Gấn tết, nguồn hàng vẫn dồi dào, nhưng đã có hiện tượng tăng giá cục bộ ở một vài nhóm hàng. Hiện tượng nói thách, hét giá trở nên phổ biến trong những ngày cuối năm. Thanh tra Sở Tài chính TP.HCM cho biết, vi phạm về giá cả tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tết là tăng giá
Sáng 18-1, nhân viên bãi giữ xe chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp, TPHCM) đột ngột thông báo với khách tăng giá gửi xe tại bãi lên 4.000 đồng/chiếc/lượt, bắt đầu từ nay đến tết. Nhiều khách hàng phản ứng thì nhận được câu trả lời tỉnh queo của nhân viên giữ xe: “Tết rồi, giá phải khác”. Tâm lý tết là giá phải tăng bắt đầu râm ran tại nhiều chợ lẻ khi thị trường bước vào cao điểm tết, sức mua tăng.
Mặt hàng có dấu hiệu nhích giá rõ nhất là trái cây. So với tuần trước, giá trái cây đã tăng thêm 3.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại, nguyên nhân là chợ rằm nên nhu cầu tăng cao. Tại chợ Tân Kiểng (quận 7, TPHCM), hàng về trong sáng 18-1 khá nhộn nhịp, chủ yếu là hoa, trái cây phục vụ ngày rằm.
Theo tiểu thương, từ sau ngày rằm trở đi, nhiều mặt hàng bắt đầu hút như xoài, bưởi, cam, nho, mãng cầu... nên giá chắc chắn sẽ nhích tiếp. Hiện, xoài cát Hòa Lộc lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg, bưởi da xanh có cuống 35.000 - 40.000 đồng/kg, mãng cầu (3 - 4 trái/kg) tăng lên 50.000 - 55.000 đồng/kg...
Nếu so với giá chợ đầu mối xoài cát Hòa Lộc 45.000 đồng/kg, bưởi da xanh 28.000 đồng/kg, mãng cầu tròn 35.000 đồng/kg thì chênh lệch giữa chợ sỉ và chợ lẻ lên đến 30-35%.
Theo bà Huyền - chủ sạp trái cây chợ Tân Kiểng, vào thời điểm giáp tết giá trái cây thường tăng thêm 20% do là những mặt hàng không thể thiếu trong bàn thờ ngày tết. Thanh long hiện cũng lên 35.000 đồng/kg trong khi năm trước cao nhất chỉ có 25.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức, cho biết lượng rau củ quả về chợ này khá ổn định, khoảng 3.000 tấn/đêm. Sức mua thấp, nguồn hàng về nhiều nên tiểu thương không dám nâng giá mạnh.
Về sáng, nhiều loại rau được bán đồng giá 2.000 đồng/kg, riêng mặt hàng trái cây giá giảm ít hơn, còn 2/3 so với lúc cao điểm. Thậm chí giá cả một số mặt hàng tết như xà lách, hành tím, củ kiệu có xu hướng giảm.
Về tình trạng chênh lệch cao giữa chợ sỉ và chợ lẻ, làm việc với ban quản lý chợ Tam Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho rằng cần phải tìm phương án giải quyết lượng hàng dư thừa tại chợ đầu mối, có thể sử dụng những xe tải nhỏ để đưa hàng trực tiếp đến các chợ.
“Không thể để xảy ra tình trạng nơi đổ bỏ, nơi giá cao. Trọng tâm trong mùa Tết Tân Mão của TP.HCM là đảm bảo nguồn hàng dồi dào, chất lượng và giá ổn định, vì vậy cần phải liên thông chặt chẽ giữa chợ sỉ và chợ lẻ để tránh giá tăng đột biến”, ông Tài chỉ đạo.
Xử phạt không xuể
Ông Võ Thành Dương, phó chủ nhiệm HTX Phước An (huyện Bình Chánh), chuyên cung cấp rau an toàn cho các siêu thị, cho biết giá các loại rau đang rẻ đi, hàng dồi dào nên các hộ nông dân sau khi giao hàng cho siêu thị đều dư ra ít nhất 1-2 tấn.
Theo ông Dương, thương lái rất nhanh nhạy trong việc nắm tình hình trên địa bàn, chỉ cần phát hiện một mặt hàng nào đó về chợ có dấu hiệu ít đi, họ lập tức đẩy giá lên gấp đôi nên các đợt nâng giá này thường chỉ kéo dài 2-3 ngày.
Bà H., kinh doanh rau tại chợ Gò Vấp, tính toán giá vốn mỗi ngày khoảng 2 triệu đồng cho hơn 400kg rau các loại, sau khi trừ tiền vận chuyển 150.000 đồng, tiền bao bì, phí sạp 220.000 đồng, mỗi ngày lời 300.000-350.000 đồng. So với năm ngoái, giá vốn ít hơn nhưng tiền lời nhỉnh hơn. “Chi phí đầu vào không tăng nhưng thị trường năm nay cái gì cũng tăng từ mắm, đường, đậu... nên người bán phải tăng theo”, bà H. cho biết.
Thực tế giá nhiều mặt hàng có xu hướng rẻ hơn năm ngoái nhưng giá bán ra vẫn đứng ở mức cao do tâm lý tết. Tuần qua, thanh tra Sở Tài chính TP.HCM phối hợp với Sở Công thương đi kiểm tra tình hình giá cả tại chợ Bến Thành (Q.1) phát hiện tình trạng nói thách, tăng giá đang rộ trong những ngày cận tết.
Ông Nguyễn Văn Bình - phó chánh thanh tra Sở Tài chính - cho biết đoàn đã nhắc nhở ban quản lý chợ chấn chỉnh tiểu thương. Nhiều người mua sắm tại chợ Bến Thành cho biết ở một số mặt hàng tiêu dùng dù có trả một nửa giá cũng dễ bị hớ. Hoặc ở ngành hàng thực phẩm như mứt, thủy hải sản khô tiểu thương thường niêm yết giá cao sau đó bán thấp hơn khoảng 10-15%.
Theo đại diện Sở Tài chính, chỉ trong ba tuần đầu tiên của tháng 1-2011, đoàn thanh tra liên ngành đã lập biên bản 123 vụ vi phạm về giá cả, trong đó xử phạt 97 vụ. Các hình thức vi phạm phổ biến nhất vẫn là không niêm yết giá, bán cao hơn giá quy định, đặc biệt phổ biến ở dịch vụ giữ xe, hàng hóa thực phẩm.
“Từ đây đến tết, các đoàn kiểm tra giá của Sở Tài chính, Sở Công thương, quản lý thị trường và UBND quận huyện tăng cường các đợt kiểm tra về giá, trong đó tập trung ở chợ truyền thống, bãi giữ xe bệnh viện, trung tâm thương mại...”, ông Bình cho biết.
Kiểm tra nguồn hàng bình ổn
Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc tại TP.HCM phản ảnh khó mua được hàng bình ổn tại các cửa hàng của doanh nghiệp tham gia chương trình. Bà Năm (Q.Gò Vấp) cho biết đến mua dầu ăn tại điểm bán hàng trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Gò Vấp) thì người bán hàng phớt lờ, không chịu bán.
Tại một số điểm bán hàng khác của siêu thị Co.opMart, cửa hàng Vissan khách tìm đỏ mắt không thấy mặt hàng bình ổn như dầu ăn, đường... Sở Công thương TP.HCM cho biết vẫn đang kiểm tra nguồn hàng của các doanh nghiệp bình ổn, hiện nay lượng hàng hóa của các doanh nghiệp bán ra tăng 20-30% so với năm ngoái.
Theo Tuổi Trẻ Online