Cập nhật: 30/12/2010 16:34:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

2010 là một năm đáng nhớ đối với nền kinh tế Việt Nam với đan xen những thành công trong điều kiện khó khăn và những vấn đề lớn bộc lộ đòi hỏi phải giải quyết. Báo Tiền Phong bình chọn 10 sự kiện mang tính dấu ấn trong năm rất đặc thù này.

1. GDP 6,7% hơn cả mong đợi

 

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, dù nội lực nền kinh tế còn chưa mạnh, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, cao hơn kế hoạch đề ra 0,2% (năm 2009, GDP đạt 5,3%). Tổng GDP theo giá thực tế năm 2010 khoảng 1.951,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 102,2 tỷ USD. Trong 21 chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội giao, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.

 

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo. Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 70,8 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 83 tỷ USD, nhập siêu năm 2010 khoảng 12 tỷ USD.

 

2. Thủy điện Sơn La về đích sớm 2 năm

 

Nhà máy thủy điện Sơn La.
 

Ngày 17-12, tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La, công suất 400 MW phát điện hoà lưới điện quốc gia, về đích sớm hơn 2 năm theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là một kỳ tích của các đơn vị thi công, làm lợi cho đất nước hàng trăm tỷ đồng.

 

Hy vọng, công trình này sẽ là bài học để các chủ đầu tư giải quyết triệt để căn bệnh trầm kha chậm tiến độ các dự án điện.

 

3. Lạm phát khó dưới hai con số

 

Quốc hội đặt chỉ tiêu lạm phát 2010 dự kiến ở mức 7-7,5%. Sau 6 tháng, trước tình hình giá thế giới biến động, giá cả đầu vào nhiều loại nguyên liệu tăng bất thường, mức lạm phát được điều chỉnh lên 8,5%/năm.

 

Tuy nhiên, diễn biến 3 tháng cuối, nhất là tháng 11 đã khiến tất cả các cơ quan điều hành phải bất ngờ, khi mới chỉ 11 tháng CPI đã lên tới 9,58%. Lạm phát tháng cuối năm của hai thành phố lớn là (Hà Nội và TPHCM) lần lượt là 1,83% và 1,61%. Lạm phát năm 2010 khó dưới hai con số.

 

Như vậy, trong vòng bốn năm qua, có tới 3 năm lạm phát ở mức hai con số (năm 2007 là 12,63%; năm 2008 là 22,97%).

 

Việc CPI năm 2010 lên hai con số tạo nên bão giá, khiến doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn. Chính phủ tiếp tục đưa ra cam kết giữ giá các mặt hàng từ xăng dầu, than, điện cho đến hết quý 1-2011 thay vì được tăng theo lộ trình hoặc giá thị trường.

 

4. Sóng gió thị trường tiền tệ

 

Techcombank nâng lãi suất huy động trong 3 ngày vàng lên 17% .
 

Từ đầu năm đến sang nửa đầu quý 3, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hiệp hội ngân hàng kêu gọi các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh xuống ngưỡng 14-15%. Trong khi chưa nhiều ngân hàng thực hiện theo lời kêu gọi trên, thì hai tháng cuối năm, sóng gió nổi lên khi một số ngân hàng bùng nổ lãi suất huy động.

 

Điển hình ngân hàng Techcombak đưa ra gói dịch vụ huy động trong ba ngày với lãi suất khủng lên tới 17%/năm, gây cú sốc lớn cho thị trường tiền tệ.

 

Năm 2010 cũng là năm thị trường vàng có những cơn nóng sốt kinh ngạc. Đầu tư vàng thắng hơn đầu tư sản xuất. Đầu năm 2010, giá vàng dao động từ 26-27 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư mua vào thời điểm đó thì cuối năm, mỗi lượng vàng thu lãi ròng khoảng 10 triệu đồng.

 

Tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào vàng năm qua đạt khoảng 38%. Tuy nhiên, điều này về tổng thể không có lợi cho nền kinh tế, bởi nó không những không tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, nó còn góp phần làm méo mó dây chuyền sang các thị trường khác như USD, nhà đất và chứng khoán.

