Cho đến thời điểm này, hàng hoá Tết trên thị trường đã rất sôi động. Tại các đô thị lớn, người dân đi mua hàng tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại rất đông.
Tết Nguyên đán Tân Mão đang cận kề, hàng hoá đã được ngành thương mại và doanh nghiệp ở các địa phương tích cực đưa ra thị trường để phục vụ tốt nhất nhu cầu sắm Tết của người dân. Dự báo, sức mua hàng hóa thời điểm giáp Tết cổ truyền sẽ tăng 20-22% so với các tháng trong năm.
Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng lo lắng nhất vẫn là sự biến động của giá cả dịp cuối năm và sự lẫn lộn khó lường của hàng thật, hàng giả. Chính điều này đòi hỏi sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc quản lý thị trường Tết.
Nỗ lực để đảm bảo cung - cầu hàng hóa
Cho đến thời điểm này, hàng hoá Tết trên thị trường đã rất sôi động. Tại các đô thị lớn, người dân đi mua hàng tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại rất đông. Đa phần người tiêu dùng đều có chung nhận xét giống như chị Như Thanh (Hà Nội): “Tôi thấy thị trường hàng hoá Tết rất phong phú, hàng nội ngày càng khẳng định được vị thế của mình, nên tôi sẽ chọn hàng nội để mua trong dịp Tết này”.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành phải làm sao đảm bảo cung - cầu hàng Tết, ổn định giá bán và bán theo giá niêm yết, giúp người dân đón Tết an toàn, vui vẻ. Theo ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, các bộ, ngành chủ chốt đang rà soát, cắt giảm mua sắm tài sản công, không thanh toán những khoản chi tiêu vượt định mức, chi sai chế độ, tạm hoãn khởi công một số công trình trong đợt Tết này. Ngành thương mại và tài chính hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các doanh nghiệp ký kết mua hàng tại các vùng sản xuất, mở thêm nhiều hình thức bán hàng về vùng sâu, vùng xa, nhất là nguồn rau xanh ngắn ngày tại các vùng bị ảnh hưởng của trận lũ lụt vừa qua.
Ông Nguyễn Tiến Thoả cho biết: “Sở Công thương, Tài chính các địa phương đang nỗ lực làm sao cung - cầu đảm bảo, kiểm soát chi tiêu công, giữ ổn định giá đầu vào của một số ngành như điện, hỗ trợ điện cho các hộ nghèo…”.
Tại Hà Nội, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị đang bán đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng trên 1.200 tỷ đồng, tránh tình trạng thiếu hàng, tăng giá dịp Tết. Theo bà Nguyễn Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, 11 doanh nghiệp có uy tín của Hà Nội chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ thực hiện việc dự trữ hàng hóa để đảm bảo cung - cầu, không thiếu hàng và bình ổn giá cả trong dịp Tết Tân Mão. Đồng thời, để khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, các doanh nghiệp cũng tổ chức đưa hàng về bán ở thị trường nông thôn lân cận với 20 điểm bán hàng thuộc 11 huyện ngoại thành, tại 13 xã miền núi. Với lượng hàng hóa chuẩn bị cho Tết phong phú, Sở Công thương Hà Nội khẳng định, khó có thể có tình trạng khan hàng.
Còn tại thành phố Đà Nẵng, hàng hoá phục vụ mua sắm Tết của người dân cũng được bày bán nhiều. Theo ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, các doanh nghiệp được UBND thành phố hỗ trợ gần 10 tỷ đồng vốn ưu đãi để mua đủ nguồn hàng lương thực, thực phẩm và quan trọng là khai thác nguồn rau xanh đã bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua: “Mặc dù ảnh hưởng của lũ lụt nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo đủ nguồn hàng cho nhân dân sắm Tết và tăng cường quản lý thị trường chống hàng giả, hàng nhái” - ông Lê Viết Tươi khẳng định.
Cảnh giác với hàng giả!
Nét mới trong kinh doanh mùa Tết năm nay là các siêu thị đã thực sự bước vào cuộc cạnh tranh bằng nhãn hàng riêng để thu hút khách. Tại Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, lượng hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết đã gấp 30-40% so với năm ngoái, trong đó có 400 tấn bánh kẹo và 200 tấn mứt, hàng nội địa chiếm 90%. Ngoài ra, các siêu thị lớn như MaxiMart, Citimart, Satramart… đang tăng tốc đưa hàng đến với người dân. Các doanh nghiệp tổ chức nguồn hàng tốt sẽ chủ động được giá bán, đây cũng là cách siêu thị chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh giá hàng hóa đang ở mức rất cao.
“Chúng tôi mở rộng hệ thống bán hàng, phân phối hàng hoá để đảm bảo cung ứng tốt với giá cả hợp lý, góp phần bình ổn thị trường Tết”, ông Trần Văn Thuận - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho biết.
Năm mới đến cũng là lúc nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc hay quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm với các thủ đoạn gian lận tem mác chống hàng giả ngày càng tinh vi hơn, xảy ra tình trạng sử dụng tem nhập khẩu của lô hàng có dung tích nhỏ để dán lô hàng có dung tích lớn cùng chủng loại. Và do không biết cách phân biệt tem giả - tem thật nên người tiêu dùng vẫn có thể bị mua phải hàng giả.
Tại các chợ Hàng Da, Đồng Xuân (Hà Nội), xuất hiện nhiều loại bánh kẹo có chữ Trung Quốc không đóng gói, không nhãn mác, màu sắc sặc sỡ, hình thù kỳ quái và bán theo cân. Ông Hà Thế Hùng - Đội trưởng Đội chống hàng giả, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ PC 46 - Bộ Công an khuyến cáo: “Dịp Tết là thời gian nhiều kẻ xấu lợi dụng đưa hàng giả vào thị trường. Chúng tôi đang tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát và người tiêu dùng cần cẩn trọng. Quan trọng là tăng cường các trang thiết bị để kiểm nghiệm hàng hoá, phát hiện nhanh và kịp thời hàng giả, hàng nhái, giúp người dân yên tâm mua sắm Tết”./.
Theo vovnews.vn