Dịp Tết nguyên đán Tân Mão đang đến gần, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa được đầy đủ vào dịp Tết, các địa phương trên cả nước đã chủ động cân đối cung cầu, chuẩn bị cho việc bình ổn thị trường Tết.
Cụ thể, Sở Công thương Hà Nội cho biết, 400 tỷ đồng đã được thành phố giao cho 14 doanh nghiệp chuẩn bị dự trữ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn giá. Được biết, thành phố dự kiến sẽ tổ chức trên 50 địa điểm làm chợ hoa ngày Tết. Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND các huyện bán hàng có trợ cước cho 13 xã miền núi, 38 phiên chợ Việt, 23 chuyến bán hàng nông thôn và 9 phiên chợ Tết cũng sẽ được tổ chức từ nay đến Tết Nguyên đán. Sở Công thương cũng đã phối hợp với Công an TP để cho phép 47 xe ô tô tải chuyên chở hàng hóa phục vụ Tết của 6 doanh nghiệp được hoạt động 24/24h.
Tại Tp Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã cho 13 doanh nghiệp vay 422 tỷ đồng để dự trữ tám mặt hàng, gồm 9.000 tấn gạo, 4.100 tấn đường, 1.500 tấn dầu ăn, 8.000 tấn thịt gia súc, 3.000 tấn gia cầm, thực phẩm chế biến 3.000 tấn, 25 triệu quả trứng, 2.000 tấn rau, củ quả. Cũng theo UBND thành phố, hiện thành phố đã triển khai chương trình bán hàng thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường Tết Canh Dần trên địa bàn 24 quận, huyện và tại các khu, cụm công nghiệp với tổng số 1.504 điểm bán hàng bình ổn và hơn 300 lượt xe bán hàng lưu động, tăng gần gấp ba lần so với năm 2009. Các doanh nghiệp đã chốt giá thấp hơn 10% giá thị trường đến ngày 25/3.
Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết, đến nay, các doanh nghiệp, siêu thị tại TP Đà Nẵng đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán 2011 với tổng trị giá hơn 400 tỷ đồng.
Trong đó, Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, đơn vị đã dự trữ được hơn 1,5 tấn gà, hơn 10 tấn thịt lợn và một lượng lớn thịt bò để bán riêng trong mấy ngày giáp Tết; hệ thống Big C đã lên kế hoạch chuẩn bị đưa vào phục vụ Tết khoảng 100 tấn thịt nguội eBon, được sản xuất theo chuẩn HACCP, 10 tấn thịt; đồng thời cam kết giá không biến động trong suốt quá trình phục vụ mua sắm Tết…
Theo Sở Công Thương, dự kiến sức tiêu dùng trên địa bàn thành phố dịp Tết tăng 20 - 30%. Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng dự trữ 500 tấn gạo, chi 3,5 tỷ đồng bình ổn giá thịt lợn.
Tại Tiền Giang, Tổng Cty Lương thực miền Nam cho biết, đến nay, Tiền Giang đã xây dựng được 112 cửa hàng từ Đà Nẵng đến Cà Mau để tham gia bình ổn giá lương thực. Đồng thời, có 20 đơn vị chuẩn bị phục vụ Tết với 58.000 tấn hàng hóa thiết yếu tại 139 điểm bán hàng. Các địa phương cũng đã cho 8 đơn vị vay 59 tỷ đồng (không lãi suất) từ 2 đến 6 tháng để chuẩn bị hàng phục vụ Tết.
Tại Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trích từ ngân sách địa phương 14 tỷ đồng tạm ứng cho 5 đơn vị doanh nghiệp thương mại trong tỉnh cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường trong dịp Tết Canh Dần 2010.
Số hàng hóa nói trên đang được cung ứng ra thị trường qua mạng lưới 11 đơn vị bán lẻ trực thuộc tại TP Thái Nguyên, các thị trấn, thị tứ, chợ vùng cao..., nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh mua sắm hàng hóa phục vụ Tết với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng.
Tại Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định xuất ngân sách gần 8 tỷ đồng để cứu rét 13.588 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 2 huyện đặc biệt khó khăn là: Kon Plong và Tu Mơ Rông (nằm trong Chương trình 30A của Chính phủ) và một số xã ở huyện Kon Rẫy, Đăk Glei, sau khi không khí lạnh gây rét đậm và rét hại cục bộ tại các địa phương này.
Trong đó, trên 5,7 tỷ đồng để cứu rét cho 100% hộ dân (gần 10.000 hộ) ở tất cả các xã của huyện Kon Plong và Tu Mơ Rông; gần 2,2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân thuộc 6 xã của huyện Đăk Glei và 2 xã của huyện Kon Rẫy.
Tại Gia Lai, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay đã có 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, với tổng trị giá trên 330 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với dịp Tết Canh Dần 2010.
Theo dự báo, trong 2 tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Mão, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn khoảng 3.400 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 11 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, sẽ đảm bảo lượng hàng trị giá khoảng 3.600 tỷ đồng, trong đó hàng thực phẩm công nghệ và hàng tiêu dùng chiếm 70%.
Theo Báo điện tử ĐCSVN