Cập nhật: 04/01/2011 16:14:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

GDP năm 2010 đạt 6,78%, vượt mục tiêu kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng tăng trưởng năm 2010 của Việt Nam vẫn cao nhất trong khu vực ASEAN. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc về công tác điều hành và thực thi chính sách.

 

PV: Sau một năm nhiều trải nghiệm, nhiều sóng gió, kinh tế nước ta có nhiều điểm khởi sắc. Bộ trưởng cảm nhận như thế nào trong công tác điều hành kinh tế  2010?

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Năm 2010 là năm đầy thách thức đối với chúng ta. Khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới vẫn tác động vào nền kinh tế. Năm 2010 là năm thiên tai nặng nề, nhất là ở khu vực miền Trung... Nhưng năm 2010 là năm thành công trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,78%, vượt mục tiêu QH đề ra. Nhưng cũng có một vài điểm cần đánh giá một cách đầy đủ hơn để có biện pháp điều hành tốt hơn, đó là lạm phát. Chỉ tiêu lạm phát trong Nghị quyết QH không là không vượt quá 7%; trong điều hành vừa qua, Chính phủ cố gắng phấn đấu điều hành để không vượt quá 8%. Tuy nhiên, nếu so giữa tháng 12 năm nay và tháng 12 năm ngoái thì chỉ số là 11,75% - một chỉ số lạm phát khá cao. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ và có biện pháp quyết liệt hơn.

 

PV: Năm qua kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu. Nhưng nếu nhìn vào phương thức điều hành kinh tế vĩ mô còn đó những nỗi lo. Chỉ số lạm phát quá cao do hệ  lụy của mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Không phải chúng ta chỉ coi trọng mục tiêu tăng trưởng. Các biện pháp điều hành nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý. Ảnh hưởng chính ở đây là do chúng ta không dự báo được xu thế biến động của giá cả thị trường thế giới. Những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 11 và tháng 12, một số chỉ số giá thế giới tăng rất cao như: giá vật tư, nguyên liệu, thực phẩm, đặc biệt là giá vàng tăng rất cao ảnh hưởng tới giá cả của chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta còn bị tác động từ thiên tai. Thiên tai làm cho nông nghiệp bị ảnh hưởng; giá lương thực, thực phẩm ở miền Trung lên cao đẩy chỉ số giá lên cao. Chính  phủ đã có những phản ứng kịp thời để khắc phục; tuy nhiên do dự báo chưa kịp thời nên các biện pháp đưa ra chậm hơn so với mong muốn, cho nên phần nào có tác động. Chẳng hạn vấn đề điều hành về hệ thống ngân hàng, phản ứng chậm nên hoạt động ngân hàng không ổn định. Chẳng hạn như kiểm soát tỷ giá, tỷ giá những tháng cuối năm có biến động lớn giữa giá USD và giá tiền VNĐ. Trong khi các nước xung quanh chúng ta USD mất giá, đồng nội tệ của các quốc gia này ổn định giữ được giá trị nhưng chúng ta thì USD mất giá, tiền đồng Việt Nam mất giá theo USD cho nên ảnh hưởng của khủng hoảng bị tác động kép.

 

Bài học là điều hành kiên quyết

 

PV: Rõ ràng trong công tác điều hành cũng như công tác thực thi chính sách phối hợp chính sách chúng ta vẫn còn những bài học. Bài học năm 2010 là gì thưa Bộ trưởng?

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Bài học của chúng ta là nắm bắt kịp thời tình hình, dự báo đúng tình hình và khi thấy vấn đề rồi thì phải cương quyết xử lý, không dùng dằng. Có lúc, ta có hơi dùng dằng. Bài học lớn nhất là phối hợp chính sách và có giải pháp kịp thời và quyết liệt.

 

PV: Vượt qua nhiều dự đoán, nếu nói năm 2010 là năm thành công thì cũng có thể nói chỉ tiêu xuất khẩu cũng có những khởi sắc nhất định. Hay một sự bất ngờ khác nữa là các nhà tài trợ vẫn cam kết tài trợ cho Việt Nam 7,9 tỷ USD. Bộ trưởng cảm nhận như thế nào về vị thế của Việt Nam cũng như cách mà các nhà tài trợ nhìn vào Việt Nam và những thành tựu chúng ta đạt được về xuất khẩu?

