Cập nhật: 27/01/2011 15:23:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến thời điểm này, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán vô cùng nhộn nhịp. Tại các thành phố lớn, người dân đi mua hàng tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại rất đông...

Tết Nguyên đán Tân Mão đang cận kề, hàng hoá đã được ngành thương mại và doanh nghiệp ở các địa phương tích cực đưa ra thị trường để phục vụ tốt nhất nhu cầu sắm Tết của người dân. Dự báo, sức mua hàng hóa thời điểm giáp Tết cổ truyền sẽ tăng 20-22% so với các tháng trong năm.

 

Cho đến thời điểm này, hàng hoá Tết trên thị trường đã rất sôi động. Tại các đô thị lớn, người dân đi mua hàng tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại rất đông. Đa phần người tiêu dùng đều có chung nhận xét giống như chị Như Thanh (Hà Nội): “Tôi thấy thị trường hàng hoá Tết rất phong phú, hàng nội ngày càng khẳng định được vị thế của mình, nên tôi sẽ chọn hàng nội để mua trong dịp Tết này”.

 

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành phải làm sao đảm bảo cung - cầu hàng Tết, ổn định giá bán và bán theo giá niêm yết, giúp người dân đón Tết an toàn, vui vẻ. Theo ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, ngành thương mại và tài chính hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các doanh nghiệp ký kết mua hàng tại các vùng sản xuất, mở thêm nhiều hình thức bán hàng về vùng sâu, vùng xa, nhất là nguồn rau xanh ngắn ngày tại các vùng bị ảnh hưởng của trận lũ lụt vừa qua.

 

Sôi động thị trường hoa trái 

 

Còn đúng một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão, thị trường hoa, cây cảnh ở Hà Nội đang hết sức sôi động.

 

Tại vùng trồng đào Nhật Tân, trời rét đậm kéo dài khiến nhiều vườn đào bị” câm” (không bật nụ, bung hoa). Do đó, những vườn đào có nhiều nụ, lộc biếc, lác đác hoa đều khá đắt khách.

 

Lo ngại đào không kịp nở đúng Tết do quá rét nên nhiều người đã chuyển sang chọn mua quất cảnh về chơi Tết. Tại vùng quất Quảng An (Tây Hồ), Đông Ngạc (Từ Liêm), không khí mua bán đang rất nhộn nhịp.

 

Nhiều chủ vườn phấn khởi cho biết, quất cảnh được bán rải rác suốt từ dịp Noel, Tết dương lịch. Đến những ngày cận Tết này, quất lại càng bán chạy. Hiện, giá quất cảnh tại Tứ Liên, Quảng An hoặc Đông Ngạc có giá từ 300.000 – 5 triệu đồng/cây (tùy theo kích cỡ, dáng cây và cả số quả trên cây).

 

Theo ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, phục vụ Tết Tân Mão sẽ có khoảng 1,5 triệu chậu mai (tăng 38,8% so với cùng kỳ); 2,2 triệu chậu lan (tăng 37,5%); 2,5 triệu cành lan (tăng 47%); 400.000 chậu bonsai và kiểng cổ (tăng 10,1%); 6 triệu chậu hoa nền (giảm 1,7%)...

 

Tiến sĩ Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu KHKT và Khuyến nông Thành phố cho rằng, tuy thành phố đã được mở rộng diện tích cũng như chủng loại hoa, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên sẽ có lượng lớn hoa, cây kiểng từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang và các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên… tham gia vào thị trường hoa Tết.

 

Ông Nguyễn Văn Điệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu - quê hương của vùng "bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều" là thương hiệu trái cây đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận từ cuối năm 2006 cho biết, chưa năm nào các nhà vườn trồng bưởi của Tân Bình (Đồng Nai) lại trúng mùa lớn và được giá bán như vụ giáp Tết Nguyên đán năm nay.

 

 

Trong tổng số 350 ha bưởi của xã, khoảng 70% diện tích đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 150 trái/cây, nhà vườn thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Tuy còn 1 tuần nữa mới vào cao điểm nhưng trong 10 ngày qua, thương lái các nơi đã tấp nập đến Tân Bình thu mua theo hợp đồng với giá 25.000 đồng/trái.

 

Hơn 3 ngày nay, Hàng trăm hộ nông dân trồng dưa ở huyện vùng sâu Đạ Tẻh (Lâm Đồng) thực sự “vui hơn Tết” khi những vườn dưa hấu vụ Tết được mùa lại được giá.

So với vụ dưa Tết năm ngoái, năm nay năng suất dưa cao hơn, đạt khoảng 50 tấn/ha.

 

Hiện các thương lái vào tận vườn mua tất cả lượng dưa nông dân thu hoạch với giá bình quân 5 triệu đồng/tấn. Theo nhiều nông dân trồng dưa ở huyện Đạ Tẻh thì đây là vụ dưa Tết “trúng” nhất trong vòng hơn 10 năm qua.

 

Phong phú hàng Việt

 

Tại Vĩnh Long, không khí mua sắm chuẩn bị đón Xuân đã trở nên sôi động tại các trung tâm thương mại, bách hóa, siêu thị…, trong đó các chợ Tết tại khu công nghiệp thu hút đông công nhân sau giờ tan ca.

 

Để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của công nhân trong dịp Tết, Công ty Lương thực tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư 4,6 tỷ đồng xây dựng và đưa vào hoạt động cửa hàng lương thực thực phẩm tại khu công nghiệp Hòa Phú, cung cấp trên 500 mặt hàng thiết yếu.

 

Từ ngày 21 – 28/1, siêu thị Co.op Mart Vĩnh Long tổ chức 4 phiên chợ lưu động, mỗi phiên chợ được siêu thị đưa về lượng hàng hóa trị giá 300 triệu đồng, tập trung các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm công nghệ, quần áo may sẵn, hàng gia dụng… mang thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân, người lao động tại các cụm công nghiệp, làng nghề và hộ dân vùng nông thôn.

 

Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp Vĩnh Long đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, các khu chợ Têt phục vụ công nhân trong những ngày cận Tết rất sôi động. Hàng hóa đa dạng, giá rẻ là đặc điểm chung của các khu chợ Tết phục vụ công nhân.

 

Tại Thừa Thiên - Huế, hệ thống siêu thị trên thị trường như BigC, Coopmark, Thuận Thành hay các cửa hàng, trung tâm thương mại lớn…thì các sản phẩm sản xuất trong nước như Bibica, Kinh Đô, Hải Hà, Thương Ký….chiếm tỉ lệ cao để phục vụ người dân mua sắm trong dịp Tết.

 

Thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các mặt hàng phục vụ Tết năm nay như bánh, mứt, kẹo…sản xuất trong nước có nguồn gốc rõ ràng được người tiêu dùng lựa chọn.

 

Hiện, toàn tỉnh đã có 18 doanh nghiệp chuẩn bị các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với tổng giá trị hàng hoá hơn 227 tỷ đồng...

 

 

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm