng kiến cảnh những em bé bị thương do giẫm phải bom của Mỹ cũng như cảnh những em bé vẫn tiếp tục làm việc trên những cánh đồng đầy bom đạn."
Ông kể: "Tổng Tư lệnh Fidel Castro đã ra lệnh dừng đoàn xe lại và yêu cầu các bác sỹ Cuba phải chăm sóc cho các em nhỏ bị thương… Trong chuyến đi vô cùng ấn tượng từ Bắc vào Nam, bằng đường bộ và đường không đó, chúng tôi đã chứng kiến cảnh cỗ máy chiến tranh Mỹ tàn phá Việt Nam, một đất nước mà lúc đó cơ sở hạ tầng còn vô cùng nghèo nàn, bom đạn khắp nơi, từng đoàn người chở đất đá, những người lính đi bộ và đẩy xe đạp gùi gạo chi viện cho mặt trận, hàng đoàn người hành quân tiến về tiền tuyến.”
Bài viết tiếp tục với sự khẳng định của tác giả: “Chứng kiến thực tế vô cùng ấn tượng đó, có thể dễ dàng rút ra kết luận rằng đế quốc Mỹ dù có mạnh tới đâu cũng không thể ngăn cản được ý chí quyết tâm giành thắng lợi của dân tộc Việt Nam anh hùng. Cuối cùng đế quốc Mỹ cũng đã thất bại và nhân dân Việt Nam đã chiến thắng, thống nhất đất nước. Dân tộc Việt Nam đã giành lại độc lập và tự do bằng phẩm giá của mình, với sự hi sinh của 4 triệu người con, bao nhiêu thương binh, thiệt hại khổng lồ về vật chất và sự tụt hậu của nền kinh tế so với các quốc gia khác mà chiến tranh đã để lại.”
Về tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Cuba đối với Việt Nam, ông Llompart cho rằng: “Sự ủng hộ vô điều kiện của Cuba được đúc kết trong câu nói của lãnh tụ Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hy sinh cả máu của mình.” Bất chấp sự cấm vận và những khó khăn, Cuba đã ủng hộ 775.600 tấn đường cho Việt Nam trong giai đoạn 1960-1980.”
Đề cập tới những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay, ông Llompart viết: “Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và nhân dân Việt Nam là những người đầu tiên được hưởng những thành quả này. Điều này thật đáng khâm phục. Việt Nam đã xóa nạn mù chữ, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm đáng kể, tỷ lệ người nghèo cũng ở mức rất thấp và điều kiện sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Một nửa dân số Việt Nam dưới 25 tuổi, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp rất thấp và 65% dân số tham gia vào các hoạt động nông nghiệp. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo và cao su thứ hai thế giới, thứ ba về càphê và hàng đầu về hạt tiêu.”
Trong trao đổi thương mại giữa hai nước, ông Llompart cho rằng đã có những bước tiến quan trọng và kim ngạch buôn bán hai chiều ở mức trên 300 triệu USD/năm. Các liên doanh giữa hai nước đang hoạt động tốt và Chương trình hợp tác sản xuất lúa gạo tại Cuba với sự giúp đỡ của các chuyên gia Việt Nam đang mang lại hiệu quả đối với nền kinh tế Cuba.
Với những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đang tham gia vào các dự án đầu tư vào công nghệ thông tin, điện tử của Cuba cũng như thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng Vịnh Mexico.
Trong tuyên bố chung được ký kết vào tháng 6/2007, Thư ký thứ hai Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh khẳng định mối quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước ngày càng được củng cố và thắm tình anh em./.
Theo TTXVN/Vietnam+