 

5. Tái cơ cấu Vinashin

 

Tàu Vinashin do tập đoàn này mua về sử dụng không hiệu quả . Ảnh: T.L
 

Công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế Việt Nam là một con đường chưa có tiền lệ. Vừa mạnh dạn mở hướng vừa quyết liệt điều chỉnh. Câu chuyện Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin nợ nần, đình đốn sản xuất vì đầu tư dàn trải trong cơn khủng hoảng kinh tế thế giới là một bài học đắt giá trong quá trình này. Với quyết định tái cơ cấu Vinashin của Chính phủ, hy vọng sau 3 năm Vinashin sẽ ổn định và phát triển...

 

6. Thiệt hại lớn vì thiếu điện

 

Đây là năm được đánh giá là người dân và doanh nghiệp, công sở bị cắt điện nhiều nhất và kéo dài nhất (cả mùa mưa và mùa khô đều bị cúp điện) trong vài năm trở lại đây. Việc cúp điện đã khiến nhiều doanh nghiệp bị đình đốn sản xuất, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

 

Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, với tư cách là một thành viên Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Tổng quy hoạch điện VI và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng thiếu điện thời gian qua.

 

Không chỉ khách hàng thiệt hại, ngay cả người bán hàng là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng khốn đốn, chỉ trong 7 tháng đầu năm đã lỗ tới 6.500 tỷ đồng. Lý giải con số trên, EVN cho biết do khô hạn, các nhà máy thủy điện phát điện cầm chừng, trong khi phải mua điện của Trung Quốc giá cao về bán giá thấp.

 

7. Minh bạch nợ công

 

Sau vụ vỡ nợ công của Hy Lạp, Ireland.., chuyện nợ công của Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý dư luận. Lần đầu tiên, nợ công được Chính phủ báo cáo chi tiết trước Quốc hội.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 31-12-2009, nợ công của Việt Nam so với GDP chiếm 52,6%, trong đó nợ Chính phủ chiếm 41,9%, trong khi, quy định của Thủ tướng về chỉ tiêu này là 50%. Tuy nhiên, theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, vị thế nợ của Việt Nam vẫn bền vững.

 

8. Làm giá chứng khoán bị bắt

 

Chưa bao giờ những vụ làm giá chứng khoán lại trắng trợn và bị phát hiện nhiều như năm qua. Các vụ làm giá được điểm mặt từ những cổ phiếu thay đổi bất thường như: PVA, AMV, VHG, AGC, VTV, VSP, SRA, AAA...

 

Với việc Luật hình sự sửa đổi, quy định tội danh hình sự liên quan chứng khoán có hiệu lực (1-1-2010). Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới chỉ khởi tố một vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt giam Tổng giám đốc Cty cổ phần Dược Viễn Đông (mã CK: DVD) để điều tra hành vi thao túng giá cổ phiếu.

 

Vụ án trên phần nào lấy lại lòng tin giới đầu tư về một thị trường chứng khoán lành mạnh. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ kỳ vọng sẽ được bảo vệ tốt hơn trong năm 2011.

 

9. Việt Nam kiện Mỹ

 

Lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đệ đơn lên tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Mỹ về việc áp thuế phá giá đối với con tôm đông lạnh xuất khẩu. Chuyện thắng thua còn phải chờ quyết định của WTO, nhưng qua vụ kiện này thể hiện bản lĩnh và vị thế Việt Nam trên thương trường, không để cá lớn ép cá bé.

 

10. Sợ người tiêu dùng hơn toà án

 

Từ tháng 9-2008, cơ quan chức năng phát hiện Cty bột ngọt Vedan Việt Nam là thủ phạm chính xả nước thải "giết" sông Thị Vải. Dù trắng đen đã rõ ràng nhưng suốt gần hai năm sau đó, Vedan vẫn không chịu bồi thường, mà chỉ đồng ý hỗ trợ cho những nông dân bị thiệt hại. Ngay cả khi nông dân đệ đơn kiện Vedan lên toà án, doanh nghiệp này vẫn bình chân như vại.

 

Ngày 5-8-2010, khi toàn bộ các sản phẩm mang nhãn hiệu Vedan (bột ngọt) bị hệ thống siêu thị Co.op Mart, dưới danh nghĩa của những người tiêu dùng, tẩy chay không bán sản phẩm, thì chỉ bốn ngày sau đó, công ty này đã chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.

 

Cùng đó, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua trong kỳ họp cuối năm (thay Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng), với những quy định cụ thể về quyền của người tiêu dùng, các hành vi bị cấm, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Với hành lang pháp lý này, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được đề cao.

 

 

Báo Tiền Phong Online

Tệp đính kèm