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao khả năng phát triển kinh tế Việt Nam, họ nhìn vào thành tựu chúng ta đạt được trong quá khứ; đồng thời họ cũng nhìn thấy được tương lai và hướng đi của chúng ta. Các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế  cho rằng hướng đi của chúng ta là đúng, mặc dù còn một vài điểm có lúc nào đó có vấp váp nhỏ, nhưng tổng thể những chính sách vĩ mô của chúng ta là đúng. Các định hướng chiến lược chúng ta là đúng, các đường lối phát triển kinh tế của chúng ta là đúng. Cho nên các nhà tài trợ rất tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Và họ cho rằng chúng ta cần cẩn trọng hơn và có những quyết sách phù hợp thì bảo đảm chúng ta sẽ thực hiện được những mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới

 

PV: Thưa Bộ trưởng, rõ ràng năm 2010 chúng ta đang phải giải quyết rất nhiều nút thắt của nền kinh tế, thậm chí là phải giải quyết những vấn đề phát sinh khi chúng ta điều hành nền kinh tế. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những nút thắt kinh tế mà chúng ta đang phải giải quyết?

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Việc xây dựng những tập đoàn lớn của nhà nước là đã được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 3 cũng như trong văn kiện Đại hội X, chúng ta kiên trì thực hiện con đường đó. Thế nhưng chúng ta phải có một cách đi phù hợp hơn, nhất là trong mô hình phát triển của từng tập đoàn, bảo đảm bảo phát triển không quá nóng, phát triển phù hợp với khả năng, với nguồn lực và phù hợp với trình độ quản lý của chính chúng ta. Sắp tới đây chúng ta phải có những biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn.

 

Ba đột phá cho năm 2011

 

PV: Nhìn vào triển vọng của năm 2011 thì Bộ trưởng có thể thấy những tín hiệu nào cho  kinh tế Việt Nam ?

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Năm 2010 sẽ để lại một số khó khăn cũng như thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Trước hết về thuận lợi chúng ta vẫn lấy được đà tăng trưởng. Năm 2010 chúng ta tăng trưởng cao hơn năm 2009 và quý IV tăng trưởng cao hơn quý II, quý III năm 2010. Năm 2011 thuận lợi là khởi đầu, chúng ta có đà đi lên của nền kinh tế. Chúng ta đã thực hiện một số chương trình đầu tư, đặc biệt là đầu tư doanh nghiệp nhà nước, cũng như đầu tư của Nhà nước đang mang lại hiệu quả, tạo tiền đề để tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng có một số thách thức lớn, đó là phải ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cao. Tháng 1. 2011 cũng là tháng Tết, chắc chắn là chỉ số sẽ còn tăng nữa, nên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Những cân đối lớn của nền kinh tế như: vốn đầu tư, cân đối năng lượng... là những khó khăn. Chúng tôi tính toán, trong năm 2011 chúng ta sẽ thiếu năng lượng và sẽ có tác động đến kinh tế. Năm 2011 chúng ta sẽ phải hết sức nỗ lực vì dự báo sẽ có những khó khăn, thậm chí khó khăn hơn 2010.

 

PV: Thưa Bộ trưởng, ngoài những vấn đề trên, người ta cũng đề cập đến khó khăn về nút thắt kinh tế mà chúng ta nhiều năm qua chưa giải quyết được như: nhân lực, cơ sở hạ tầng yếu. Bộ trưởng nói gì về điều này trong năm 2011 với những vấn đề nóng như vậy?

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: 2011 chúng ta cần tiếp tục phải thực hiện các giải pháp đặc biệt là các giải pháp lớn, 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đó là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực và vấn đề thể chế. Nếu chúng ta thực hiện tốt  3 điều đó sẽ tạo điều kiện để đạt được các mục tiêu đề ra.

 

PV: Xin cám ơn Bộ trưởng!

 

Theo TTXVN/Vietnam+

 

Tệp đính kèm