Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp, chủ động đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân.
Theo văn bản này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế cho khách hàng. Việc mở thẻ này sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối cần chủ động bán ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của người dân (công tác, học tập, chữa bệnh…). Việc bán ngoại tệ này nhất thiết phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối.
Văn bản nêu trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường ngoại tệ tự do trong những ngày qua có dấu hiệu “đóng băng” sau động thái siết chặt của cơ quan quản lý. Điều này khiến cho một bộ phận người dân có nhu cầu sử dụng ngoại tệ chính đáng gặp nhiều khó khăn khi mua đôla Mỹ từ các ngân hàng.
Trả lời phỏng vấn báo chí cuối tuần qua, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quang Huy thừa nhận việc một số ngân hàng còn dè dặt khi thực hiện bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân. Theo ông Huy, hiện tượng này có một phần nguyên nhân từ việc giao dịch ngoại tệ tiền mặt đã làm phát sinh nhiều chi phí cho các ngân hàng (chi phí xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, chi phí kiểm đếm, bảo quản, bảo đảm an toàn, chi phí do đọng vốn...).
Trước thực tế này, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối khuyến cáo người dân nên tích cực sử dụng dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế của các ngân hàng khi có nhu cầu chi tiêu ngoại tệ ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Huy cũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc một số giải pháp để tạo điều kiện cho cá nhân có thể mua được ngoại tệ tiền mặt tại ngân hàng với giá hợp lý, đảm bảo quyền lợi, đồng thời tạo điều kiện xóa bỏ hoạt động bất hợp pháp của thị trường ngoại tệ tự do.
Theo VnExpress.net