Cập nhật: 21/02/2011 16:07:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vàng nhảy múa, giá đô la Mỹ và các hàng hoá tăng đang thách thức người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Cần giải pháp an dân 

 

Thông tin gần như chắc chắn điện sẽ tăng giá bán lên 15,28% từ 1/3 tới đã khiến không ít người lo lắng, nhất là khi tác động của việc điều chỉnh tỷ giá vẫn chưa  bộc lộ hết đối với giá cả nhiều mặt hàng khác.

 

2 ngày cuối tuần qua chứng kiến sự náo loạn của giá vàng và đô la Mỹ trên thị trường khi vàng “nhảy múa” liên tục, có lúc lên đỉnh 38,4 triệu đồng/lượng, trong khi giá đô la cứ tăng vù vù lên 22.250 đồng/1 USD. Người dân “sốt ruột” nhìn giá vàng và đô la. Cơ quan quản lý trong ngày nghỉ liên tục nghe ngóng động thái của thị trường. Ngân hàng Nhà nước ngày thứ 7 phát đi thông điệp đủ ngoại tệ để “trấn an” và “xóa đi” những tin đồn thiếu ngoại tệ nhập khẩu xăng hay khan hiếm ngoại tệ.

 

Diễn biến mới về khả năng tăng giá xăng, trong khi giá điện gần như chắc chắn sẽ tăng khá mạnh từ 1/3 tới sẽ còn tác động đến mặt bằng giá trong những ngày tới. Đây là lúc nền kinh tế đang thử thách năng lực và trí tuệ của Chính phủ; thử thách hiệu quả quản lý của cơ quan công quyền, bản lĩnh của doanh nhân và sự ứng phó thông minh của người dân.

 

Những ngày qua, đa số người dân đều cố gắng thắt chặt chi tiêu, đã tằn tiện hơn trong sinh hoạt. Với những người có thu nhập khá cũng phải “chùn tay” trong mua sắm. Có thể nhìn thấy các cửa hàng, cửa hiệu, quán xá dường như vơi khách hơn. Nhiều người đã tính toán đến các cách khác nhau để ứng khó với sự tăng giá, đó là: đi làm đi chung xe, tiết kiệm tiền xăng, đi tàu xe mua vé giá rẻ… Nhiều chuyên gia có chung nhận định: sau những cú sốc về giá cả và khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008, 2009, giờ đây người dân đã “bình tĩnh” hơn khi đón nhận mặt bằng giá mới. Tự bản thân mỗi người rà soát chi tiêu, cố gắng không bị cám dỗ với những tin đồn tâm lý để lao vào những cuộc mua - bán theo kiểu tích trữ, đầu cơ. Trong nỗ lực chung đó, ai cũng cố gắng tìm kiếm cơ hội có thêm các nguồn thu nhập khác để bù đắp sự trượt giá và đảm bảo cuộc sống.

 

Trong tình thế hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp cũng là thành phần chịu tác động không nhỏ của lạm phát. Vẫn có những doanh nhân tìm kiếm lợi nhuận theo kiểu trục lợi, găm hàng chờ tăng giá. Ví dụ như các cửa hàng xăng kéo nhau nghỉ bán xăng; doanh nghiệp thép cố tình giảm lượng bán hàng ra thị trường để “nghe ngóng” giá bán…

 

Nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực khi đã có nhiều doanh nghiệp chấp nhận sự hiệu chỉnh giá của Nhà nước để có chiến lược mới. Ví như để đối phó với giá điện tăng từ 1/3, doanh nghiệp đã chủ động chuyển sản xuất vào giờ thấp điểm đêm để giảm chi phí tiền điện; đầu tư công nghệ mới ít hao tổn điện năng hơn hay tổng rà soát lại giá đầu vào và tái cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng hiệu quả hơn. Thực tế đã minh chứng mỗi lúc khó khăn doanh nghiệp Việt Nam luôn ứng biến tốt và thích nghi nhanh. Chúng ta hãy chờ đợi sự ứng biến của doanh nghiệp.

 

Rõ ràng, cái phao bảo hộ và nút thắt về cơ chế đã bắt đầu được cởi ra từ động thái điều chỉnh tỷ giá và quyết tâm điều hành nhiều mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường của Chính phủ. Đây là “bước ngoặt” trong điều hành kinh tế khi Chính phủ chấp nhận và đánh đổi những khó khăn trước mắt để đón chờ trái ngọt là sự ổn định và hiệu quả hơn về lâu dài. Với Chính phủ, điều cần làm bây giờ vẫn là tiếp tục phát đi thông điệp điều hành và thực hiện các giải pháp chống lạm phát đồng bộ hơn, quyết liệt hơn.

 

Thử thách không chỉ là duy trì quyết tâm và nhất quán trong điều hành mà còn là việc làm thế nào để hiệu quả hơn trong quản lý của cơ quan quản lý công quyền xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tình hình khó khăn của kinh tế để kiếm lợi hoặc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”; Hiệu quả hơn và trách nhiệm hơn trong đầu tư và chi tiêu ngân sách; trong việc tính toán và cân nhắc các phương án tăng giá những mặt hàng không thể không tăng; Hiệu quả và trách nhiệm hơn khi đưa ra được các giải pháp đủ mạnh để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân, nhất là người nghèo; Phản ứng nhanh hơn trong vận hành chính sách, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tận dụng cơ hội vượt qua khó khăn do lạm phát.

 

Cuối cùng thì cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là lạm phát không chỉ là khó khăn ở riêng Việt Nam, mà đang trở thành nỗi lo của cả châu Á khi người dân và Chính phủ các nước có nền kinh tế mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng đang phải “gồng mình” chống chọi. Một lần nữa, chống lạm phát cần trách nhiệm và chung tay của cả cộng đồng./.

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm